Theo dòng lịch sử: Fifa World Cup 1938 - Pháp

-Thứ ba, ngày 27/05/2014 06:37 GMT+7

Mỗi khi nhắc đến World Cup là người ta phải nhắc đến ĐTQG Brazil – một siêu cường quốc bóng đá và đang là đội tuyển nắm giữ nhiều danh hiệu VĐ World Cup nhất trong lịch sử. Nhưng trước khi đạt được thành công như giai đoạn những năm 50-70 của thế kỉ trước, các vũ công Samba đã phải trải qua một quá trình xây dựng đầy khó khăn và sau ba lần tham dự, tức là vào World Cup 1938 trên đất Pháp, thì đội bóng đến từ Nam Mĩ mới để lại được những dấu ấn đầu tiên.

 

 

Hình ảnh trong trận đấu giữa Cuba và Romania
 
Tổng quan
Nước chủ nhà: Pháp
Thời gian: từ 4/6 đến 19/6 năm 1938
Thể thức: loại trực tiếp

Các đội tham dự giải
World Cup 1938 tại Pháp là một trong những sự kiện thể thao lớn cuối cùng của nhân loại trước Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng ngay từ thời điểm đó, những cuộc nội chiến và chiếm đóng diễn ra trên toàn cõi châu Âu cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của giải.
Sự vắng mặt đáng tiếc đầu tiên phải kể đến Tây Ban Nha khi cuộc nội chiến khốc liệt trong nước đã không cho phép đội tuyển nước này tham dự giải đấu số một hành tinh nhưng trên bình diện châu Âu nói chung, trường hợp của tuyển Áo mới thực sự đáng suýt xoa khi đội tuyển rất mạnh của nước này, dù vượt qua vòng loại nhưng lại không thể dự giải vì bị Đức chiếm đóng.
Những cuộc chiến tranh diễn ra trên khắp thế giới dù mang ý nghĩa tiêu cực nhưng ở những khía cạnh khác lại vô tình trở thành cơ hội giúp cho một số nền bóng đá non trẻ như Cuba ở châu Mĩ (do 6 đội ở khu vực Bắc, Trung và Nam Mĩ cùng khu vực Caribbe rút tên) và Đông Ấn thuộc Hà Lan, tức Indonesisa (Nhật rút lui) lần đầu tiên và cũng là duy nhất giành quyền tham dự VCK bóng đá thế giới.
Danh sách 15 đội tuyển (Áo vắng mặt): Ý – Na Uy – Pháp – Bỉ - Brazil – Ba Lan – Tiệp Khắc – Hà Lan – Hungary – Đông Ấn thuộc Hà Lan – Thụy Sĩ – Đức – Cuba – Rumani – Thụy Điển.

Kết quả chung cuộc
Vô địch: Italia
Á quân: Hungary
Hạng ba: Brazil
Hạng tư: Thụy Điển 
Vua phá lưới: Leonidas da Silva (Brazil – 7 bàn)
Tổng số trận đấu: 18
Tổng số bàn thắng: 84 (trung bình 4.6 bàn/trận)

Ấn tượng Brazil
 

 

Vua phá lưới Leonidas của Brazil cùng phong cách ngả bàn đèn ấn tượng

Mặc dù chỉ về thứ ba chung cuộc nhưng những gì mà các vũ công Samba để lại vẫn là cực kì ấn tượng, nhất là sau hai lần tham dự trước đó đều bị loại ngay ở vòng một. Đóng góp vào chiến tích bán kết của Selecao không thể nào không nhắc đến chân sút da màu Leonidas da Silva – vua phá lưới giải đấu năm đó. Với 7 bàn thắng sau năm trận đấu, trong đó có một hattrick vào lưới Ba Lan, một cú đúp vào lưới Thụy Điển cùng hai bàn thắng chia đều cho Séc – Slovakia, Leonidas đã trở thành một trong những vua phá lưới xuất sắc nhất trong lịch sử các VCK World Cup. Nếu không thiếu vắng Leonidas thì không biết chừng chính Brazil mới là người giành chiến thắng khi Selecao chỉ chịu thất bại tối thiểu trước các nhà ĐKVĐ Italia ở bán kết.
Phong độ cùng đẳng cấp mà Leonidas thể hiện cũng là cách PR không thể hoàn hảo cho tài năng của các cầu thủ mang màu da vốn bị kì thị mà chính chân sút 25 tuổi khi đó là một đại diện tiêu biểu nhất. Một điểm nhấn quan trọng khác nữa chính là việc Leonidas còn được xem là một trong những cầu thủ đầu tiên sáng tạo ra phong cách dứt điểm theo kiểu “ngả bàn đèn” – một trong những đặc trưng của sự ngẫu hứng Brazil sau này.
Trái với những ấn tượng đầy tươi mới của Brazil, hai nhân tố mang hơi hướng lạ lẫm khác là Đông Ấn thuộc Hà Lan (tức Indonesia) và Cuba đều không để lại bất kì dấu ấn đáng chú ý nào. Trong khi Đông Ấn thua đâm đội Á quân Hungary tới 0-6 ngay vòng đầu thì đội bóng đến từ khu vực Caribbe cũng chỉ tỏ ra khá khẩm hơn chút ít khi chịu thua Rumani 1-2 trong trận đá lại, trước đó hai đội hòa nhau với tỉ số 3-3.

Brazil...bắt đầu mạnh, nhưng hiện tại vẫn là Italia

 

Chức VĐ đầy thuyết phục của HLV Pozzo (nâng cúp) cùng các cầu thủ Italia

Đội về thứ ba được nhắc đến nhiều nhưng đội bóng vô địch mới xứng đáng là người nhận được sự quan tâm hơn cả. Bốn năm trước, Italia, dù có xứng đáng lên ngôi hay không thì vẫn bị mang tiếng bởi nhà độc tài Mussolini nhưng với phong độ thuyết phục tại đất nước hình lục lăng, Italia đã chứng minh cho cả thế giới thấy được, rằng họ chính là những nhà VĐ xứng đáng nhất, là đội bóng mạnh nhất thế giới trong giai đoạn những năm 30. Vượt qua chủ nhà với tỉ số ấn tượng 3-1 ở vòng hai, Italia đã đánh bại đội bóng đang lên khi đó là Brazil với tỉ số 2-1, đáng chú ý một bàn thắng trong đó được ghi bởi huyền thoại Giuseppe Meazza của Inter Milan. Bước vào trận chung kết, Italia tiếp tục cho thấy bản lĩnh của một nhà VĐ khi vượt qua đối thủ rất mạnh ở Trung Âu khi đó là Hungary với tỉ số đậm 4-2, kết thúc một kì World Cup đại thành công với chức VĐ thứ hai liên tiếp.


Chức VĐ của Italia cũng cho thấy tài năng cầm quân thiên biến vạn hóa của HLV Vittorio Pozzo bởi ở VCK này, chiến lược gia đến từ nước Ý chỉ giữ lại đúng hai tên tuổi từng làm nên thành công của Azzuri tại Rome bốn năm trước, một trong số đó là huyền thoại Giuseppe Meazza – người tiếp tục cho thấy vai trò không thể thay thế trong đội hình những ngôi sao Thiên thanh. Với HLV Pozzo, dù không lên ngôi tại Paris đi chăng nữa thì với những chiến tích như HCV Olympic 1936, ngôi VĐ Central European International Cup các năm 1930, 1935 và đặc biệt là World Cup bốn năm trước, ông vẫn xứng đáng đứng trong ngôi đền những nhà cầm quân hàng đầu trong lịch sử. Thành công tại đất Pháp năm 1938 có lẽ chỉ làm cho các hậu bối của ông thêm phần cố gắng mà thôi bởi cho đến thời điểm này, Vittorio Pozzo mới là HLV duy nhất trong lịch sử từng hai lần lên ngôi tại các VCK World Cup.
Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)


Cùng chuyên mục

TIN MỚI