THEO DÒNG LỊCH SỬ: FIFA WORLD CUP 1958 – THỤY ĐIỂN

-Thứ bảy, ngày 31/05/2014 07:57 GMT+7

Cứ khi một VCK bóng đá thế giới trôi qua thì những nhà phân tích chuyên môn, giới bình luận cùng toàn thể những khán giả hâm mộ luôn tỏ ra hết sức “bận rộn” với những màn tranh cãi quyết liệt về vấn đề sân cỏ, về những sự kiện nổi bật hay thậm chí là cả những câu chuyện bên lề chẳng mấy liên quan. Mỗi người một suy nghĩ, một quan điểm để tìm ra trong mình một ấn tượng khó phai nhất về mỗi VCK World Cup nhưng có lẽ điều đó sẽ trở thành ngoại lệ tại cúp bóng đá thế giới 1958 trên đất Thụy Điển khi mà mọi ánh mắt, mọi góc quay sẽ hướng cả về phía Pele – vua bóng đá khi đó mới 17 tuổi

 

Pele – tâm điểm của World Cup 1958

TỔNG QUAN

Nước chủ nhà: Thụy Điển

Thời gian: từ 8/6 đến 29/6 năm 1958

Thể thức thi đấu: đấu bảng và loại trực tiếp

CÁC ĐỘI TUYỂN THAM DỰ

Khác với những gì diễn ra trên đất Thụy Sỹ bốn năm về trước, VCK World Cup 1958 đã chứng kiến nhiều điểm nhấn quan trọng nơi danh tính các đội bóng dự giải khi lần đầu tiên số đội đăng kí tham dự vượt qua ngưỡng 50. Một cách cụ thể hơn, 53 đội tuyển với các nhóm vòng loại theo khu vực đã tìm ra 14 đại diện ưu tú nhất của bóng đá khắp năm châu, cùng chủ nhà Thụy Điển và ĐKVĐ Tây Đức cho ngày hội World Cup. Giai đoạn sơ loại khắc nghiệt nhất từ trước đến giờ đã chứng kiến sự rơi rụng của một số đội tuyển hạt giống trong đó đáng chú ý là Italia. Thất bại của Ý và chiến thắng dành cho Bắc Ailen cũng đã dánh dấu lần đầu tiên, toàn bộ các đôi tuyển thuộc Vương quốc Anh giành quyền tham dự VCK: Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ailen.

Sở dĩ tuyển Xứ Wales dù đứng thứ hai bảng đấu loại của mình nhưng vẫn có cơ hội tham dự VCK là vì quy định mới của FIFA khi không cho phép bất cứ đội tuyển nào tham dự VCK mà không phải đá vòng loại. Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào trường hợp như vậy khi cả Idonesia lẫn Sudan đều bỏ cuộc và kết cục, Xứ Wales đã chiến thắng đội bóng Á – Âu trong trận playoff trước khi giành vé chính thức. World Cup lần này còn đón chào sự góp mặt của một đội tuyển rất mạnh khác là Liên Xô.

Danh sách 16 đội tuyển tham dự: Tây Đức – Bắc Ailen – Tiệp Khắc – Argentina – Pháp – Nam Tư – Paraguay – Scotland – Thụy Điển – Xứ Wales – Hungary – Mexico – Brazil – Liên Xô – Anh – Áo.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC

Vô địch: Brazil

Á quân: Thụy Điển

Hạng ba: Pháp

Hạng tư: Tây Đức

Vua phá lưới: Just Fontaine (Pháp, 13 bàn)

Tổng số trận đấu: 35

Tổng số bàn thắng: 126 (trung bình 3.6 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 968.000 (trung bình 24.800 người/trận)

PELE: ĐẦU TIÊN KHÔNG PHẢI, NHƯNG LÀ CUỐI CÙNG

 

Giọt nước mắt hạnh phúc của “Vua bóng đá” Pele

Như đã nói ở trên, Pele dù chưa hẳn là cầu thủ xuất sắc nhất giải (người đoạt danh hiệu này là  tiền vệ Didi) nhưng chắc chắn không một cái tên nào có thể vượt qua Vua bóng đá nếu như bàn về sự ấn tượng.

Quả thật, không nhiều người biết đến Pele trước thềm World Cup 58, không mấy ai có ấn tượng gì về cầu thủ 17 tuổi này sau hai lượt trận vòng bảng mà đơn giản là vì Pele… chưa đá. Một số người cho rằng HLV tuyển Samba khi đó là Feola đã “ém quân” nhưng phần đông đều nhận định, Feola đã không dám mạo hiểm với một cầu thủ mới chỉ hơn 17 và chẳng có mấy kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Nhưng trận hòa không bàn thắng trước tuyển Anh đã khiến Feola phải nghĩ lại. Trước sức ép của những cầu thủ trụ cột muốn Pele cùng “vua rê bóng” Garrincha vào sân, Feola đã buộc phải chấp nhận và sự thay đổi này đã lập tức phát huy tác dụng cho đến… hết giải. Pele không ghi bàn trong trận đầu ra sân nhưng những gì mà cầu thủ này làm được sau đó đã khiến cho bất kể CĐV nào cũng phải… tròn mắt ngạc nhiên. Trận tứ kết trước Xứ Wales, Pele nổ phát súng đầu tiên tại một kì World Cup, giúp đội nhà vượt qua đối thủ đến từ châu Âu với tỉ số tối thiểu. Sang trận bán kết với “ông lớn” Pháp, Pele không chỉ ghi bàn, mà còn lập hattrick đầu tiên và giữ kỉ lục như là một cầu thủ trẻ nhất từng ghi ba bàn trong một trận đấu World Cup (17 tuổi 244 ngày). Đến đây, người ta bắt đầu chú ý đến Pele, chú ý đến tiền đạo cao 1m73 nhưng mới chỉ trong vai trò là một nhân tố mới nổi của tuyển Brazil còn để nâng lên tầm cỡ ngôi sao, người ta còn chờ “cậu bé” này sẽ có thể làm gì trong trận chung kết với chủ nhà Thụy Điển. So với trận bán kết, Pele thi đấu không hay bằng, “chỉ” ghi được có hai bàn! Một lời nói đùa chăng, đúng là như vậy! Đến đây, không còn ai có thể đặt ra những nghi vấn về siêu sao mới nổi của bóng đá Brazil và thế giới. Nhiều CĐV Brazil mải để ý Pele mà “quên” mất rằng nước mình đã lần đầu tiên vô địch!

BRAZIL 58 QUÁ MẠNH

 

Garrincha (bên phải) nổi tiếng với những pha đi bóng cực “dị”

Có lẽ vì quá mải mê tập trung vào Pele mà người ta quên đi tầm quan trọng của những gương mặt khác, những cầu thủ vừa tài năng và đặc biệt là giàu yếu tố kinh nghiệm trong đội hình Brazil. Họ sở hữu một Garrincha với đôi chân ma thuật, thậm chí nhiều CĐV xứ Samba còn thích Garrincha hơn cả Pele đơn giản vì cầu thủ này… rê bóng giỏi. Quả thật, Garrincha dù không ghi bàn nhưng khả năng quấy rối và tạo khoảng trống của tiền vệ này xứng đáng được tặng chữ “thầy”. Họ còn có Vava, tiền đạo ghi bàn rất đều ở giải này, thậm chí đã lập cú đúp trước Pele trong trận chung kết và cầu thủ xuất sắc nhất giải Didi – nhân tố chủ chốt đứng sau quyết định đưa Pele và Garrincha vào sân thi đấu. Ngoài những cầu thủ tấn công kể trên, Brazil còn có một hậu vệ… tấn công khác nữa là Nilton Santos và chung quy lại, nhắc đến Brazil 58 thì hẳn phải là chuyện tấn công ghi bàn.

ẤN TƯỢNG CHỦ NHÀ

Bên cạnh đội VĐ Brazil, VCK World Cup 1958 còn chứng kiến phong độ tuyệt vời nơi các cầu thủ chủ nhà Thụy Điển. Không được đánh giá quá cao trước thềm giải khởi tranh, đội bóng của những “tên cướp biển Viking” đã tạo được những bất ngờ đáng kể khi hạ gục quốc gia bóng đá rất mạnh khi đó là Liên Xô trong trận tứ kết. Bước đà tự tin sau chiến thắng trước Liên Xô giúp chủ nhà thi đấu cực kì hưng phấn trong cuộc đối đầu ĐKVĐ Tây Đức và phần thưởng xứng đáng cho thầy trò George Raynor chính là tấm vé chung kết sau tỉ số 3-1 đầy ấn tượng. Thất bại trước Brazil trong trận chung kết dù đáng tiếc nhưng không thể phủ nhận, Thụy Điển đã có một giải đấu hết sức thành công trên phương diện thành tích khi lần đầu vào chung kết và đã mang lại nhiều cảm xúc thăng hoa cho các CĐV nhà.

MỘT SỐ ĐIỂM NHẤN KHÁC

Guilermo Stabile: chân sút từng lên ngôi vua phá lưới ở kì World Cup đầu tiên trong màu áo Argentina trở lại trên cương vị HLV nhưng ở lần này, thành công đã lảng tránh đội bóng xứ Tango khi Stabile chỉ có thể thắng 1 và để thua 2 trận còn lại.

Brazil – Anh: trận hòa 0-0 đầu tiên trong lịch sử các VCK World Cup đã diễn ra giữa Brazil và Anh khi hai đội giáp mặt ở lượt đấu thứ hai bảng 4 và cũng chỉ 4 ngày sau đó, tỉ số 0-0 được lặp lại khi Xứ Wales cầm hòa chủ nhà Thụy Điển.

Lại là… Brazil: Chức VĐ mà đội bóng vàng xanh giành được đã chính thức phá vỡ quy luật một đội bóng không thể VĐ World Cup ngoài châu lục của mình. Trước đó, điều này đã không thể xảy ra với các đội tuyển Ý, Uruguay và Tây Đức.



Cùng chuyên mục

TIN MỚI