Theo dòng lịch sử: FIFA World Cup 1962 - Chile

-Chủ nhật, ngày 01/06/2014 00:01 GMT+7

Kì World Cup thứ bảy diễn ra trong lịch sử nhân loại đã chứng kiến những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực chuyên môn khi lần đầu tiên FIFA áp dụng luật bàn thắng bại hay việc nhiều đội tuyển đã bắt đầu sử dụng sơ đồ 4-3-3 trong thi đấu. Tuy nhiên, tất cả những điểm nhấn tích cực kể trên vẫn chẳng thể nào xóa đi một thực tế đáng buồn, rằng World Cup 1962 là một trong những kì đại hội bóng đá nhàm chán và bạo lực nhất trong lịch sử.

 

ĐT Brazil ăn mừng chức VĐ thứ hai liên tiếp
TỔNG QUAN

Nước chủ nhà: Chile

Thời gian: từ 30/5 đến 17/6 năm 1962

Thể thức: đấu bảng và loại trực tiếp

CÁC ĐỘI TUYỂN THAM DỰ

Kì World Cup năm 1962 trên đất Chile tiếp tục chứng kiến sự quan tâm rất lớn của giới mộ điệu trên khắp thế giới khi đã có cả thảy 57 đội tuyển quốc gia đăng kí tham dự vòng loại. 14 đội tuyển xuất sắc nhất cùng chủ nhà Chile và ĐKVĐ Brazil được chia thành bốn bảng đấu, trong đó bảng tử thần với bốn hạt giống Brazil, Anh, Italia và Uruguay đã xuất hiện.

Bên cạnh thể thức đấu vòng tròn quen thuộc, FIFA đã tiến hành thay đổi cách xếp hạng đội bóng khi tính đến hiệu số bàn thắng/bại thay vì phải đá playoff như những gì đã diễn ra tại Thụy Điển cũng như Thụy Sĩ những kì World Cup trước.

Danh sách 16 đội tuyển tham dự: Bungary – Đức – Hungary – Italia – Tây Ban Nha – Thụy Sĩ, Nam Tư – Liên Xô – Mexico – Argentina – Brazil – Colombia – Chile – Uruguay – Anh – Tiệp Khắc.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC

Vô địch: Brazil

Á quân: Tiệp Khắc

Hạng ba: Chile

Hạng tư: Nam Tư

Đồng vua phá lưới (4 bàn): Jerkovic (Nam Tư), Albert (Hungary), Garrincha (Brazil), Ivanov (Liên Xô), Sanchez (Chile) và Vava (Brazil).

Tổng số trận đấu: 32

Tổng số bàn thắng: 89 bàn (trung bình 2.78 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 776,000 người (trung bình 24,250 người/trận)

KÉM HẤP DẪN VÌ VẮNG “SAO”

Nói một cách chính xác, VCK World Cup 1962 thiếu “sự tỏa sáng” của các ngôi sao, hơn là vắng sao bởi người ta hoàn toàn có thể liệt kê ra những tên tuổi, những cầu thủ vốn dĩ đã đi vào lịch sử của bóng đá thế giới. Chúng ta có “Vua bóng đá” Pele, có những tiền đạo lừng danh như Di Stefano, Ferenc Puskas, Zagallo hay thủ môn số một trong lịch sử Lev Yashin nhưng tất cả trong số họ đều không thể để lại bất cứ dấu ấn nổi bật nào và đã gây thất vọng toàn tập bằng nhiều cách khác nhau.

Hãy bắt đầu với Pele, cầu thủ mới 21 tuổi và bốn năm trước còn đang là người hùng tại World Cup Thụy Điển. Trên đất Chile lần này, Pele vẫn thi đấu hay, vẫn ghi bàn nhưng ca chấn thương quái ác đã không cho phép “Vua bóng đá” thi đấu nhiều hơn con số hai trận và phải rời giải trong sự nuối tiếc đến thẫn thờ của người hâm mộ. Đồng cảnh ngộ với Pele chính là “Mũi tên bạc” Di Stefano, nhưng với ngôi sao của tuyển TBN, sự tiếc nuối còn lớn hơn gấp bội khi ông chưa được chơi bất cứ phút nào và quan trọng hơn cả, đây lại là lần tham dự World Cup duy nhất của siêu tiền đạo CLB Real Madrid.

 

Pele kết thúc World Cup 1962 chỉ với 2 trận đấu

Khác với Pele và Stefano, hai huyền thoại khác của bóng đá thế giới là Ferenc Puskas và Lev Yashin được thi đấu thường xuyên nhưng đây đã là thời điểm hai siêu sao này bước qua thời kì đỉnh cao phong độ (Puskas 35 tuổi còn Yashin 33 tuổi) và không có gì quá khó hiểu khi họ không thể phô ra những gì được xem là tinh túy nhất.

THIẾU, NHƯNG KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ

World Cup 1962 chứng kiến nỗi buồn ảm đạm trên sân cỏ nhưng đâu đấy vẫn có những “ngôi sao kim” xuất hiện và ở trường hợp này, chúng ta có hai cái tên tiêu biểu là Garrincha và Masopust.

Garrincha vốn đã nổi danh từ kì World Cup bốn năm trước trên đất Thụy Điển nhưng đó cũng là lúc mà người ta dồn sự chú ý vào Pele – một cầu thủ biết ghi bàn hơn là Garrincha – cầu thủ được mệnh danh là “Vua rê dắt”. Garrincha kì này vẫn vậy, vẫn đôi chân ma thuật và những tình huống xử lí xuất thần nhưng điều quan trọng là tiền vệ này đã biết cách ghi những bàn thắng vào lưới đối thủ. Bốn bàn thắng của ngôi sao này chính là chiếc chìa khóa quan trọng đưa Brazil vào đến trận chung kết và dù không ghi bàn trong trận quyết định, Garrincha vẫn để lại dấu ấn lớn bằng hai đường kiến tạo.

 

Garrincha (tay cầm cúp) là ngôi sao số một trên đất Chile

Masopust có lẽ là cái tên ít được nghe đến nhất trong một hàng dài những huyền thoại đã được liệt kê phía trên nhưng với những người yêu bóng đá Tiệp, chẳng ai có thể quên được người hùng 31 tuổi từng góp công rất lớn trong hành trình vào chung kết của đội bóng Đông Âu. Với thành tích đáng khích lệ này, Masopust đã được France Football trao giải QBV châu Âu cuối năm đó.

Garrincha và Masopust tỏa sáng rực rỡ nhất đấy nhưng là khi so sánh với giải đấu năm 62 còn về mặt bằng chung, những đóng góp của hai cá nhân này ít nhiều đều bị che mờ bởi những vấn đề ngoài bóng đá. Garrincha, ngoài chơi bóng, còn được biết đến như một con sâu rượu, một cầu thủ nổi tiếng với lối sống phóng túng và hoang dã. Ông chơi bóng chủ yếu vì niềm vui và cũng chính vì sự… hồn nhiên ấy, Garrincha chẳng bao giờ có thể được so bằng người đồng đội Pele dù xét về tài năng, chẳng ai có thể nói Garrincha ở đẳng cấp kém hơn. Garrincha sau đó qua đời vì rượu và lúc này, chẳng ai có thể phân định được rằng: ông là một siêu sao bóng đá hay đơn giản chỉ là một kẻ đói nghèo.

Masopust thì khác, ông thầm lặng ngay từ chính cách chơi bóng trên sân: không khoa trương, bùng nổ nhưng lại là chỗ dựa vững chắc của cả đội trên mọi khía cạnh từ chuyên môn đến tinh thần. Ông từng thi đấu cho Dukla Prague – một trong những CLB mạnh nhất Tiệp Khắc thời điểm đó nhưng khi những biến cố chính trị nổ ra khắp Đông Âu, CLB này không thể trụ vững và đó cũng là một lí do khiến Masopust chẳng còn được mấy người nhắc đến. Masopust từng đến Việt Nam thi đấu trong giải Quân đội các nước XHCN.

CÒN GÌ ĐÁNG CHÚ Ý?

Brazil: Chức VĐ của Selecao không được chú ý quá nhiều bởi những ấn tượng chỉ ở tầm “hạn chế” song nó đã chính thức giúp quốc gia đến từ Nam Mĩ trở thành đội bóng tiếp theo trong lịch sử, sau Italia, từng bảo vệ thành công danh hiệu VĐ.

Bạo lực: Như đã nói ở trên, giải đấu tại Chile năm 62 nổi tiếng vì vấn đề bạo lực hơn là vì bóng đá. Vòng bảng mới đi qua được một nửa chặng đường, báo chí địa phương đã ghi nhận tới 34 ca chấn thương nghiêm trọng khác nhau như gãy chân, rạn mắt cá hay gãy cả xương sườn. Thẻ vàng cũng như thẻ đỏ trở thành một hình ảnh hết sức quen thuộc.

“Ngoại binh”: World Cup 1962 tiếp tục chứng kiến làn sóng cầu thủ chuyển quốc tịch với hai đại diện tiêu biểu nhất là Anfredo di Stefano của Tây Ban Nha (từng chơi cho Colombia và Argentina) và Alfatini của Italia (từng giành World Cup bốn năm trước với Brazil).Tuy nhiên, hai cầu thủ kể trên đều có một giải đấu thất bại cả về mặt cá nhân lẫn tập thể khi bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Chỉ có Italia từng giành được chức VĐ với những cầu thủ nhập tịch trên sân nhà năm 1934.

Chuyển sân: Nước chủ nhà Chile từng có một quyết định hết sức “trẻ con” khi xin FIFA chuyển sân thi đấu vì bất ngờ được vào bán kết. Hệ quả là trận bán kết giữa Tiệp Khắc và Nam Tư chỉ có thể thu hút 5.890 khán giả trong khi con số này ở trận đấu có đội chủ nhà là 76.500 người.

Garrincha: thêm một câu chuyện “hi hữu” khác về Garrincha tại World Cup lần này. Số là trong trận bán kết với Chile, Garrincha dù thi đấu cực hay nhưng lại phải nhận thẻ đỏ vì lỗi đánh nguội. Dư luận Chile đã “nổi sóng” khi biết Garrincha sẽ không được thi đấu chung kết. Ngay hôm ấy, trọng tài biên từng phát hiện ra lỗi và báo ông vua áo đen phạt thẻ Garrincha lặng lẽ rời Chile. Trọng tài chính buộc phải viết lại bản tường trình và do không có người tường trình, Garrincha được thi đấu chung kết và đã tỏa sáng bằng hai đường kiến tạo, góp công giúp Brazil VĐ.

Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)



Cùng chuyên mục

TIN MỚI