THEO DÒNG LỊCH SỬ: FIFA WORLD CUP 1974 – TÂY ĐỨC

-Thứ ba, ngày 03/06/2014 10:29 GMT+7

Người đời vẫn có câu: cuộc sống có lúc thăng lúc trầm, con người có lúc thành công nhưng cũng sẽ khó có thể tránh khỏi thất bại vào một thời điểm nào đó. Bóng đá cũng như vậy, Brazil hồi 70 năm nào còn được vinh danh, còn được tung hô như những nhà VĐ xuất sắc trong lịch sử thì 74 giờ này đã lùi vào dĩ vãng. Đã không còn những câu chuyện về Samba, về những Pele, Jairzinho, Tostao hay Rivelino huyền thoại. Người đi ắt có kẻ đến, văn hóa mới trào lên thay thế những giá trị đã lỗi thời. World Cup năm 1974 trên đất Tây Đức – kì World Cup thứ 10 trong lịch sử nhân loại đã chứng kiến màn đổi ngôi như vậy khi sự hào nhoáng trong phong cách Samba được thế chỗ bởi bóng đá tổng lực mang thương hiệu Hà Lan.

TỔNG QUAN

Nước chủ nhà: Tây Đức

Thời gian: từ 13/6 đến 7/7 năm 1974

Thể thức: vòng bảng và bảng tuyển chọn

CÁC ĐỘI TUYỂN THAM DỰ

Kì World Cup thứ 10 trong lịch sử nhân loại chứng kiến một giai đoạn vòng loại cực kì khốc liệt khi có tới 99 đội tuyển đăng kí tham gia, vượt xa con số 71 tai Mexico bốn năm về trước. Khốc liệt cũng đồng nghĩa với việc sẽ có những vắng mặt đáng tiếc nuối và ở World Cup lần này, sự tiếc nuối, chính xác hơn là thất vọng ấy được dành cho người Anh khi ĐT nước này bị “rơi rụng” ngay từ giai đoạn vòng loại.

Nói một cách chính xác hơn, ĐT Liên Xô mới được gọi là trường hợp đáng tiếc bởi dù đã về nhất vòng bảng khu vực châu Âu, đội bóng phía Đông Âu vẫn phải tranh chấp một tấm vé chính thức bằng trận playoff với Chile của Nam Mĩ. Trận lượt đi diễn ra trên đất Moscow có kết quả 0-0 nhưng Liên Xô là đội đã chủ động bỏ cuộc sau khi chứng kiến những rắc rối về mặt chính trị tại quốc gia mà mình phải làm khách. Như vậy, Chile cùng chủ nhà Tây Đức, ĐKVĐ Brazil và 13 đội tuyển mạnh khác sẽ là những cái tên chính thức tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Đây cũng là kì World Cup chứng kiến sự thay đổi bất thường về thể thức thi đấu khi hai đội bóng đứng đầu mỗi bảng sẽ không đá theo kiểu loại trực tiếp ở vòng trong mà sẽ được chia tiếp làm hai “bảng đấu tuyển chọn”. Tiếp tục đá vòng tròn nhưng ở giai đoạn này, hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ được quyền thi đấu trận chung kết và đội bóng xếp kế tiếp mỗi bảng sẽ đá trận tranh hạng ba.

Danh sách 16 đội tuyển tham dự: Tây Đức – Đông Đức – Chile – Australia – Nam Tư – Brazil – Scotland – Zaire – Hà Lan – Thụy Điển – Bungary – Uruguay – Ba Lan – Argentina – Italia – Haiti.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC

Vô địch: Tây Đức

Á quân: Hà Lan

Hạng ba: Ba Lan

Hạng tư: Brazil

Vua phá lưới: Grzegorz Lato (Ba Lan, 7 bàn)

Tổng số trận đấu: 38

Tổng số bàn thắng: 97 (trung bình 2.55 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 1.774.022 (trung bình 46.685 người/trận)

WORLD CUP 1974: TRONG MEN SAY BÓNG ĐÁ TỔNG LỰC

Có một giai thoại thế này về thứ bóng đá mà ĐTQG Hà Lan đã trình diễn tại VCK World Cup 74 và cụ thể hơn cả là trận chung kết gặp Tây Đức. Trận đấu bắt đầu và Hà Lan là đội giành quyền giao bóng trước. Bóng lần lượt qua chân Johan Cruyff, Neeskens, Hanegem rồi lại được luân chuyển tới Rijsbergen, Haan… Hơn một phút đầu trôi qua, thế trận cứ diễn ra theo cách Hà Lan chuyền – Tây Đức đuổi và cũng chỉ có thế. Để đơn giản hơn, bạn có thể hiểu cách vận hành mà cơn lốc màu da cam từng thực hiện cũng “na ná” như khi Barcelona gặp đội cỡ Levante hay Bayern Munich tiếp Mainz chẳng hạn. Sau những giây đầu đá như… trêu đối thủ, Hà Lan đưa bóng sang phần sân đối phương và Cruyff là người dẫn bóng vào vòng cấm địa Tây Đức, Uli Hoeness (chủ tịch Bayern sau này) không còn cách ngăn cản nào khác ngoài phạm lỗi và đội bóng xứ Tulip vươn lên dẫn trước bằng pha lập công trên chấm 11m.

Có lẽ đến đấy thôi, chúng ta đã phần nào hình dung ra lối đá mà cơn lốc màu da cam sử dụng tại World Cup 1974 trên đất Đức, đó chính là tiqui-taca. Bây giờ thì người ta đã quá quen với khái niệm bóng đá nói trên sau những thành công vang đội mà Barcelona từng đạt được, kế đến bây giờ là Bayern Munich. Cristiano Ronaldo từng tỏ ra bất lực thế nào trong việc đoạt lại quyền kiểm soát trái bóng từ Barcelona thì các cầu thủ Tây Đức (khi đó còn lạ lẫm với tiqui-taca) chắc hẳn còn bực bội hơn nhiều phần khi liên tục phải thi đấu chẳng khác gì như đá bóng… ma vậy.

Người ta cho rằng Johan Cruyff đã khai sinh ra bóng đá tổng lực, người Barca thì lại tôn sùng huyền thoại 67 tuổi như một “cha đẻ” của tiqui-taca nhưng thực chất đánh giá Cruyff thế nào cũng chẳng sao bởi một điều, Barca thành công với tiqui-taca thì đã rõ còn với Hà Lan, họ chẳng là gì trước World Cup 74 nhưng sau đó, họ được xem là ông lớn mãi đến tận bây giờ.

VỎ QUÝT DÀY CÓ MÓNG TAY NHỌN!

 

Một pha bóng quyết liệt trong trận Chung kết giữa Đức và Hà Lan

Anh cao, sẽ có người cao hơn anh, đó chính là quy luật thường tình của xã hội. Ở World Cup 1974, Hà Lan đã lên ngôi, nhưng là chỉ lên ngôi về sự ấn tượng, về thứ bóng đá tổng lực mà họ đã thi triển còn chuyện lên ngôi vô địch thì phải nhắc đến Tây Đức và thủ lĩnh của họ, “Hoàng đế” Beckenbauer. Trong một trận đấu mà Tây Đức được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước sức tấn công vũ bão của Hà Lan (mà thực tế đúng là như vậy) thì Beckenbauer và các đồng đội đã thể hiện được cái chất, thể hiện tinh thần bất khuất của người Đức. Bị dẫn trước ngay từ phút thứ hai, Đức đã nhanh chóng tái lập thế cân bằng chỉ hơn hai mươi phút sau đó. Kịch tính của trận CK được đẩy lên cao khi chủ nhà có bàn thắng vươn lên cuối hiệp một, nhờ công của sát thủ huyền thoại Gerd Muller. 45 phút đầu tiên, người ta đã thấy được tinh thần quật cường của người Đức thì trong 45 phút tiếp theo, tinh thần ấy càng được phát huy một cách mạnh mẽ hơn nữa nhờ vào bản lĩnh mang tên Beckenbauer. Ông chuyền bóng, đi bóng, đoạt bóng, phá bóng rồi lại chuyền bóng. Với Hoàng đế, chẳng có vị trí nào trên sân mà ông không chơi được, thế người ta mới gọi ông là libero huyền thoại, một vị trí chỉ quen thuộc trên sân bóng chuyền dài có… 9m. Nhiều người vẫn tỏ ra “kết” Beckenbauer hơn Pele không chỉ vì cái tên Hoàng đế (Hoàng đế cao hơn Vua) mà còn vì khả năng đa dạng như đã nói ở trên. Quả thật, nếu không có sự tỉnh táo cùng khả năng đọc trận đấu xuất thần của Beckenbauer thì chẳng biết Tây Đức có trụ nổi trước sức tấn công vũ bão của Hà Lan không. Real Madrid mất đến mấy năm mới ngăn chặn được Barcelona trong các trận kinh điển, còn với Beckenbauer và Tây Đức, họ đã có thể hóa giải tiqui-taca đời đầu chỉ trong một trận đấu, mà lại là trận quan trọng nhất.

WORLD CUP 74 CÒN NHIỀU ẤN TƯỢNG

 





Ba Lan:
Hà Lan dù thua nhưng xứng đáng được tôn vinh và điều tương tự cũng đã đến với Ba Lan, nhất là khi đội tuyển nước này đánh bại ĐKVĐ Brazil trong trận tranh HCĐ. Không chỉ thế, Ba Lan còn là đội bóng gây ấn tượng nhờ lối chơi cống hiến (ghi 16 bàn, nhiều nhất giải và có vua phá lưới Lato trong đội hình) và nếu xét về điểm số, Ba Lan thậm chí có thể VĐ khi con số 12 mà đội bóng này giành được sau 6 trận thắng và một trận thua (2 điểm cho một trận thắng) bằng đúng với những gì nhà VĐ Tây Đức giành được sau cả thảy 7 trận đấu.

 





Tây Đức: với cúp vàng giành được tại Munich năm 1974, Tây Đức đã trở thành đội bóng đầu tiên giành ngôi VĐ châu Âu trước khi chạm đỉnh thế giới. Mãi đến năm 2010, thành tích vô tiền khoáng hậu trên mới có dịp tái lập khi Tây Ban Nha đăng quang tại Johannesburg sau chiến tích Euro năm 2008 trên đất Áo và Thụy Sĩ. Đúng ra, Pháp cũng là đội đã có được hai chức VĐ Euro và World Cup liên tiếp nhưng chỉ có điều, thứ tự đó khác với những gì Tây Đức và Tây Ban Nha đã làm được.

 


Thẻ đỏ đầu tiên: Carlos Caszely (Chile) đã lưu danh trong lịch sử World Cup nhưng theo một cách không ai mong muốn khi trở thành cầu thủ đầu tiên bị truất quyền thi đấu trong cuộc đọ sức với Tây Đức tại vòng bảng. Trước đó, thẻ phạt đã bắt đầu được sử dụng tại Mexico năm 70 nhưng đây mới là chiếc thẻ đỏ đầu tiên được rút ra tại một kì bóng đá thế giới.

Zaire: World Cup 1974 chứng kiến nhiều cái tên mới lạ xuất hiện như các ĐT Haiti hay Australia nhưng để lại ấn tượng nhiều nhất phải là ĐTQG Zaire (sau này là Congo). Thực tế, đội bóng non trẻ và có phần nghiệp dư này đã chẳng thể gây được bất cứ ấn tượng nào về mặt chuyên môn song có một câu chuyện hài hước đã in sâu vào lịch sử World Cup khi hậu vệ Mwepu Ilunga của Zaire, do chờ xếp hàng rào… quá lâu, đã chạy lên phá trái bóng khi Brazil vẫn chưa thực hiện tình huống đá phạt trực tiếp từ hiệu lệnh của trọng tài!

Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)



Cùng chuyên mục

TIN MỚI