Trước
Covid-19

Trước Covid-19, nhân loại từng đối mặt với nhiều đại dịch toàn cầu khác, và kết quả không khả quan mấy. Đại dịch Cái Chết Đen (dịch hạch) diễn ra trong khoảng 20 năm ở thế kỷ 14, ước tính đã khiến khoảng 75-200 triệu người thiệt mạng. 600 năm sau đó, vào đầu thế kỷ 20, thế giới lại chìm trong bóng đen của dịch cúm Tây Ban Nha, ước tính có khoảng 500 triệu người nhiễm và ⅕ trong số đó đã tử vong.

Thời bấy giờ, với kiến thức y học nghèo nàn, người châu Âu không biết đến sự tồn tại của vi khuẩn nên không biết nguyên nhân gây bệnh. Trong Cái Chết Đen, phần đông dân số quan niệm rằng “khí độc” là nguyên nhân gây bệnh, do đó các bác sĩ mới thiết kế ra chiếc mặt nạ mỏ quạ nổi tiếng chứa đầy thảo dược. Và họ cũng quan niệm rằng khí độc còn được hấp thụ qua các lỗ chân lông, nên cần hạn chế tắm để lỗ chân lông bị bịt kín, giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.

Kết quả, chỉ sau 6 năm, ⅓ dân số châu Âu bị quét sạch. Phải mất đến 200 năm thì lục địa già này mới có thể hồi phục trở lại mức trước khi dịch bệnh diễn ra. Nhiều biện pháp cách ly đã được thực hiện nhưng đều bất lực. Bấy giờ, những con tàu chứa đầy thủy thủ phải chờ đợi 40 ngày trước khi được vào đất liền. Trong trường hợp trên tàu có người nhiễm bệnh, dường như tất cả đều phải chấp nhận cái chết. Ở đất liền, những gia đình có người nhiễm bệnh cũng không được ra khỏi nhà trong 1 tháng - gần như là án tử cho cả nhà.

Ngày nay

Ngày nay, châu Âu và thế giới lại đối mặt với đại dịch mới, nhưng tâm thế của chúng ta đã khác.

Chúng ta biết được mình đang đối mặt với điều gì, biết rằng nguyên nhân gây bệnh cụ thể là virus SARS-CoV-2 chứ không phải khí độc hay thế lực vô hình nào khác. Sự tiến bộ của y họ đã cho phép những người bị bệnh được chữa trị, chăm sóc và hạn chế thương vong, trong khi những phát triển về mặt công nghệ giúp việc cách ly kiểm soát dịch dễ dàng thực hiện hơn.

Công nghệ đang giúp việc cách ly trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, và biến ngôi nhà của mỗi người thành một “pháo đài” kiên cố và tiện nghi. Internet và công nghệ livestreaming giúp chúng ta có thể làm việc và học hành ở nhà, mà không gặp quá nhiều trở ngại. Mạng xã hội giúp mọi người luôn kết nối với cộng đồng và cập nhật thông tin nhanh chóng. Các nền tảng giải trí đa dạng phục vụ nhu cầu từ phim ảnh, game cho đến âm nhạc. Thậm chí, ngay cả việc mua thực phẩm ở siêu thị, hay thức ăn ở hàng quán cũng được trợ giúp thông qua những ứng dụng giao hàng công nghệ.

Cách ly xã hội là biện pháp mấu chốt trong chiến lược kiểm soát dịch bệnh, và công nghệ đã khiến việc này trở nên dễ thở hơn rất nhiều so với sự khắc nghiệt của biện pháp này. Việc ở một mình và mất giao tiếp với xã hội có thể tạo ra những tác động tâm lý tiêu cực như trầm cảm hoặc lo âu. Nhưng chúng ta được cập nhật thông tin liên tục, được hòa vào những cộng đồng online, nên nguy cơ này đã được giảm thiểu đi rất nhiều. Thậm chí, cách ly còn có những “tác dụng phụ” tích cực bất ngờ khác.

Cách ly

Theo ông Neil Greenberg, Giáo sư tại Đại học King (London) và là Chủ tịch Hiệp hội chấn thương tâm lý Vương quốc Anh, việc cách ly toàn xã hội còn khiến chúng ta hòa nhập và gắn kết với nhau hơn. Tình trạng chung mà tất cả mọi người đều ở trong đó giúp loại bỏ được tình trạng kỳ thị, hoang mang hay những cảm xúc tiêu cực khác. Ngược lại, đặt trong tình trạng bất lợi chung và có kẻ thù chung, chúng ta đang có xu hướng gắn kết và xích lại gần nhau hơn.

Ở Việt Nam, hàng loạt trào lưu gần đây đã chứng minh quan điểm trên là đúng đắn. Bất chấp nhiều khoảng cách xã hội, các trào lưu “ở nhà chống dịch” đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, thu hút nhiều đối tượng khác nhau (từ thanh niên đến người lớn, người nổi tiếng đến chính trị gia). Có thể nói, đại dịch đã giúp loài người xích lại gần nhau hơn về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, với đặc thù vốn có gia đình gắn kết, người Việt Nam dường như ít cô đơn hơn khi ở nhà, so với những nước phát triển khác.

Ở một khía cạnh khác, vì tình trạng bất lợi chung trong đại dịch, chúng ta đang có cơ hội được nghỉ ngơi sau chuỗi ngày làm việc cật lực mệt mỏi. Vì việc đánh đổi lợi ích kinh tế là tình trạng chung và không thể tránh khỏi, lần đầu tiên chúng ta chấp nhận cho phép mình nghỉ ngơi và tạm ngưng việc theo đuổi những giá trị vật chất. Ta đang có cơ hội ở một mình nhiều hơn, và có nhiều thời gian hơn với gia đình, cũng như thời gian để theo đuổi những giá trị tinh thần, trước khi quay trở lại sau đại dịch.

Tuy vậy, để theo đuổi những mặt tích cực của cách ly xã hội, cũng như để kết thúc sớm đại dịch lần này, chúng ta cần ở nhà. Ý thức tự cách ly của chúng ta không chỉ có những giá trị vô hình lớn lao cho cộng đồng, mà còn đem lại giá trị vật chất cho công tác chống dịch. Cụ thể, mỗi người khi đăng tải hình ảnh các hoạt động ở nhà cùng dòng chữ "con sẽ ở nhà" trên ảnh lên mạng xã hội, sẽ đóng góp 10.000 đồng vào quỹ phòng chống dịch Covid-19. Số tiền này được một trong hai đơn vị tổ chức chiến dịch “Con sẽ ở nhà” là công ty Cổ phần Casper Việt Nam tài trợ.