***

Cuộc phỏng vấn giữa Báo Điện tử VTV News với Nhà báo Phan Ngọc Tiến – Trưởng ban Thể thao, Đài THVN – diễn ra trước trận Chung kết lượt đi giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan, giải AFF Cup. Trưởng Ban Thể thao của VTV nói nếu ĐT Việt Nam chiến thắng tại trận Chung kết lượt về của giải này tại Thái Lan và lên ngôi vô địch AFF Cup thì đó sẽ là một cái kết đẹp cho cá nhân anh nói riêng và cho Ban Thể thao nói chung trong năm 2022 này.

Với câu nói này, có thể thấy phần nào một năm 2022 nhiều hài lòng đối với Nhà báo Phan Ngọc Tiến. Và điều này, sau đó, đã được chính anh xác nhận. Trưởng Ban Thể thao của VTV nói rằng với những gì anh và các nhân viên của mình làm được trong năm qua – với SEA Games, với World Cup và cuối năm là AFF Cup – thì anh nói mình hài lòng với năm 2022.

Và câu chuyện với anh, trong những ngày cuối cùng của năm 2022 cũng xoay quanh với những gì Ban Thể thao làm được trong năm qua – từ những áp lực, lo lắng khi tổ chức SEA Games trong thời kỳ đại dịch cho đến sự đổi mới trong công việc bình luận của World Cup 2022… hay ngược về nhiều chục năm trước – về hành trình của anh đến với vai trò của một phóng viên thể thao đã diễn ra như thế nào…

Và cuộc nói chuyện ấy cũng không chỉ là về các sự kiện lớn mà Thể thao VTV đã thực hiện trong năm qua, nó còn là những câu chuyện nhỏ nhỏ khác. Như sự chia sẻ của anh với cái khó của các nhân viên của mình – những phóng viên thể thao.

“Người ta nói làm thể thao phải hiểu về chuyên môn, am hiểu về chuyên môn. Cái đó rất đúng. Tôi vẫn nói với anh em điều mà càng về sau càng thấy đúng. Đó là làm thể thao đam mê là số 1, hiểu thể thao là quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải có sức khoẻ. Vì khi làm thể thao anh phải dành nhiều thời gian cho nó, chịu đựng được việc lệch múi giờ và chịu được cái sự lệch múi giờ ấy”.

“Khi tôi tuyển người, tôi thường nói với mọi người là mình làm thể thao rất vất vả, khi đội tuyển thi đấu người ta sẽ quan tâm những gì bạn nói nhưng khi đội tuyển thắng họ chỉ quan tâm đội bóng thôi. Mọi người cũng nghĩ những bình luận viên chỉ nói theo thôi chứ không có vai trò gì nhưng trên thực tế không phải thế. Một câu nói hay có thể khiến người ta nhớ mãi”.

“Tôi cũng nói với họ làm bình luận thể thao không có được thu nhập cao như các công việc khác, thế nhưng điều mà không phải công việc nào cũng có được, đó là bạn được chia sẻ cảm xúc trực tiếp với rất nhiều người. Mình được chứng kiến sự kiện một cách sống động nhất và được chia sẻ trực tiếp cảm xúc của mình với khán giả. Đó là điều tuyệt vời nhất. Là vô giá”.

Vậy con đường anh đi đến với sự nghiệp phóng viên Thể thao đã được bắt đầu như thế nào? Nó cũng bắt đầu từ đam mê?

- Tôi đam mê và chơi rất nhiều môn thể thao - bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn...v..v... Gắn liền với thể thao từ những ngày còn học phổ thông... Ngày đó nhà tôi ở Trần Bình Trọng nên tôi thường xuyên ra sân Hàng Đẫy xem bóng đá, hay vào nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức xem các môn thi đấu, bóng bàn là xem nhiều nhất, rồi võ… Mê thể thao từ bé nên sau khi học Đại học xong là về làm thể thao từ đó đến bây giờ.


Nó như ngấm vào máu và là đam mê của anh?

- Mê, và thích nữa! Khi được theo dõi các môn thể thao, tôi luôn quan tâm rồi trở thành tò mò với những chi tiết mà ít người để ý đến. Như một tình huống va chạm trên sân chẳng hạn, họ đã nói gì với nhau, trọng tài đã giải quyết tình huống bằng những lời nói như thế nào... Tôi luôn quan sát và để ý đến mọi thứ. Sau này, khi làm truyền hình, chính sự tò mò đó trong quá khứ khiến tôi luôn để ý đến hậu cảnh hơn là tiền cảnh.

Tôi luôn tò mò việc điều gì khiến người ta thích và theo đuổi đam mê công việc họ đang làm. Vậy với anh thì điều gì khiến anh đam mê với công việc này? Có phải do thể thao mang đến những cảm xúc trực tiếp và bùng nổ nhất?

- Đúng như bạn nói. Thể thao luôn chứa đựng những bất ngờ, thể thao luôn đem lại cảm xúc vỡ òa và thể thao là không đoán định trước được. Thắng và thua chỉ là dự đoán, và đôi khi kết quả lại hoàn toàn sai lệch với dự đoán của mình. Khi chứng kiến một trận đấu, hoặc một giải đấu thể thao, ta luôn không biết được điều gì sẽ xảy ra, cái gì đang chờ đợi phía trước. Chính sự không đoán trước được đó cùng những cảm xúc vỡ òa đã khiến mình trở nên yêu thích thể thao.

Anh là người làm truyền hình gần 3 thập kỷ, anh thấy cái khó của ngày xưa với bây giờ như thế nào? Cái “mệt đầu” của bây giờ nó có khác nhiều không?

- Cái mệt đầu của bây giờ đó chính là những phản hồi gần như lập tức của khán giả cả nước. Nhưng ở một khía cạnh khác, cái mệt đầu đó thực sự dễ chịu. Bởi điều đó có nghĩa các chương trình của chúng tôi luôn luôn được khán giả đón nhận, được khán giả quan tâm. Với một tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của khán giả, chúng tôi luôn tìm những phương án điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.

Khi tôi đề cập với Nhà báo Phan Ngọc Tiến về sự kiện SEA Games 31, ngay lập tức anh nói rằng đây có lẽ là sự kiện thể thao nhiều áp lực nhất anh từng làm. Anh thậm chí đã dùng tới cụm từ “muôn vàn khó khăn” đề nói về khối lượng công việc cũng như những gì anh và các nhân viên của mình đã trải qua với SEA Games 31.

“Sau gần 20 năm, VTV làm lại SEA Games với trách nhiệm đầu tàu và huy động sức mạnh từ cả các đài địa phương” – Nhà báo Phan Ngọc Tiến nói, mở đầu cuộc trò chuyện – “Và cái khó của VTV thực hiện SEA Games 31 là vướng vào đại dịch. Trước đó là chúng ta đã phải lùi thời gian tổ chức rồi”.

“Và SEA Games 31 thực sự rất khác biệt” – Nhà báo Phan Ngọc Tiến nói tiếp – “Đại hội thể thao Đông Nam Á là bài toán khó cho cả ngành thể thao và cả đơn vị truyền hình chủ nhà nữa” .

Anh có thể nói cụ thể về những khó khăn các anh đã trải qua với sự kiện thể thao lớn nhất trong năm 2022 này không?

- Khi thực hiện SEA Games, Hội đồng thể thao Đông Nam Á luôn đưa ra yêu cầu cao với truyền hình chủ nhà phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện về thiết bị máy móc cũng như nhân sự thực hiện. Trong kỳ SEA Games 31 tại Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã không mua thêm được thiết bị để sản xuất do vướng vào đại dịch, đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa, chất lượng thiết bị. Theo đó, Thể Thao VTV được Lãnh đạo Đài giao làm đầu mối và chúng tôi đã huy động nguồn lực trong cả nước. Đặc biệt, chúng tôi đã tính toán thực hiện sản xuất và cung cấp tín hiệu trực tiếp 16-18 môn thi đấu chính thức tại SEA Games 31.

SEA Games là sự kiện khiến bản thân tôi lo lắng nhất trong năm 2022 bởi VTV là đơn vị truyền hình chủ nhà. Toàn bộ hình ảnh SEA Games 31 cung cấp đi 11 quốc gia Đông Nam Á là sản phẩm của con người VTV. Đại dịch khiến SEA Games 31 buộc phải lùi thời gian tổ chức, nhưng Thể Thao VTV là đơn vị tổ chức vẫn phải chuẩn bị và tính toán mọi phương án từ thiết bị đến nhân sự thực hiện trong công tác truyền hình.

Tính toán nhân sự để thực hiện SEA Games 31, không thể đầu tư thiết bị, công nghệ mới do đại dịch COVID-19, phải đáp ứng tiêu chuẩn của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, phải đạt hiệu quả về quảng bá hình ảnh, tuyên truyền... là những bài toán khó nối tiếp nhau. Đó cũng chính là những khó khăn mà Thể thao VTV đã vượt qua trong năm 2022.

Vì thế, có thể nói, thành công của SEA Games 31 là hội tụ của đội ngũ rất lớn của Thể Thao VTV cùng các đơn vị khác trong Đài Truyền hình Việt Nam.

Cái khó khăn và áp lực mà các anh phải trải qua giữa SEA Games 31 với và SEA Games lần đầu tiên mình thực hiện 20 năm trước có khác nhau nhiều không?

- Khác nhiều. 20 năm trước khi lần đầu tiên làm, cả xã hội quan tâm vì Việt Nam lần đầu tổ chức một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á và đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện thành công. Còn lần thứ 2 này, áp lực từ thành công của SEA Games 22 thì VTV phải thực hiện thành công hơn thế nữa trong công tác truyền hình, thể hiện hình ảnh ở SEA Games 31 này.

Với SEA Games 31, Thể Thao VTV vừa nhận nhiệm vụ tuyên truyền vừa đảm nhiệm công việc của truyền hình chủ nhà. Chúng tôi đã lên những phương án nhân sự, tính toán các vị trí hợp lý để đảm bảo công việc không bị chồng chéo, các đầu mối phối hợp hiệu quả và suôn sẻ. SEA Games 31 – lần thứ 2 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đến với Việt Nam chúng ta đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao về công tác truyền hình.

Bản thân tôi tự tin VTV thực hiện tốt SEA Games 31 này bởi đội ngũ Thể Thao VTV với bản lĩnh nghề nghiệp, khả năng tổ chức chắc tay, hiểu về nghề được tôi luyện qua nhiều sự kiện lớn như AFF Cup hay EURO, World Cup…

Đại dịch là điều không ai mong muốn, nó tạo ra muôn vàn khó khăn. Nhưng anh có nghĩ chính điều đó lại tạo ra cho mình áp lực khiến mình thúc đẩy hơn và cố gắng hơn?

- Chính xác! Chính những áp lực đó khiến mọi người rất lo lắng – từ Thể Thao VTV đến các đơn vị phối hợp cũng như các đài địa phương. Đại dịch kéo dài, bản thân Thể Thao VTV đã có sự chuẩn bị trước đó từ 2020 cho sự kiện SEA Games 31 để diễn ra năm 2021. Áp lực thì áp lực thật nhưng về mặt tâm lý và chuyên môn nghề nghiệp đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và hoàn toàn chủ động.

Tôi luôn nói với những anh em trong Ban Thể thao VTV rằng: Với thể thao, chúng ta không bao giờ được quyền tự mãn. Mỗi khi chúng ta vượt qua một ngọn núi, thì ngọn núi phía trước còn cao hơn.

Tôi nói điều đó cũng là muốn nói đến sự đầu tư không ngừng cho từng sản phẩm truyền hình thể thao. Với Thể thao VTV, không bao giờ chúng tôi cho phép bản thân tự hài lòng với chính mình. Mỗi phóng viên, biên tập viên, quay phim viên, kỹ thuật viên, luôn cần có sự nỗ lực, đổi mới về mặt chất lượng nội dung cũng như cách thức thể hiện.

Anh tự cho mình bao nhiêu điểm từ sự chuẩn bị đến khi thực hiện thành công và nhìn lại sự kiện SEA Games 31?

- (Cười). Nói về chấm điểm rất khó nhưng tôi thấy hài lòng với thành quả đem lại. Thành công của SEA Games 31 tại Việt Nam là sự vào cuộc và chung tay của rất nhiều ban ngành. Mình chỉ là một phần nhỏ bé, Thể Thao VTV nói riêng chỉ đóng góp trong đó một chút vào thành công chung của SEA Games 31 về tuyên truyền, quảng bá về mặt truyền hình.

Sau khi thực hiện SEA Games 31, Thể Thao VTV và các đơn vị đóng góp đều nhận được sự ghi nhận từ lãnh đạo Đài THVN cũng như lãnh đạo cấp cao. Ban Thể Thao đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; cá nhân tôi là một trong những người trong BTC SEA Games cũng nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Tổng Giám đốc Đài THVN. Đó là đánh giá và ghi nhận sự đóng góp của Thể Thao VTV vào thành công chung của SEA Games 31.

Khi chúng tôi chuyển câu chuyện sang một sự kiện cũng không nhỏ khác mà Ban Thể thao đã thực hiện trong năm 2022 – World Cup 2022 – thì Nhà báo Phan Ngọc Tiến nói về sự kiện này với vẻ “dễ thở” hơn. Anh cũng nói rằng World Cup thì không áp lực và quá căng thẳng như sự kiện SEA Games 31 mà các anh đã thực hiện trước đó. Nhưng đó cũng là một sự kiện thể thao đầy vất vả.

“Ban Thể Thao đã có sự chuẩn bị và thực hiện với tâm thế sẵn sàng cho công việc này” – Nhà báo Phan Ngọc Tiến nói về sự kiện World Cup 2022 – “Từ góc độ của người quản lý, tôi tin rằng tính dự báo và xây dựng kế hoạch là điều vô cùng quan trọng đối với truyền hình và truyền hình thể thao cũng không ngoại lệ”.

Sự tính toán anh nhắc đến với sự kiện này là gì?

- Chúng tôi đã sản xuất các chương trình đồng hành như Bình luận trước, giữa, sau mỗi trận đấu tại World Cup 2022. Đặc biệt là một sự thay đổi như bạn và mọi người cũng đã thấy rất rõ tại World Cup lần này là chúng tôi đã mời thêm những bình luận viên từ TP Hồ Chí Minh, SCTV hay K+ như BLV Hữu Duyên, Trí Viễn hay Bá Phú… song hành cũng các bình luận viên của Thể Thao VTV như Biên Cương, Khắc Cường, Việt Khuê, Tiến Dũng…. trong suốt 64 trận đấu tại World Cup 2022. Đây chính xác là một luồng gió mới khi chúng tôi thực hiện sự kiện lần này. Và sự thay đổi ấy đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khán giả cả nước.

Ngoài ra, nói về thành công của World Cup 2022 thì tôi phải nhắc đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên tác nghiệp trực tiếp tại Qatar. Chúng tôi có hai phóng viên thực hiện công việc này là BTV Hoàng Cường và BTV Quốc Hiếu. 2 phóng viên ấy đã thực hiện và hoàn thành một khối lượng tin bài khổng lồ. Bạn hình dung là họ phải có mặt ở tất cả các sân, các trận đấu tại World Cup 2022, khai thác toàn bộ các thông tin bên lề, đồng hành cùng các cổ động viên của các nước, phỏng vấn các cầu thủ nổi tiếng ngay sau trận đấu… Đó là những “gia vị” làm nên một kỳ World Cup 2022 nhiều màu sắc, đa dạng nội dung đem đến cho khán giả cả nước.

Anh có nhận được sự phản hồi khách quan nào về những thay đổi đó không?

- Sự quan tâm của khán giả bây giờ là họ thể hiện nó ngay tức thì. Như World Cup vừa rồi, tôi nhận được rất nhiều những tin nhắn từ những số máy lạ, họ góp ý với mình cái này chưa được và cần thay đổi, cái kia theo họ là chưa phù hợp… Những góp ý ấy đều rất nhã nhặn và lịch sự và tôi nghĩ những phản hồi như thế mình nên lắng nghe.

Làm truyền hình, theo quan điểm cá nhân tôi, nếu ông cứ nghĩ ông làm đúng và bắt mọi người phải theo thì đó là một sai lầm. Mình cần nghe theo những ý kiến đóng góp của dư luận, bởi đó là những khán giả đóng góp cho những người làm truyền hình nhiều ý kiến hữu ích. Qua đó để mình điều chỉnh và tạo ra sản phẩm tốt nhất đem đến cho khán giả.

Để tổng kết năm 2022, là người tổ chức và dẫn dắt Thể Thao VTV, anh đánh giá thế nào về năm nay?

- Trong bao nhiêu năm làm truyền hình thể thao, tôi thấy đây là năm có khối lượng công việc nặng nề nhất. Nhất là SEA Games 31 – với vai trò là truyền hình chủ nhà, cung cấp tín hiệu cho sóng truyền hình quốc tế. Thứ hai là World Cup – trong bối cảnh VTV có bản quyền muộn nhưng Thể Thao VTV đã tổ chức thành công, là đơn vị duy nhất phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam và đem lại nguồn thu cho Đài THVN.

Tôi luôn tâm niệm không bao giờ được phép chủ quan, và xác định guồng quay công việc là liên tục và tập thể phải đoàn kết và huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết. Đấy là điều quý giá và chúng tôi đang thực hiện điều đó.

Với tất cả những sự hài lòng anh vừa nhắc đến thì có thể hiểu nó sẽ là tiền đề tốt cho Thể Thao VTV trong năm 2023?

- Thể thao cứ quay vòng và nhiều áp lực. Ngay sau khi 2022 rất nhiều sự kiện từ SEA Games 31 đến World Cup, AFF Cup… thì năm nay 2023 sẽ đến World Cup bóng đá nữ tại Australia và New Zealand, SEA Games 32 tại Campuchia, rồi đó là ASIAD và các giải đấu mang thương hiệu của VTV như Giải xe đạp quốc tế hay Giải bóng chuyền nữ quốc tế...

Đội ngũ những người làm chương trình của Ban Thể thao VTV luôn nỗ lực tìm tòi, đầu tư cho các sản phẩm. Với tư cách là Trưởng ban, tôi luôn nhắc nhở các thành viên trong đơn vị tập trung cao nhất cho những sự kiện lớn như World Cup, EURO hay Olympic, ASIAD nhưng đồng thời cũng phải giữ sức khỏe bản thân để làm sao có thể hoàn thành tốt nhất yêu cầu công việc đề ra.

Là người đứng đầu Thể Thao VTV, anh đã có những sự chuẩn bị gì cho năm mới?

- Chúng tôi đã lên kế hoạch và khởi động lại 2 giải đấu mang thương hiệu của VTV là Giải xe đạp quốc tế và Giải bóng chuyền nữ quốc tế, nhưng đầu tiên tới là World Cup bóng đá nữ 2023, SEA Games 32 tại Campuchia và cuối năm là ASIAD… là những những sự kiện lớn mà Thể Thao VTV sẽ phải làm và làm tốt trong năm 2023.

Đối với những sự kiện lớn đó thì sự chuẩn bị mang tính thường trực với người Thể Thao VTV. Vấn đề tôi quan tâm nhiều nhất là sự chuẩn bị sức khỏe của anh em trong đơn vị. Bởi tôi tin vào chuyên môn và kinh nghiệm cũng như bản lĩnh của đội ngũ nhân sự của Thể Thao VTV. Điều quan trọng, mỗi sự kiện cần tính toán điều đổi mới như thế nào cho từng sự kiện.

Từ góc độ của người quản lý, tôi tin rằng tính dự báo và xây dựng kế hoạch là điều vô cùng quan trọng đối với truyền hình - truyền hình thể thao cũng không ngoại lệ. Nếu không có sự phân tích kỹ lưỡng, phân bổ sức người hợp lý, với từng đó con người, chúng tôi không thể đảm bảo hiệu quả cao nhất trong công việc. Và, những người làm Thể Thao VTV phải làm sao nâng cấp chất lượng nội dung, đổi mới hình thức thể hiện, để là một nhịp cầu kết nối và lan tỏa đem trọn vẹn những hình ảnh, thông tin sự kiện đến khán giả trong nước cũng như quốc tế và kiều bào ta sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài.

Đội ngũ những người làm chương trình thể thao tại VTV luôn khao khát tự làm mới bản thân, cập nhật những kiến thức mới, nâng cao chất lượng chuyên môn, để tập trung cao nhất phục vụ khán giả những món ăn tinh thần hấp dẫn phong phú hơn qua từng sự kiện. Tôi luôn yêu cầu các thành viên trong Ban Thể Thao theo học các khoá học về nghiệp vụ để không bao giờ tụt lại phía sau so với các đồng nghiệp trong và ngoài nước, luôn bắt kịp với những xu thế và thay đổi của truyền hình thể thao thế giới.

Khi chúng ta đang nói chuyện ở đây thì cũng là thời điểm AFF Cup đi đến cuối chặng hành trình. Sự kiện này có thể hiểu là một điểm kết trọn vẹn cho Ban Thể thao VTV trong năm 2022?

- Nó sẽ là cái kết đẹp và rực rỡ nếu tuyển Việt Nam thắng Thái Lan ở trận Chung kết lượt về. Nếu chiến thắng ấy đến thì chúng tôi sẽ có một cái kết không thể tuyệt vời hơn trong năm 2022. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho một sản phẩm đặc biệt cho khoảnh khắc đó, chúng tôi vẫn đang chờ và sẽ đưa sản phẩm đặc biệt ấy vào chương trình Bước nhảy mùa xuân – chương trình đặc biệt của Ban Thể thao trong ngày đầu năm mới – của chúng tôi.

Một lời chúc của anh – người đứng đầu Thể Thao VTV - với khán giả trong năm mới 2023?

Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới khán giả truyền hình cả nước đã luôn theo dõi, đồng hành và có những đóng góp, phản hồi chưa tốt để Thể Thao VTV thay đổi và điều chỉnh. Bản thân tôi mong muốn với sự tin cậy của khán giả, trong năm 2023, Thể Thao VTV sẽ là nơi để khán giả tìm được thông tin nhanh nhất, chân thực nhất và chính thống nhất.

Sự thay đổi tích cực một cách nhanh chóng của thể thao nước nhà cũng như thế giới trong những năm qua cũng yêu cầu những người làm thể thao VTV phải thích ứng kịp thời để truyền tải trọn vẹn nội dung, những thông tin một cách nhanh và chuẩn nhất, phong phú về hình thức thể hiện, giúp khán giả truyền hình thấy thể thao hấp dẫn hơn và có thể cảm nhận được đến gần hơn với các nhân vật, sự kiện.

“Bước nhảy mùa xuân” là một chương trình thể thao nghệ thuật đặc biệt được đầu tư về âm thanh, ánh sáng cũng như được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để tôn vinh Thể thao Việt Nam cũng như các VĐV thể thao Việt Nam. Với những câu chuyện hấp dẫn và các nhân vật chính là những VĐV Việt Nam đang thi đấu có thành tích cao. Để từ đó khán giả nhìn thấy bức tranh tổng thể của Thể thao Việt Nam trong suốt một năm qua.

“Bước nhảy mùa xuân” được xây dựng với một tiêu chí rất rõ ràng – tất các clip của chương trình đều lấy các vận động viên đỉnh cao của thể thao Việt Nam là nhân vật chính để khán giả thấy họ mạnh mẽ trên sân đấu nhưng cũng rất tài giỏi khi xuất hiện trong chương trình nghệ thuật.

Nhà báo Phan Ngọc Tiến nói một trong những điều anh tâm đắc là luôn khích lệ anh em sản xuất chương trình “Bước nhảy mùa xuân” phải gắn với những bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đất nước. Bởi như vậy, “Bước nhảy mùa xuân” sẽ quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với chính nhân dân chúng ta và bạn bè quốc tế.

Đội ngũ sản xuất “Bước nhảy mùa xuân” là những người lành nghề, chịu khó tìm tòi nghiên cứu cách thể hiện để sản phẩm trên sóng vừa toát lên những vấn đề của thể thao, những gương mặt thể thao, những nghị lực vươn lên và tinh thần thi đấu quên mình vì Tổ quốc… đồng thời cũng quảng bá cho khán giả khắp mọi miền Tổ quốc thấy được hình ảnh Việt Nam đất nước con người tươi đẹp.

“Bước nhảy mùa xuân” là chương trình trọng điểm của Ban Thể thao, Đài Truyền hình Việt Nam được lên sóng phục vụ khán giả cả nước trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. 60 phút chương trình là hành trình đưa người xem tới khắp mọi miền Tổ quốc, lắng nghe câu chuyện về những tấm gương nghị lực, những khát vọng vươn lên mãnh liệt của những con người vẫn ngày ngày thầm lặng góp hương cho đời.

Thực hiện: Nhân Ái, Quang Phát, Thế Hưng

Photo: Đoàn Tuấn

Thiết kế: Anh Quân

21/01/2023