VTV.vn - Sau Singapore, thế giới đang đổ dồn sự quan tâm về Hà Nội – nơi dự kiến diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 vào ngày 27-28/2 tới.

Sau Singapore, thế giới đang đổ dồn sự quan tâm về Hà Nội – nơi dự kiến diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 vào ngày 27-28/2 tới. Dư luận quốc tế đang chờ đợi những "đột phá mới", tiếp nối cho ước vọng hòa bình được khởi đầu cách đây chưa đầy 1 năm.

Ngày 6/2, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo: "Các phái viên của tôi vừa rời Triều Tiên sau một cuộc họp rất hiệu quả và đã thống nhất thời gian địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Chủ tịch Kim Jong un. Cuộc gặp này sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 27 - 28/2. Tôi mong đợi cuộc gặp này với Chủ tịch Kim Jong-un sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình".

Từ Singapore tới Hà Nội: Hy vọng đột phá mới, viết tiếp khát vọng hòa bình - Ảnh 1.

Như vậy, 8 tháng sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã quyết định gặp nhau lần thứ 2. Chưa khi nào dư luận quốc tế kì vọng mạnh mẽ như lần này về những đột phá mới, có thể đem lại hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên.

Vậy từ Singapore đến Hà Nội, hai bên đã trải qua con đường gập ghềnh ra sao? Và những điều gì được kỳ vọng sẽ diễn ra tại Hà Nội trong vài ngày tới. Hãy cùng nhìn lại!

Tuyên bố chung Singapore

Sau cuộc hội đàm tại Singapore vào ngày 12/6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã ký Tuyên bố chung. Văn kiện này bao gồm 4 điểm chính:

1.     Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên phù hợp với nguyện vọng của nhân dân 2 nước vì hòa bình và thịnh vượng.

2.     Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên sẽ cùng hỗ lực xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

3.     Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom ngày 27/4/2018, CHDCND Triều Tiên cam kết hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

4.     Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên cam kết tìm lại hài cốt POW/MIA [tù nhân chiến tranh/những người mất tích khi làm nhiệm vụ - ND], bao gồm việc hồi hương ngay lập tức những người đã được xác định.

Trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Donald Trump cho biết thêm, tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ "sớm được khởi động".

Từ Singapore tới Hà Nội: Hy vọng đột phá mới, viết tiếp khát vọng hòa bình - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un ký vào bản Tuyên bố chung Mỹ - Triều tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 (Ảnh: CreditDoug Mills/The New York Times)

Điều gì đã diễn ra sau cuộc gặp tại Singapore?

Theo Reuters, ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim, ông Trump đã đưa ra một thông báo bất ngờ rằng, Mỹ sẽ dừng tập trận với đồng minh Hàn Quốc, vốn thường bị Triều Tiên chỉ trích là diễn tập cho chiến tranh. Những cuộc tập trận quy mô lớn được dừng lại, trong khi một số cuộc diễn tập nhỏ vẫn được tiếp tục.

Sau đó, Triều Tiên đã đồng ý trao trả cho phía Mỹ 55 bộ hài cốt được xác định là những binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Đây là kết quả các cuộc đàm phán cấp chuyên viên diễn ra ngày 16/7 giữa Mỹ và Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Vào tháng 7, một số hình ảnh vệ tinh cho thấy, Triều Tiên đã bắt đầu tháo dỡ một phần trạm phóng vệ tinh Sohae. Tuy nhiên, một số báo cáo sau đó của Mỹ cho rằng, hoạt động này sau đó đã dừng lại.

Từ Singapore tới Hà Nội: Hy vọng đột phá mới, viết tiếp khát vọng hòa bình - Ảnh 4.

Hàng loạt tín hiệu tích cực đã diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 (Ảnh: Kevin Lim—The Straits Times/Getty Images)

Cũng sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1, Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều lần 3 cũng đã diễn ra. Hai lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã ký một tuyên bố chung, hướng tới "một kỉ nguyên không chiến tranh" giữa hai miền Triều Tiên.

Ấn tượng từ Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều

Với hội nghị lần này Seoul và Bình Nhưỡng được đánh giá là đạt được đồng thuận với nhiều bước đi thực chất, cụ thể. Mục tiêu chung là nâng tầm quan hệ hai miền và tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Năm 2018 được xem là năm diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ của quan chức Mỹ và Triều Tiên. Tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Bình Nhưỡng lần thứ 4 trong năm nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Chuyến đi diễn ra giữa lúc các cuộc đàm phán giữa hai bên về phi hạt nhân hóa rơi vào bế tắc kể từ sau hội nghị hôm 12/6 tại Singapore. Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ ngay và hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi nới lỏng cấm vận, trong khi Bình Nhưỡng muốn các biện pháp của hai bên được thực hiện có lộ trình và đồng thời.

Ở thời điểm cuối năm 2018, nhà báo Tim Shorrock trong bình luận trên The National Interest cho rằng, câu hỏi thực sự cho năm 2019 không phải là liệu Chủ tịch Kim Jong-un sẽ sớm từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không mà là liệu Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa bình như thế nào sau một năm có nhiều bước tiến mạnh mẽ nhất đối với tiến trình hòa giải hai miền kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Và câu trả lời có vẻ lại bắt đầu từ Mỹ.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ cũng được cho là thúc đẩy Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị diễn ra.

"Chủ tịch Kim Jong-un bày tỏ hài lòng về cuộc hội đàm hiệu quả và tuyệt vời với ông Mike Pompeo, trong đó hai bên hiểu rõ lập trường của nhau và cùng trao đổi quan điểm", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA thông báo hôm 8/10/2018.

Từ Singapore tới Hà Nội: Hy vọng đột phá mới, viết tiếp khát vọng hòa bình - Ảnh 7.

Tổng thống Donald Trump sẽ một lần nữa gặp Chủ tịch Kim Jong-un vào cuối tháng 2 (Ảnh: Reuters)

Sau một loạt những nỗ lực đàm phán được thực hiện trong tháng 1, kết quả là Tổng thống Donald Trump tuyên bố: Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào cuối tháng 2.

Điều gì có thể diễn ra ở Việt Nam?

Hiện các quan chức Mỹ và Triều Tiên đang rất kín tiếng về những nội dung hay thỏa thuận có thể đến từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, Washington cần phải cởi mở để thực hiện các bước đi tạm thời cho bất cứ một thỏa thuận nào đạt được.

Từ Singapore tới Hà Nội: Hy vọng đột phá mới, viết tiếp khát vọng hòa bình - Ảnh 8.

Cả thế giới đang hướng sự chú ý về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (Ảnh: Evan Vucci—AP/Shutterstock)

Reuters dẫn lời ông Stephen Biegun, đặc phái viên hàng đầu của Mỹ tại Triều Tiên, cho biết một số vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự có thể được đặt ra như kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt, khởi động lại một số dự án kinh tế liên Triều, mở văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng và ký tuyên bố chính thức chấm dứt "tình trạng kỹ thuật" từ cuộc xung đột 1950-1953.

Một số vấn đề khác có thể bao gồm nới lỏng lệnh cấm đối với người Mỹ đi du lịch tới Triều Tiên hoặc cung cấp thêm viện trợ song phương.

Reuters cũng dẫn lời một số quan chức Hàn Quốc cho rằng, để giành được một số nhượng bộ từ Washington, Triều Tiên có thể thông qua việc đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cũng như bãi bỏ các cơ sở tên lửa quan trọng trước sự chứng kiến ​​của các chuyên gia nước ngoài.

Truyền thông Nhà nước Triều Tiên hồi tháng 12 cũng cho hay, cam kết của Bình Nhưỡng về "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" cũng bao gồm "loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên", nhưng không nêu ra các bước cụ thể mà Washington nên thực hiện.

Hiện chưa thể biết kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là như thế nào nhưng dư luận quốc tế đều lên tiếng ủng hộ những nỗ lực hòa bình, đồng thời lạc quan trước những kết quả sẽ đạt được.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá cao những nỗ lực ngoại giao chưa từng có của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un để vượt qua 70 năm đối đầu và nghi kỵ. Ông hi vọng cuộc gặp sắp tới sẽ là bước ngoặt thành công tiếp theo trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên.

Từ Singapore tới Hà Nội: Hy vọng đột phá mới, viết tiếp khát vọng hòa bình - Ảnh 9.

Rất nhiều kỳ vọng về những đột phá mới trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra vào cuối tháng 2 (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip Davidson, khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore là một cột mốc quan trọng. Ông lạc quan về cuộc gặp thứ hai sắp tới tại Việt Nam.

“Đây là thời điểm để chúng ta thắt chặt dây giày để chạy nhanh hơn, hướng tới những mục tiêu cao hơn khi chúng ta đang đối diện với thời khắc quyết định”

Tờ Rodong Sinmun

Trong khi đó, mới đây nhất, tờ Rodong Sinmun (cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên) thể hiện kỳ vọng đầy lạc quan về tương lai của đất nước: "Đây là thời điểm để chúng ta thắt chặt dây giày để chạy nhanh hơn, hướng tới những mục tiêu cao hơn khi chúng ta đang đối diện với thời khắc quyết định"

"Đất nước chúng ta đang đứng trước bước ngoặt lịch sử quan trọng" - tờ Rodong Sinmun nhấn mạnh dù không đề cập chính xác về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Thùy An
Nguyễn Duy, Minh Thu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước