Đạo diễn Công Tú: 23h muốn trở thành một món ăn thú vị

N.A-Thứ năm, ngày 27/02/2014 16:40 GMT+7

Đạo diễn Công Tú trong một buổi ghi hình. (Ảnh: Hải Hưng)

“Chúng tôi mong 23h có thể trở thành một món ăn thú vị, không lạc quan tếu mong trở thành một món ăn không thể thiếu” – Nhà báo Công Tú, đạo diễn của chương trình 23h chia sẻ trong cuộc trò chuyện với VTV Online.

Đã lên sóng những số đầu tiên và 23h – chương trình mới của kênh VTV2 - đang dần làm quen với khán giả truyền hình. Tuy nhiên, nhà báo Công Tú – đạo diễn của chương trình, nói anh không hy vọng 23h có thể giữ chân khán giả trong suốt 45', cũng không mong 23h sẽ trở thành một một món ăn không thể thiếu đối với khán giả. Như anh nói, đó là điều quá khó và "những người làm chương trình nên có những mong muốn hợp lý" với sản phẩm mình làm.

“Chúng tôi làm một chương trình 45’ không phải để khán giả xem từ đầu đến cuối” – nhà báo Công Tú mở đầu cuộc trò chuyện với VTV Online bằng một lời khẳng định như vậy – “Chúng tôi xây dựng chương trình gồm nhiều phần, nhiều câu chuyện và khán giả thích phần nào họ chỉ cần xem phần đấy. Tôi không mong muốn khán giả xem tất cả các phần và cũng không xây dựng một chương trình để giữ chân họ trong suốt 45’. Nếu như vậy thì đó là câu chuyện của một khung giờ khác, không phải 23h”.

Xây dựng một chương trình và không mong muốn giữ chân khán giả quá lâu, suy nghĩ này của anh có vẻ hơi lạ?!

- Tôi nghĩ mong muốn người ta ngồi xem 45’ là điều bất khả thi, đặc biệt là vào khung giờ 23h. Chúng ta phải có những mong muốn hợp lý vì khi chúng ta có mong muốn hợp lý chúng ta sẽ nghe được những phản hồi hợp lý.

Vậy anh đã nhận được những phản hồi như thế nào khi những số đầu tiên của 23h lên sóng?

- Thật sự là tôi toàn nghe thấy những phản hồi không tốt (cười). Người ta bảo nó không dở nhưng không hay được như mọi người kỳ vọng, chương trình có thông điệp nhưng nó chưa thật sự hay… Chúng tôi cũng phải suy nghĩ khi nhận những phản hồi như thế. Tôi hy vọng sẽ sớm tìm được chìa khóa của chương trình.

‘ Giáo sư Xoay Đinh Tiến Dũng sẽ là người dẫn chương trình của 23h.

Khi xây dựng format thì điều các anh mong muốn gửi gắm đến khán giả là gì?

- Chúng tôi muốn gửi đến khán giả một chương trình giải trí có tri thức và tư vấn tinh tế. Nghĩa là giải trí nhưng không nhảm nhí, trong những câu chuyện giải trí vẫn có tri thức. Chúng tôi muốn chương trình này giống mô hình một câu lạc bộ - nơi mà tối muộn những người tri thức sẽ tìm đến để nghe nhạc, để giải trí, để nói những câu chuyện tưởng như tầm phào nhưng không tầm phào.

Mặc dù có tư vấn nhưng những tư vấn của 23h sẽ không hề nặng nề. Câu chuyện của các khách mời sẽ nhẹ nhàng. Chúng tôi muốn xây dựng cho mình một bộ phận khán giả riêng – những khán giả yêu thích những câu chuyện giải trí, hài hước nhưng luôn có tri thức và sâu sắc.

Nghe tên chương trình tôi nghĩ khán giả sẽ chờ đợi được nghe những vấn đề cởi mở, những câu chuyện không dễ dàng nói một cách phổ thông… Nó giống những câu chuyện đêm muộn vậy. 23h có phải một chương trình như vậy không?

- Đó chính là một trong những mong muốn của 23h – nơi bạn có thể chia sẻ những điều tương đối thầm kín. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta có tạo được môi trường để người ta chia sẻ không và làm thế nào để người ta thấy câu chuyện của người ta không phải là nhảm nhí. Đây là một vấn đề khó không chỉ với 23h mà là của nhiều chương trình truyền hình.

Người Việt Nam có quá nhiều nỗi e sợ khi đối diện trước truyền thông, khi mình đặt máy quay trước mặt là họ đã mất tự nhiên rồi. Đi tìm những người Việt Nam dám bộc lộ hết tất cả những điều về mặt cảm xúc là rất khó. Người Việt Nam ngồi trước truyền thông là đã mặc áo giáp và để thuyết phục họ cởi được chiếc áo giáp đó không hề đơn giản và đôi khi, bên trong chiếc áo giáp đó thứ ta nhận được lại là một cái áo giáp khác. Chúng tôi rất cố gắng nhưng có thể đạt được điều đó hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Vậy làm thế nào để mình tránh được sự lưng chừng? Như anh nói, 23h phải đáp ứng được tiêu chí kênh, phải cởi mở nhưng vẫn mang tính giáo dục?

- Tôi nghĩ chương trình nào cũng có đối tượng khán giả riêng và mình phải xác định được đối tượng khán giả của mình và xây dựng đối tượng khán giả của mình. Ngoài ra, mình phải đo được đối tượng khán giả ấy thích chương trình của mình như thế nào, người ta có thích đến mức mang nó đi kể cho những người xung quanh hay không?

Truyền thông hiện đại khác với truyền thông truyền thống là đôi khi, hành động của bạn được điều chỉnh theo những người giống bạn ở xung quanh chứ không đến từ tác động của người nổi tiếng. Đôi khi bạn quyết định sử dụng một sản phẩm hay xem một bộ phim là do bạn bè giới thiệu nhiều hơn là do truyền thông quảng cáo. Vậy, làm thế nào để chương trình trở thành câu chuyện của khán giả để họ có thể buôn chuyện, tranh luận với nhau vào ngày hôm sau là vấn đề khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Trong khi đó, chúng ta lại đang thiếu quá nhiều phương tiện để đo được những nhu cầu của khán giả mà chúng ta muốn hướng đến, chưa nói tới việc chúng ta đang sống trong một thời đại có quá nhiều thông tin và người ta có nhiều kênh để cập nhật ngoài truyền hình.

‘ Một buổi ghi hình của chương trình 23h.

Chúng tôi chỉ muốn làm ra một chương trình mà khi khán giả nghĩ đến chương trình đó người ta sẽ nghĩ đến người ta nhận được cái gì khi xem. Khán giả không thấy lỗ khi đầu tư thời gian cho chương trình. Chúng tôi mong mình có thể trở thành một món ăn thú vị, không lạc quan tếu mong trở thành một món ăn không thể thiếu. Hai món ăn đấy là hai thứ hoàn toàn khác nhau và đòi hỏi sự đầu tư khác nhau.

Vậy những khách mời của 23h là những người như thế nào? Chúng ta có tiêu chí cụ thể nào không?

- Những khách mời của 23h hầu hết là những nhân vật có uy tín trong xã hội, nghệ sĩ có tiếng và những câu chuyện họ nói không phải là những chuyện nhảm mà là những câu chuyện có vấn đề. Chúng tôi sẽ chọn những nhân vật không có scandal và hình ảnh của họ phải tương đối đẹp trong mắt công chúng. Vì tiêu chí kênh của chúng tôi là khoa giáo, khi mình đưa họ lên để nói những vấn đề nhạy cảm mà người đó lại có những scandal thì không tốt. Sự lựa chọn này chắc chắn sẽ mang đến những điểm tốt và không tốt. Những người có tri thức, có vị trí thì sự phòng thủ của họ sẽ nhiều hơn, trong khi chúng ta lại muốn khách mời của mình cởi mở… Nhưng đó là bài toán rồi, chúng ta chấp nhận điều này thì cũng phải chấp nhận những điều khác.

Đứng vị trí của người đạo diễn chương trình, anh muốn và chờ đợi gì qua 23h?

- Gọi là muốn cũng không phải vì mọi thứ đều có sự liên quan đến nhau và nó chỉ tồn tại được khi có sự hợp lý. Khi dân trí tăng thì chương trình chúng ta cũng sẽ phải tăng. Nó là quá trình của nước dâng lên của các bình thông nhau thôi. Nếu dân trí tăng thì truyền hình tự khắc cũng sẽ phát triển theo. Xã hội là cái bình to nhất.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Để hiểu hơn về chương trình, quý vị độc giả có thể xem trong Video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước