Nhà báo Xuân Dung: Mê làm Thời sự nên "cháy" hết mình

Thu Huệ-Thứ ba, ngày 05/11/2013 08:05 GMT+7

“Công việc làm báo, nhất là báo hình chịu áp lực về thời gian. Giả sử đến giờ nấu cơm cho gia đình, nhưng những phụ nữ làm mảng thời sự vẫn phải thực hiện nhiệm vụ viết tin cho kịp Bản tin 19h, hay Bản tin 21h và muộn là Bản tin cuối ngày, Chào sáng. Vất vả là thế, nhưng trên màn hình thì chị em chúng tôi vẫn tươi cười, vẫn phải chính xác…”, nhà báo Xuân Dung chia sẻ khi nói về áp lực của những phụ nữ làm báo hình.

Sớm hài lòng là tự giết chết đam mê

Khán giả luôn thấy một BTV Xuân Dung đầy nhiệt huyết, sẵn sàng đi đến những nơi vùng sâu, vùng xa, biển đảo để thực hiện phóng sự. Nhiều phóng viên trẻ tò mò, làm thế nào để chị luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết với nghề?

Nhà báo Xuân Dung: Tôi luôn tin là có số phận. Nếu số phận đã chọn cho mình nghề làm báo thì hãy làm hết mình. Và cho dù là nghề báo hay bất cứ nghề nghiệp nào, đã là nghề, là nghiệp thì hãy làm tất cả, hãy hy sinh và chấp nhận để hết mình vì cái mình yêu thích. Điều đó có vẻ sẽ rất khó nếu quan niệm mình là người phụ nữ. Sao mà hy sinh được khi người phu nữ luôn có những ràng buộc gia đình và trách nhiệm của người làm dâu, làm vợ và làm mẹ. Nhưng cũng có những người phụ nữ chu toàn cả gia đình lẫn công việc xã hội đấy thôi. Tất nhiên, họ sẽ phải lao động gấp nhiều lần người phụ nữ bình thường.

Nghề nghiệp nào cũng cần sự cống hiến và đam mê. Tôi đam mê truyền hình không phải vì cái hào nhoáng mà nhiều người nghĩ, đằng sau màn hình, sau cái hào quang của ánh đèn là công việc cực kỳ cực nhọc, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ít người hình dung, chúng tôi có thể làm việc hết công suất 10 tiếng một ngày, nhưng trách nhiệm thì có lẽ 24/24 tiếng. Vì bất cứ lúc nào công việc cần là có những người phóng viên không kể giờ giấc, nhất là bão lũ hay những sự kiện đột xuất.

Khi một phóng sự, hay một tác phẩm truyền hình của mình được phát sóng, nó như đứa con tinh thần vậy, cũng như một tác phẩm nghệ thuật mà bạn là tổng đạo diễn được ra mắt công chúng, nhiều khi còn là sự tri ân tới xã hội khi phóng sự của bạn có thể tạo nên những thay đổi trong nhận thức, trong hành động và thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Nếu ngay từ khi còn trẻ, mới bước vào nghề mà ngại cái khổ, cái khó và quá sớm hài lòng với những gì đạt được thì cũng có nghĩa bạn đang giết chết đam mê chưa kịp nhen nhóm trong nghề.

‘ Nhà báo Xuân dung tại Ấn Độ

Có lẽ bởi vậy với những phóng viên như chị, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm. Chị có thể chia sẻ về chuyến công tác mới đây của chị tại Nga?

Nhà báo Xuân Dung: Vâng. Chuyến đi Nga và Belarus vừa rồi có tôi và anh Hoàng Tuấn là Phó Trưởng phòng Quay phim - đạo diễn của Ban Thời sự. Chúng tôi tìm hiểu về cuộc đàm phán FTA Việt Nam - Liên minh hải quan và những cơ hội xúc tiến đầu tư thương mại. Chuyến đi không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các anh chị thương vụ Việt Nam ở Nga. Chúng tôi đã ở nhà thương vụ, được phu nhân của tham tán nấu cho ăn ngày 3 bữa, được thưởng thức cả món sườn cừu nướng rất đặc trưng và được thưởng thức tô phở Hà Nội ngay giữa lòng Mát-xcơ-va.

Khi thực hiện cảnh quay tại gian hàng bán đồ quần áo trẻ em của Kico mới mở ở Nga, chúng tôi bắt gặp người dân Nga lựa chọn, mua hàng của Việt Nam, lúc đó trong lòng chúng tôi cảm thấy ấm cúng vô cùng. Chỉ tiếc những cửa hàng như thế còn ít quá. Rồi những gia đình Nga ở vùng quê 60 năm nay vẫn dùng những tấm mành làm bằng tre của Việt Nam sản xuất. Họ chung thủy với sản phẩm truyền thống của Việt Nam và thói quen đã truyền từ đời cụ kỵ sang ông bà, rồi giờ sang con cháu. Có lẽ một phần văn hóa Việt đã ăn sâu vào cuộc sống Nga rồi, nên nước Nga cũng rất gần gũi, thân thương với chúng tôi. Trước đây bố tôi, bác tôi cũng đều học nghiên cứu sinh tại Nga, từ nhỏ cũng đã được bố mua về tặng con gái những con búp bê xinh xắn, màu sắc Matrioska. Có thể nói đó là một chuyến đi đáng nhớ!

‘ Ấn tượng khó phai về BTV Xuân Dung là câu chuyện chị kể về tuổi trẻ đã từng học karate và đoạt giải cao. Tinh thần võ có được chị “áp dụng” khi thực hiện các phóng sự?

Nhà báo Xuân Dung: Ngày nhỏ, tôi tập cho vui, cho khỏe thôi. Không dám đem tính chiến đấu của karate ra áp dụng đâu. Nhưng cũng phải thừa nhận, bộ môn thể thao này tạo cho người chơi đức tính tự tin, vượt qua hoàn cảnh và một tinh thần bảo vệ cái đúng trong xã hội.

Công việc cứ cuốn tôi đi

Nhắc lại câu chuyện cách đây vài năm, khi chị từ Mỹ về Việt Nam, bắt đầu lại với công việc truyền hình, chị có gặp khó khăn không?

Nhà báo Xuân Dung: Thời gian trôi rất nhanh vì đã 5 năm từ thời điểm ấy. Cái gì bắt đầu mà không khó khăn, nhất là với công việc đặc thù như nghề báo. Và cuộc sống cũng thế thôi, sự trở lại khó khăn nhiều mà thú vị cũng nhiều. Không có khó khăn lại thấy cuộc sống thiếu thi vị và thiếu nghị lực vươn lên (cười). Nhưng quan điểm của mình là làm cho hết mình cho đến khi không thể làm hơn được nữa thì cũng không đau khổ với thất bại, vì mình đã “chiến đấu” hết mình rồi.

‘ Nhà báo Xuân Dung tác nghiệp tại hiện trường

Được biết, ngay khi về nước, chị đã làm việc ở Hội đồng Anh, một vị trí có thu nhập cao. Vì sao chị vẫn từ bỏ để quay lại với niềm đam mê cũ – nghề làm báo hình?

Nhà báo Xuân Dung: Rất nhiều người ngại thay đổi công việc. Vì như tôi nói, thay đổi, dám dứt ra một thói quen, một hướng đi đã chọn không dễ dàng gì. Nhưng cũng đừng quá chấp nhận mà phải làm cái mình không thích. Đã không thích thì không nên làm. Tôi thấy cuộc đời như những cánh cửa vô hình. Đóng cánh cửa này lại mở ra những cánh cửa khác, có khi còn tốt đẹp hơn mà mình không bao giờ dám nghĩ mình thành công nếu chưa dám mở.

Để niềm đam mê công việc luôn cháy trong con người mình, lời khuyên đơn giản là hãy chiến thắng bản thân mình. Ví dụ nếu ngay từ đầu bạn cho rằng công việc mình đang làm chả có ý nghĩa gì thì làm sao bạn cháy hết vì nó được. Chưa yêu công việc ngay từ đầu thì cũng đừng bi quan, vì bạn sẽ cần thời gian cho để tiếp cận, phân tích và tìm hiểu về nó.

‘ Có người ví von công việc ở Ban Thời sự như “cỗ máy nghiền tuổi xuân” nhưng chị luôn giữ được sự tươi trẻ trong công việc và cuộc sống. Bí quyết để cân bằng sau những áp lực nói trên của chị?

Nhà báo xuân Dung: Ví von thế chắc cũng đúng đấy, vì là Ban Thời sự (VTV1) mà! Có kể gì ngày đêm với công việc. Thức khuya dậy sớm là chuyện thường tình. Tất cả phụ nữ ở Ban Thời sự đều vất vả ở mỗi khía cạnh khác nhau nhưng tất cả vì công việc. Tôi cũng không hẳn là trẻ đâu, gần 40 cũng thấy sức khỏe yếu hơn trước. Nhưng mọi người vẫn thường nói, nhìn mình lúc nào cũng tươi, kể cả lúc ngập ngụa công việc! Có lẽ mình chỉ làm theo lời các cụ dạy “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.

‘ Và hẳn là chị cũng giữ cho mình những niềm đam mê khác ngoài công việc?

Nhà báo Xuân Dung: Công việc chiếm nhiều thời gian, gần đây lại càng bận, nên thực ra có nhiều thứ mình muốn làm mà chưa làm được. Đấy, lại hi sinh đấy! (Cười). Trước đây mình có học vẽ tranh sơn dầu, lâu rồi không được cầm cọ nữa, cả ngày đi làm, buổi tối về đọc tin tức, cũng chỉ kịp làm ít việc gia đình, đâu còn thời gian cho những sở thích. Nói thật là nghĩ tới thèm lắm. Nhiều người bảo thời gian là do mình tự sắp xếp, nhưng thực sự công việc cứ lôi mình đi, cũng chưa biết cân đối thế nào!

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện và chúc chị luôn giữ được đam mê trong công việc.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước