Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: “Không được sốt ruột…”

Nguyễn Văn Quân-Thứ năm, ngày 26/06/2014 17:54 GMT+7

Tôi từ chối hẹn gặp Phạm Ngọc Tiến ở quán rượu quen thuộc bởi tôi biết, hoàn cảnh hiện tại không cho phép anh được uống quá nhiều. Thứ nữa, tôi là bậc đàn em, đề đạt nguyện vọng được đến nhà hầu chuyện âu cũng là thường tình và hợp lẽ.

Căn nhà anh vừa xây cất chưa lâu, là nơi trú ngụ của tác giả “tàn đen đốm đỏ” độc thoại với sự cô đơn để rồi từ đó, những tác phẩm văn chương được thai nghén, hình thành…

‘ Nhà văn Phạm Ngọc Tiến trong một cuộc triển lãm của người bạn. (Ảnh: Văn Quân)


Dưới góc độ văn chương, nhiều người thắc mắc, Phạm Ngọc Tiến dạo này có vẻ viết ít?

Tôi thấy chưa bao giờ viết văn khó như bây giờ. Gần như các nhà văn đang ở vào hoàn cảnh mà chúng tôi vẫn thường gọi là “trượt ngã niềm tin”. Cái khó của người viết hiện nay là nói ra những gì mình nghĩ một cách thuyết phục. Hiện tượng là như vậy. Và tôi nghĩ phải có sự thay đổi. Đầu tiên nhà văn vẫn phải tin vào chính mình. Rồi thay đổi tư duy. Chấp nhận dấn thân. Tôi cũng nghĩ đây là thời dành cho những nhà văn chân chính. Tôi viết ít bởi bản thân, tôi cũng mong muốn được trở thành một người viết chân chính và trung thực.

Thế còn ước mơ làm một kịch bản hoành tráng về võ thuật mà anh từng ấp ủ?

Tôi xuất phát ý tưởng ấy khi nhận thấy, người Việt mình có một tinh thần thượng võ rất cao bởi được bồi đắp qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh giữ nước. Nhiều môn võ đặc sắc cũng xuất hiện trong hoàn cảnh lịch sử đặc thù ấy. Nhiều tác phẩm văn chương viết rất hay về võ Việt. Nhưng để làm một tác phẩm điện ảnh về võ thuật thành công thì không hề đơn giản một chút nào. Đầu tiên anh phải có bản lĩnh, nội lực, phải tìm được cái đặc sắc nhất của võ Việt. Rồi việc tìm tìm tài liệu, những nghiên cứu đánh giá mang tính học thuật về lĩnh vực này cũng đang rất mỏng. Hơn nữa, làm phim thời buổi này cũng rất khó khăn. Không phải về vấn đề tài chính. Cái khó cơ bản vẫn là con người. Người làm và người tiếp nhận. Người làm phải giỏi và người tiếp nhận phải tinh. Lúc ấy mới thành công được. Cho nên tôi vẫn đang nghiên cứu và thai nghén thôi, nhưng vẫn không nguôi hi vọng có ngày thực hiện được kế hoạch ấy của mình.

Tôi nhớ cách đây vài năm, anh từng tuyên bố, năm năm nữa, sau khi đọc xong những triết lí nhà phật, anh sẽ cho ra đời 2 cuốn sách. Không biết kế hoạch ấy của anh như nào rồi?

Tôi vẫn đang viết. Có thể không chính xác theo từng năm từng tháng được khi thời điểm này tôi mới chỉ hoàn thành được một nửa. Tôi đang vừa viết vừa phải tìm niềm tin cho chính mình. Nhưng với một nhà văn, cái quan trọng là mình viết như thế nào? Bạn đọc tiếp nhận ra sao chứ số lượng, không phải là yếu tố quyết định. Nó cũng không sốt ruột được.
Nghe nói trước anh chẳng biết gì về công nghệ thông tin nhưng hiện nay, ngày nào anh cũng phải tìm đến máy tính. Thậm chí Facebook Phạm Ngọc Tiến cũng trở thành một “hot face”, thu hút được nhiều người quan tâm, chia sẻ?

Cho đến bây giờ thì tôi cũng vẫn là gã đàn ông mù tịt về công nghệ thông tin. Tôi chỉ biết mỗi thao tác “pốt” bài lên thôi. Nhưng nói về facebook thì với tôi, đó là một kênh thông tin rất hữu ích. Tôi thu lượm và học hỏi được rất nhiều kiến thức mà đôi khi, những người bạn thực tế ngoài đời không mang đến được. Với tôi, thế giới ảo nhưng đôi khi lại thật. Vì đôi khi, vào facebook của một người bạn, thấy bạn vừa “treo” ảnh uống rượu ở Sài Gòn. Tự nhiên cũng thấy có cảm giác gần gụi và đỡ cô quạnh.

Anh vừa nhắc đến rượu. Anh cũng nổi tiếng là người quảng giao và yêu rượu. Xin được hỏi, rượu có ý nghĩa như thế nào đối với một người đàn ông? Dưới quan điểm riêng của anh? Và nghe nói có lần, vì lí do sức khỏe, anh quyết tâm bỏ rượu, không biết bây giờ anh đã bỏ được chưa?

Bây giờ tôi vẫn mê. Ngày xưa tuổi trẻ, háo thắng cậy vào sức vóc uống tràn cung mây. Giờ có tuổi rồi, không muốn hạn chế cũng phải hạn chế nên càng quý. Làm một chén nhưng đôi khi, nó có cảm giác như sự vụng trộm. Tôi luôn cho rằng rượu là thước đo của một người đàn ông, là “chất” của một người đàn ông. Bạn tôi ai cũng biết uống rượu. Tri kỷ của tôi càng phải là người biết uống rượu.

Vậy lúc buồn nhất, người đầu tiên anh muốn uống một chén là ai?

Không. Nếu tận cùng của nỗi buồn thì tôi sẽ uống một mình. Chẳng gọi ai cả. Và tôi tin rằng những người bạn của tôi, cũng trân trọng thói quen ấy.

Anh là một nhà văn mà ngoài công việc viết văn, còn phải thực hiện vai trò của một công chức. Vậy công việc của một công nhân viên chức ấy, có ảnh hưởng nhiều đến việc viết của mình không?

Việt Nam là một đất nước mà ở đó, rất nhiều nhà văn là công chức nhà nước. Tức là ngoài việc viết văn, anh còn phải cõng thêm một trách nhiệm xã hội nào đó, đôi khi nó rất cao cả, như các nhà văn thời kháng chiến nhưng đôi khi, nó cũng làng nhàng trong “cơm áo gạo tiền” như tôi thôi. Nhưng nó tách bạch đấy, “văn là nghiệp” mà. Xét ở một góc độ nào đó thì công việc của tôi rất gần với văn chương. Nó có rất nhiều điểm tương đồng. Viết những kịch bản phim, đọc các tác phẩm của mọi người gửi về tôi có cảm giác như mình cũng đang được làm văn chương vậy. Đó là một sự may mắn.

‘ Nhà văn Phạm Ngọc Tiến


Tôi nhớ có lần anh đã tự nhận xét về mình khi nói: "Tôi chỉ là nhà văn thuộc về số đông các nhà văn, nghĩa là hành nghề văn chương một cách chính đáng, yêu thích, có thể thuần túy hoặc trong các lĩnh vực lân cận, chứ không thuộc các nhà văn số ít. Họ là những người hiếm hoi có thể để lại dấu ấn trong nền văn học. Tôi cũng không đặt mục tiêu phải trở thành nhà văn lớn". Như vậy, xem ra có thiếu… tự tin quá không anh? Câu nói của anh làm tôi liên tưởng đến hình ảnh một cầu thủ, vừa chạy khởi động chuẩn bị vào sân thay người vừa ghé tai huấn luyện viên bảo: “Em sẽ cố hết sức, nhưng không dám khẳng định sẽ đá hay đâu?”

Người thiếu tự tin chính lại là người hay gồng lên. Gắn cho văn chương những sứ mệnh cao cả. Tôi thì không như vậy. Tôi là người biết mình biết ta. Tôi tự tin và nghĩ rằng mình đủ biết để ứng xử. Câu nói ấy của tôi xuất phát từ tâm niệm của đạo Phật. Đạo Phật rất hay và tôi đọc nó hàng ngày. Hãy học cách bình thản và không được sốt ruột. Rồi một ngày nào đó bạn sẽ thấy, lời nói của tôi có phần hữu lí.
Nói vậy nhưng có một sự thật rằng, dù được sinh ra ở thành thị nhưng những đề tài, những bộ phim anh làm về nông thôn lại đặc biệt thành công. Có thể kể tới ở đây: Chuyện làng Nhô, Ma làng, Gió làng Kình… Tôi cũng không lí giải được tại sao anh lại có thể thành công được ở những đề tài tưởng như không phải thế mạnh ấy?

Người Việt mình về cơ bản ít có nguồn gốc thành thị lắm. Dù năm đời nhà tôi đã ở Hà Nội nhưng bản chất tôi vẫn nghĩ mình là một người nông thôn. Việt Nam ít có văn hóa thành thị. Nó thực chất chỉ là sự nông thôn hóa thành thị thôi. Thêm một lí do nữa, thời chiến tranh, thế hệ tôi được sơ tán về các vùng quê trong một thời gian tương đối dài. Và đó quả là một thế giới đầy mê hoặc đối với lứa tuổi chín mười. Mùi phân trâu hăng hắc, mùi ngấu rạ rơm, mùi lúa chín… cho đến bây giờ vẫn rất gần trong tâm thức của tôi. Thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng lôi cuốn và muốn tìm hiểu, quan sát. Có thể nói đời sống nông thôn đã in sâu, thẩm thấu và chưng cất trong tâm hồn mình từ những ngày thơ bé ấy. Tôi tự tin để nói rằng mình như một người nông dân chính hiệu.

Tôi cũng được biết anh có một thói quen không giống ai. Đó là đêm giao thừa tết dương lịch. Anh lại một mình một xe, phóng ra biển, nhìn trời nhìn đất một lúc rồi lại…về?

Thực ra tôi không chỉ ra biển mà có những năm tôi lên cả núi. Cũng không phải lúc nào tôi cũng đi một mình mà có khi có cả một hai người bạn. Biển và núi. Đó là hai vùng miền mà bình thường tôi đã đi nhiều bởi đặc thù công việc. Nhưng đó là những chuyến đi của công việc còn lần này, bỏ qua công việc và trách nhiệm xã hội sang một bên. Tôi đi chỉ là đi thôi. Chẳng để làm gì.

Sau Đàn Trời không thấy kịch bản nào của anh lên sóng. Anh không viết được hay là anh không viết? Có gì trục trặc chăng?

Thật sự thì cũng chả có gì trục trặc. Chính luận là một loại phim khó viết cần có thời gian. Thường thì mỗi kịch bản trước đây của tôi (và cả đồng biên kịch) chưa có cái nào làm nhanh được. Chuyện làng Nhô 4 năm, Đất và người 10 năm, Đàn Trời 7 năm, Gió làng Kình 5 năm, Ma làng 3 năm... Cái Sinh tử tôi đang ấp ủ cũng đã ngót nghét 3 năm. Kịch bản cũng như văn chương tôi nhắc lại không thể sốt ruột được. Phải kiên nhẫn để chắt chiu từng chi tiết từng tình huống từ thế sự để gom nhặt nó dựng thành câu chuyện. Làm nhanh thế nào được. Kịch bản chính luận là món ăn tổng hợp được chế tác công phu chứ không phải gói mỳ ăn liền. Tôi cũng muốn viết một năm trăm tập phim để kiếm tiền tỷ lắm chứ nhưng họa có là thánh. Vì chuyện không sốt ruột này tôi gặp khá nhiều rắc rối và chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế về tiếng tăm nhưng tôi chấp nhận. Tôi chỉ làm được cái mình thích mình muốn.

Rút cục thì Sinh tử của anh bây giờ thế nào?

(Cười) Hoặc nó sinh hoặc nó tử. Đùa thế thôi chứ tôi dứt khoát phải làm xong nó. Có thể Sinh tử sẽ là kịch bản cuối cùng ở VFC của tôi. Nó sẽ là một kịch bản mà tôi không phải hối tiếc khi đầu tư cho nó quá nhiều thời gian và công sức.

Xin hỏi anh một câu hỏi cuối, anh có tiếng là quảng giao và chịu khó chơi với lớp trẻ. Vì sao vậy?

Tôi học được từ các bạn trẻ nhiều chứ. Và được chơi với họ, tôi thấy mình trẻ ra. Thêm một lần nữa hiểu hơn ý nghĩa của tuổi trẻ, để trân quý hơn những giá trị cuộc sống. Đấy cũng là cơ hội để cho mình tự làm mới chính mình.

Xin cảm ơn anh!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước