Ngồi ghế nóng liền một lúc hai chương trình Tìm kiếm Siêu Mẫu và Ngôi sao thiết kế Việt Nam (VTV3), có vẻ anh đang tạo thêm áp lực cho lịch làm việc vốn dày đặc của mình. Lý do gì khiến anh chịu gật đầu như vậy?
NTK Công Trí: Trước đây, tôi quan điểm làm thiết kế thời trang đơn giản là chỉ cần làm tốt công việc của mình trên bàn giấy, cùng lắm là xưởng cắt may, boutique là đủ. Nhưng thực tế, những đòi hỏi của môi trường thời trang hiện nay thì hình như không đơn giản như vậy. Cũng giống như nghề người mẫu, không thể chỉ có biết đến catwalk, quay quảng cáo, chụp hình… mà còn phải tham gia nhiều hoạt động bổ trợ khác, có ý nghĩa cho môi trường nghề nghiệp của mình, qua đó cũng giúp cho hoạt động làm nghề của cá nhân của mình phát triển hơn. Những cuộc thi có lẽ là nơi quan trọng nhất để tôi nhìn thấy hoạt động nghề nghiệp rõ nhất và cũng có dịp để nhìn lại mình. Đây là cơ hội để tôi có thể giúp nhiều bạn trẻ, cũng là cho mình cơ hội được học hỏi từ các bạn.
Ngôi sao thiết kế Việt Nam là một cuộc thi truyền hình thực tế sắp lên sóng VTV3 mà chắc anh cũng biết, làm giám khảo của những chương trình kiểu như này có khi còn bị “soi” nhiều hơn thí sinh đấy!
NTK Công Trí: Thực sự khi quyết định nhận lời là tôi cũng băn khoăn lắm! Tôi cũng hay xét nét những người khác khoản ăn nói trên truyền hình lắm, nên chắc lần này ít nhiều sẽ bị quả báo (cười).
Thật sự, tôi không phải người quảng giao, cũng không quen việc thể hiện mình trước đám đông bằng lời nói cho lắm. Làm giám khảo cho Ngôi sao thiết kế Việt Nam lần này là một thử thách chứ không đơn thuần là công việc. Để làm tốt, tôi nghĩ cũng không nên tạo áp lực cho mình là phải xây dựng hình ảnh gì cả. Tôi chủ trương thể hiện một cách tự nhiên, gần với con người thật của mình nhất và sẵn lòng đón nhận tất cả các ý kiến khen chê. Làm giáo khảo cũng là một cách để hoàn thiện mình hơn.
Xung quanh Công Trí có không ít lời bình luận rằng anh “chảnh”, khó tính, đòi hỏi cao… có vẻ đó là một sự khởi đầu cho một giám khảo khắt khe, thậm chí sẵn sàng “chặt chém” thí sinh. Hay diễn giải một cách nôm na là sẽ đóng vai “ác”?
NTK Công Trí: Tôi vẽ vời, cắt may đã mệt lắm rồi, chắc không có dư sức và công cụ để “chặt chém” ai nữa đâu. Nhưng có điều chắc chắn là những nhận xét của tôi sẽ trung thực và dựa trên những đòi hỏi cao nhất về mặt nghề nghiệp.
Sự xuất hiện của một số gương mặt quen thuộc, thậm chí quen đến mức dễ đoán ở ghế giám khảo khi có một chương trình nào đó về thời trang (ví dụ như việc NTK Công Trí đảm nhận đến hai chương trình gần như đồng thời chẳng hạn) theo anh có cho thấy rằng, làng thời trang của Việt Nam vẫn còn thiếu những tên tuổi nổi bật, gây dấu ấn?
NTK Công Trí:… Và cũng có thể là chúng ta đang có quá nhiều cuộc thi (cười).
Đã có không ít những cuộc thi ở nhiều quy mô khác nhau cổ vũ, tìm kiếm những nhà thiết kế trẻ tuy nhiên số thành công thực sự thì vẫn hạn chế. Theo anh, điều anh tìm hoài, chờ hoài chưa thấy ở thế hệ các nhà thiết kế trẻ là gì? Theo anh đâu là hạn chế của họ?
NTK Công Trí: Tôi cho rằng hiện nay, thời trang Việt Nam, đặc biệt ở TP HCM đang phát triển rất tích cực, chứng kiến nhiều tài năng trẻ bất ngờ xuất hiện từ những cuộc thi nhỏ, cấp thành phố đến quy mô toàn quốc. Nhưng quả thật, số nhà thiết kế trụ lại và phát triển, có thương hiệu thì không nhiều. Điều này, dĩ nhiên, phần lớn phải nằm ở năng lực, bản lĩnh sáng tạo, xây dựng hoạt động kinh doanh thời trang chuyên nghiệp của chính các bạn. Nhưng bên cạnh đó, tôi chờ đợi, nhưng chưa thấy sự hỗ trợ, thúc đẩy tích cực, có quy mô của lãnh đạo ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Hình như chúng ta chỉ mới dừng lại ở “tìm kiếm” và chưa có những hoạt động cho “phát triển” thì phải.
Dường như với một số lĩnh vực nghệ thuật như ca nhạc, phim ảnh ở Việt Nam, trẻ, đẹp là lợi thế nhưng với lĩnh vực thiết kế, gừng càng già thì mới thật cay? Phải chăng những nhà thiết kế thành danh như anh cũng ít có thời gian đầu tư, dìu dắt, nâng đỡ lớp kế cận?
NTK Công Trí: Cũng có trường hợp gừng càng già càng nhạt (cười). Theo tôi thì lĩnh vực nào cũng vậy thôi, khi càng có nhiều kinh nghiệm thì công việc sẽ càng dễ được làm tốt hơn. Vấn đề quan trọng là nuôi được yếu tố “cay” trong tiêu chuẩn nghề nghiệp, chứ đừng càng lúc càng thỏa hiệp, thấy chỉ cần “the the” là đủ, như vậy sẽ dễ dẫn đến “nhạt” lắm. Tôi không có những người thầy xuyên suốt con đường, tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn lại có được những sự hỗ trợ rất quan trọng, không về chuyên môn cũng về tinh thần. Họ là đông lực để tôi đi được đến ngày hôm nay. Và tôi hy vọng mình cũng có thể là một người bạn đồng hành của một bạn trẻ nào đó chung chí hướng.
‘ G ần đ ây m ột số ng ôi sao gi ải tr í l ấn s ân sang lĩnh v ực thiết kế c ó v ẻ dễ d àng nh ận được sự tung h ô,
ủng hộ. Anh nghĩ gì về cú đá chéo sân này?
NTK Công Trí: Còn tùy vào ngôi sao nào nữa. Đá chéo cùng trên sân cỏ thì được, chứ xuống nước hay lên không thì hơi mệt (cười). Đùa vậy chứ tôi nghĩ dù sao đây cũng là một hoạt động tích cực. Thực tế là thời trang cũng đang cần sự quan tâm, hưởng ứng nhiều hơn. Và ngôi sao, với sự ảnh hưởng của mình có thể làm rất tốt điều đó. Càng có cạnh tranh càng vui mà.
Công việc chuyên môn của anh được duy trì thế nào khi có thêm những kế hoạch mới mẻ như vậy?
NTK Công Trí: Tôi vẫn duy trì hoạt động thường niên của mình, cho ra đời 2 bộ sưu tập mỗi năm và đang triển khai bộ sưu tập No.7, No.8 xuất hiện trong năm nay.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!