Hội thảo quốc tế về biển Đông và biển Hoa Đông

Đức Cường-Thứ bảy, ngày 22/02/2014 11:46 GMT+7

Ngày 21/2, tại thành phố Kyoto, Nhật Bản, Viện nghiên cứu các vấn đề thế giới thuộc trường đại học công nghiệp Kyoto đã tổ chức hội thảo quốc tế về biển Đông và biển Hoa Đông.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia uy tín đến từ 8 quốc gia trên thế giới. Diễn ra trong bối cảnh khu vực Đông Á đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột liên quan đến các cuộc tranh chấp chủ quyền biển, hội thảo quốc tế về biển Đông và biển Hoa Đông được tổ chức nhằm phân tích tình hình và đề xuất các giải pháp xây dựng lòng tin cho các nước có quyền lợi liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng các tranh chấp biển tại khu vực Đông Á đang ngày càng phức tạp và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Giáo sư Gilbert Rozman, khoa Xã hội học, trường đại học Princeton, Mỹ nói: “Biển Đông đang trở thành vấn đề mang tính quốc tế rộng lớn. Ấn Độ, Australia, Mỹ và nhiều nước khác đều đã bày tỏ lo ngại về những tranh chấp tại đây. Cộng đồng quốc tế đang sát lại gần nhau hơn và chia sẻ quan điểm về tình hình trên biển Đông, và hy vọng rằng sự lo ngại của cộng đồng quốc tế sẽ được các bên liên quan đón nhận với thái độ hợp tác”.

Các học giả đã thảo luận về nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng gần đây tại khu vực Đông Á. Theo các chuyên gia, các quốc gia đang ngày càng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên biển và các tuyến vận tải đường biển và điều này làm gia tăng nguy cơ tranh chấp quyền kiểm soát trên biển thông qua các tuyên bố chủ quyền. Việc thiếu một chuẩn mực về ứng xử trên biển có thể đe dọa sự an toàn và ổn định trong khu vực.

Tiến sỹ Kitti Prasirtsuk, khoa nghiên cứu các vấn đề Đông Á, trường đại học Thammasat, Thái Lan nói: “Tôi cho rằng rất nhiều quốc gia tại Đông Nam Á không hài lòng với sự tiến triển chậm chạp trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông COC. Năm 2002 ASEAN và Trung Quốc đã ký kết tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông DOC, nhưng sau DOC, chúng ta chưa đạt được nhiều tiến bộ mới”.

Việc tuân thủ luật pháp quốc tế được hầu hết các đại biểu xem là điều kiện tiên quyết trong giải quyết tranh chấp trên biển

Tại hội thảo, các học giả đã đề nghị các bên liên quan giữ nguyên hiện trạng, tránh các hành động khiêu khích và tìm cách mở rộng vùng kiểm soát bằng cách giải pháp quân sự để khu vực Đông Á duy trì một vùng biển hòa bình, an toàn và ổn định.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước