Một năm cầm quyền đầy sóng gió của Tổng thống Morsi

Lan Anh-Thứ sáu, ngày 05/07/2013 11:00 GMT+7

Cho tới lúc này, dư luận vẫn còn bàn luận khá nhiều về những nguyên nhân dẫn tới một kết cục quá nhanh chóng đối với một Tổng thống dân cử đầu tiên trong lịch sử của Ai Cập.

Để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta hãy cùng nhìn lại thời gian cầm quyền ngắn ngủi chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 năm 4 ngày của ông Morsi.

Thời kì yên ổn của Ai Cập sau khi ông Morsi lên nắm quyền kéo dài không lâu. Sau cuộc những quyết định nhằm thâu tóm tất cả các quyền hành pháp và lập pháp từ tay Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập, ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo của ông rơi vào thế đối đầu căng thẳng với giới tư pháp, phe đối lập chính trị.

‘ Tổng thống Morsi. (Ảnh: AP)

Những sóng gió trên chính trường Ai Cập bắt đầu từ tháng 11/2012, khi ông Morsi bất ngờ ban hành Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi nhằm thâu tóm toàn bộ quyền tư pháp. Bản Tuyên bố này chứa các điều luật, sắc lệnh cho phép Tổng thống Morsi được "miễn dịch" trước mọi phán quyết của tòa án.

Ngoài ra, ông cũng tự trao cho mình quyền sa thải và bổ nhiệm Tổng công tố, đồng thời ngăn chặn mọi quyết định bất lợi của các cơ quan tư pháp đối với Hội đồng lập hiến và Hội đồng Thượng viện do phe Hồi giáo kiểm soát. Sau khi được công bố, Bản Tuyên bố hiến pháp này đã lập tức làm bùng nổ làn sóng biểu tình phản đối rộng khắp và gây chia rẽ lớn trong xã hội.

Ông Ahmed Maher, một nhà hoạt động cho biết: “Thời khắc quyết định khiến chúng tôi nhận ra không có hy vọng vào ông Morsi là khi hiến pháp sửa đổi được công bố. Nó đánh dấu sự khởi đầu của những chia rẽ trong xã hội và sau đó là làn sóng bạo lực bùng phát. Từ tháng 12 năm ngoái cho tới nay, vẫn chưa có sự ổn định và thậm chí giải pháp cho tình trạng chia rẽ cũng không có”.

Trong khi cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Tổng thống và phe đối lập vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt, không khoan nhượng trong suốt nửa năm qua thì nguy cơ bất ổn an ninh ngày càng hiện rõ với sự nổi lên của các nhóm Hồi giáo và phần tử khủng bố.

Bất ổn an ninh khiến nền kinh tế trong nước luôn ở trong tình trạng què quặt với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2,2% trong tài khóa 2012 - 2013.

Bế tắc chính trị, khó khăn kinh tế, suy giảm lòng tin đối với nhà lãnh đạo và xung đột giữa các phe phái đã khiến tình hình Ai Cập trở nên rối ren hơn bao giờ hết.

Và cơn bão chính trị đã bùng nổ, dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Morsi và khiến tình hình Ai Cập lại rơi vào tình trạng rối ren như khi cơn bão Mùa xuân Arab bắt đầu hai năm trước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước