Những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua (30/6 – 6/7)

PV-Chủ nhật, ngày 06/07/2014 18:53 GMT+7

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật cần đóng vai trò chủ động hơn về quân sự trong thời điểm khu vực đang có nhiều căng thẳng. (Ảnh: Reuters)

Nhật Bản thông qua Nghị quyết phòng vệ tập thể, Quân đội Ukraine chiếm lại Slaviansk hay Học giả thế giới tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông tiếp tục là những sự kiện được theo dõi nhiều nhất.

1. Nhật Bản thông qua Nghị quyết phòng vệ tập thể

Nội các Nhật ngày 1/7 đã phê chuẩn đề xuất cho phép nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ các quốc gia có quan hệ gần gũi bị tấn công.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác Đảng Công minh đã đạt được thỏa thuận sửa đổi Hiến pháp để dỡ bỏ rào cản áp đặt lên Lực lượng phòng vệ (SDF). Sau khi sửa đổi, lực lượng vũ trang Nhật Bản có thể giúp các nước láng giềng và đồng minh chống lại cuộc tấn công quân sự của các thế lực thù địch, góp phần duy trì hòa bình và trật tự trên toàn cầu.

2. Quân đội Ukraine chiếm lại Slaviansk

Hội đồng An ninh và Quốc phòng của Ukraine hôm 5/7 đã tổ chức họp báo khẳng định, quân đội Ukraine đã tiến vào kiểm soát Slaviansk, thành trì của quân nổi dậy trong suốt nhiều tháng giao tranh vừa qua.

Sau khi nghe báo cáo về những thắng lợi của quân đội, ông Poroshenko ra lệnh thượng cờ tại văn phòng của hội đồng thành phố Slaviansk- website của Tổng thống Ukraine Poroshenko cho biết.

Việc tái chiếm Slaviansk là một thắng lợi lớn đối với lực lượng Ukraina kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc vào ngày 30/6. Slaviansk là một trong những trung tâm chính của cuộc nổi dậy.

3. Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy bị truy tố

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chính thức bị khởi tố với một loạt tội danh nghiêm trọng: hối lộ, tham nhũng và vi phạm bí mật nghề nghiệp.

Nếu bị luận tội, ông Sarkozy có thể phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm. Ông Sarkozy bị truy tố về hành vi nhận hối lộ 70 triệu USD trong cuộc bầu cử năm 2007, đồng thời móc ngoặc với một số thẩm phán để mua bán và thay đổi những thông tin pháp lý liên quan đến cuộc bầu cử này.

4. Học giả quốc tế nói về tình hình Biển Đông

Báo chí quốc tế tiếp tục phản ánh về những diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình Biển Đông, sau khi Trung Quốc đưa thêm 4 giàn khoan đến khu vực và cho công bố bản đồ khổ dọc - trong đó thể hiện đường lưỡi bò 10 đoạn, thay vì 9 đoạn như trước đây, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Dư luận cho rằng những hành động này khiến cho tình hình khu vực càng trở nên căng thẳng.

Nhật báo tài chính phố Wall có phân tích đánh giá Vũ khí mới của Trung Quốc trong xung đột ở biển Đông là tấm bản đồ khổ dọc.

Bài báo cho rằng việc đưa các hòn đảo vào bản đồ khổ dọc mà Trung Quốc mới công bố chỉ thể hiện tham vọng lộ liễu của Trung Quốc.

Trong một bài viết khác, Nhật báo phố Wall đưa tin tại một hội nghị an ninh và kinh tế ở Đại học Quốc gia Australia, Bộ trưởng truyền thông Australia Malcolm Turnbull nhận xét Trung Quốc hiện không có bạn bè trong khu vực.

Đây được xem là phát biểu thẳng thừng nhất từ trước tới nay của Australia về yêu sách chủ quyền của Trung quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Turnbull cho rằng không thể xây dựng được lòng tin an ninh trong khu vực với cách hành xử của Trung Quốc.

5. Trung Quốc khai trừ hàng loạt quan chức tội tham nhũng

Ngày 30/6, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố khai trừ khỏi đảng và lập án điều tra hàng loạt cựu quan chức cấp cao vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Những nhân vật này bao gồm nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu; Tưởng Khiết Mẫn - Ủy viên Trung ương khóa 18, nguyên Chủ nhiệm, Phó bí thư Đảng ủy Ủy ban Quản lý giám sát tài sản quốc gia Quốc vụ viện; Vương Vĩnh Xuân - nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc và Lý Đông Sinh - Ủy viên Trung ương khóa 18, nguyên Phó Bí thư đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước