Những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua (7/7 – 13/7)

PV-Chủ nhật, ngày 13/07/2014 17:07 GMT+7

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung, Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hay những diễn biến mới nhất sau cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

1. Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung

Trung Quốc và Mỹ hôm 9/7 đã bắt đầu vòng thứ 6 Đối thoại Chiến lược và Kinh tế. Chủ trì Đối thoại Chiến lược và Kinh tế về phía Trung Quốc có Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì trong khi phía Mỹ có Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew.

Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung năm nay xoay quanh một loạt chủ đề về chính sách đối nội - đối ngoại, trong đó có biến đổi khí hậu, khoa học và cải cách, vấn đề Sudan và Nam Sudan, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ và nạn buôn bán trái phép động thực vật, cùng với những tương tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vòng đối thoại cũng đã đã kết thúc vào tối 10/7 tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với việc hai bên không đạt được nhận thức chung về một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng và tranh chấp trên biển.

2. Quân đội Ukraine phản công lực lượng nổi dậy ở miền Đông

Quân đội Ukraine hôm qua (12/7) đã tiến hành cuộc phản công nhằm vào lực lượng nổi dậy ở miền Đông.

Cuộc tấn công này được tiến hành nhằm đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng nổi dậy ở miền Đông làm 23 binh sĩ quân đội thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Tổng thống Ukraine Poroshenko cho biết, quân đội Chính phủ sẽ truy tìm và tiêu diệt những phần tử ly khai ở miền Đông - những kẻ đã tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa tại khu vực gần biên giới với Nga, khiến 23 binh sĩ quân đội thiệt mạng.

Trước đó, hôm 10/7, quân đội Ukraine đã tiến gần đến Donetsk, thành phố lớn nhất ở miền Đông nước này, nhằm thắt chặt vòng vây xung quanh lực lượng nổi dậy và thiết lập một điểm kiểm soát mới.

3. Triều Tiên tiếp tục bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Sáng 13/7, Triều Tiên đã bắn thêm hai quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này.

Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, các tên lửa này được cho là phóng đi lúc 1 giờ 20 phút và 1 giờ 30 phút (giờ địa phương) từ khu vực Keasong và bay khoảng 500 km về phía Đông Bắc trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

4. Tình hình Biển Đông qua góc nhìn của nhà báo Đức

Nhóm phóng viên VTV tại châu Âu đã gặp nhà báo Rodion Ebbighausen sau chuyến công tác của ông tại Việt Nam.

Ông Rodion Ebbighausen đã viết 5 bài báo sau chuyến công tác 2 tuần tại Việt Nam. Là nhà báo chuyên viết về các vấn đề của châu Á, ông đã quan tâm ngay đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hai tuần ở Việt Nam, ông đã tới Đà Nẵng, Vũng Áng và ra đảo Lý Sơn hỏi chuyện ngư dân.

Câu chuyện về ngư dân đã là đề tài cho một bài báo dài, cùng hơn 10 ảnh về cuộc sống tại đảo Lý Sơn. Độc giả Đức biết qua bài báo, rằng Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam không phải là chuyện nay mới xảy ra. Từ năm 2002 đến nay, Trung Quốc đã tấn công tàu cá Việt Nam khoảng 700 lần, đánh chìm 20 tàu của ngư dân Việt Nam.

5. Indonesia hậu bầu cử Tổng thống

Một ngày sau bầu cử Tổng thống, Indonesia đang trong trạng thái chia rẽ khi cả hai ứng cử viên đều tuyên bố thắng cử.

Sự chú ý lúc này tập trung vào hoạt động của Ủy ban bầu cử Indonesia, nơi sẽ tiến hành kiểm phiếu và công bố chính thức kết quả vào ngày 22/7.

Cả hai ứng cử viên Tổng thống Joko Widodo và Prabowo Subianto đều tuyên bố thắng cử vào ngày 9/7, chỉ ít giờ sau khi kết thúc bầu cử.

Cơ sở cho hai bên dựa vào là kết quả kiểm phiếu nhanh do các trung tâm nghiên cứu độc lập tiến hành. Báo chí ra ngày hôm nay (10/7) cho thấy, có 8 trung tâm cho kết quả ông Jokowi giành thắng lợi, trong khi 4 trung tâm khác thì cho kết quả ứng cử viên Prabowo mới là người giành chiến thắng.

Phương pháp kiểm phiếu nhanh rõ ràng không thích hợp để đưa ra kết luận thắng thua, đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống có mức độ ganh đua quyết liệt này. Các phương pháp kiểm phiếu nhanh đều có sai số và chỉ 1% sai số cũng khiến bên thắng trở thành thua và ngược lại. Do vậy, Indonesia cần đến kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố vào ngày 22/7 tới.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước