60% bệnh nhân hen chưa điều trị đúng cách

Nguyệt Ánh, icon
04:39 ngày 06/05/2013

Tại Việt Nam có tới 3,9% dân số bị hen phế quản, tương đương gần 4 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Tuy nhiên, 60% số bệnh nhân chưa kiểm soát được cơn hen do chưa được điều trị dự phòng và kiểm soát tốt.

Ảnh minh họa

Bệnh hen hay bệnh viêm dị ứng mạn tính đường hô hấp là bệnh không lây nhiễm, cơ chế rõ ràng, có nhiều loại thuốc chữa hiệu quả nhưng hơn 60% số bệnh nhân chưa kiểm soát được hen do chưa được điều trị dự phòng và kiểm soát tốt.

Một bệnh nhân nam 24 tuổi đang điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, dù đã phát hiện bị hen phế quản từ năm 4 tuổi nhưng trong suốt thời gian dài, bệnh nhân 24 tuổi này chỉ sử dụng thuốc uống hoặc thuốc xịt mỗi lần lên cơn hen. Bệnh nhân vẫn thường đến phòng khám tư và chỉ được kê thuốc cắt cơn chứ không có thêm thuốc điều trị dự phòng. Cách đây vài ngày, khi khó thở, xịt thuốc không đỡ, bệnh nhân phải vào viện cấp cứu trong tình trạng gần như ngừng thở.

TS. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hồi, Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "Khi đó chúng tôi đã phải đặt ống nội khí quản, đặt máy 1 ngày thì bệnh nhân hết khó thở, rút được ống khí phế quản và cứu sống được bệnh nhân. Khi bệnh nhân đến Trung tâm hô hấp chúng tôi đã phải sử dụng các loại thuốc điều trị duy trì, kiểm soát cơn hen và dùng những thuốc cắt cơn hàng ngày cho bệnh nhân".

Những trường hợp như thế này hiện còn khá phổ biến. Theo nghiên cứu của trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, có 62% bệnh nhân hen chưa từng được điều trị dự phòng, đặc biệt, ở trẻ em, tỷ lệ này lên tới 81%. Cơn hen không được kiểm soát chính vì người bệnh, thậm chí cả cán bộ y tế tuyến cơ sở chỉ quan tâm đến thuốc cắt cơn mà không nghĩ đến thuốc điều trị duy trì.

Một bệnh nhân hen ở Hải Dương cho biết: “Tôi chỉ biết mình có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi và bị dị ứng, viêm phế quản. Sau khi tới khám tại bệnh viện tôi mới biết mình bị hen phế quản. Trước đây tôi chỉ uống thuốc giãn nở phế quản và kháng sinh, tuy nhiên được một thời gian thì chỉ khi uống thuốc vào mới khỏi và khi không uống bệnh lại nặng thêm nên tôi mới tới khám tại bệnh viện”.

Việc điều trị không đúng càng làm cơ sở điều trị về hô hấp tuyến trên quá tải với tình trạng phổ biến 4 - 5 người /giường bệnh. Vì vậy mục tiêu ngành y tế đặt ra chính là nâng cao chất lượng điều trị tuyến cơ sở, tiến tới nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân, khắc phục tình trạng nhiều bệnh nhân phải nghỉ học, nghỉ làm, phải đi cấp cứu vì hen.

TS. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hồi, Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết: “Điều quan trọng nhất trong điều trị phế quản là cần tư vấn cho người bệnh tránh các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn không được nuôi chó mèo, không được hút thuốc, không được đun bếp than… những khói, khí bụi độc đó đều có thể kích phát và lên cơn hen. Thứ hai, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng trong điều trị, cần sử dụng thuốc điều trị duy trì đầy đủ và mỗi khi có cơn bệnh nhân cần dùng thuốc cắt cơn”.

Các bác sĩ chuyên khoa cũng nhấn mạnh để điều trị hen hiệu quả, tránh lên cơn cấp nguy hiểm đến tính mạng chính là việc duy trì điều trị dự phòng hiệu quả song song với việc dùng thuốc.

Bệnh nhân hen phế quản ngay sau khi được phát hiện cần được giáo dục đầy đủ về bệnh, trong đó đặc biệt giáo dục cho bệnh nhân biết và tránh các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ như:

- Nuôi chó, mèo, các động vật có lông trong nhà.
- Hút thuốc lá, thuốc lào, hoặc tiếp xúc khói thuốc lá, thuốc lào.
- Các mùi hắc, khói, bụi.
- Còn đun bếp than trong nhà.
- Môi trường trong nhà ẩm, nhiều bụi.

- Còn tiếp xúc các mùi hắc…

Các bác sĩ cũng cảnh báo hiện nhiều bệnh nhân không dùng thuốc hít, thuốc xịt đúng cách dẫn đến không đạt hiệu quả điều trị. Điều này làm xuất hiện đợt cấp của hen phế quản và nếu không xử lý kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

Cùng chuyên mục