Cách xử trí khi bị khàn giọng

P.V, icon
06:07 ngày 19/06/2018

VTV.vn - Khàn giọng có thể là một tình huống cấp tính của tắc nghẽn thanh quản, gây nguy hiểm và có thể là dấu hiệu đe dọa tiềm ẩn của chứng bệnh ung thư cần được xử trí đúng cách.

Vì sao bị khàn giọng?

Khàn giọng do nhiều nguyên nhân gây ra như:

- Viêm thanh quản cấp tính: viêm thanh quản do virút, viêm thanh quản do vi khuẩn, viêm nắp thanh quản cấp tính, viêm phế quản do vi khuẩn.

- Viêm thanh quản mạn tính: khói thuốc lá tiếp xúc, kích thích và gây viêm thanh quản phù nề dây thanh âm.

- Nguyên nhân gây tổn thương thần kinh thanh quản: phẫu thuật (tuyến giáp, cổ, ngực); 

- Các bệnh ác tính: ung thư tuyến giáp, ung thư thực quản, ung thư phổi; 

- Bệnh lý thần kinh

- Bệnh thần kinh đái tháo đường

- Hét to, nói to… nhiều, trào ngược dạ dày (trào ngược viêm thanh quản), polyp thanh quản, khối u thanh quản, dị vật, nang dây thanh.

Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác gây khàn giọng như suy giáp, nhược cơ, liệt hành tủy, các bệnh hệ thống khác: viêm khớp dạng thấp, gout, lupus đỏ hệ thống, chấn thương (ví dụ như đặt nội khí quản).

Cách xử trí khi bị khàn giọng

Cách xử trí khi bị khàn giọng - Ảnh 1.

Uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ cũng giúp cải thiện tình trạng khàn tiếng

BSCKII., Thầy thuốc ưu tú Dương Văn Tiến cho biết: "Để điều trị hiệu quả bệnh khàn giọng cần dựa vào các nguyên nhân gây bệnh. Điều trị thường bao gồm nghỉ ngơi (hạn chế nói), luyện âm, dùng thuốc men và/ hoặc phẫu thuật. Các biện pháp không cần phẫu thuật là chữa trị chọn lựa đầu tiên đối với hầu hết các tổn thương lành tính của thanh quản."

Lưu ý bất kỳ bệnh nhân bị khàn giọng kéo dài trên 3 tuần không rõ nguyên nhân cần khám và xét nghiệm để loại trừ bệnh ác tính. Người bệnh cần hạn chế nói được sử dụng cho viêm thanh quản cấp tính. Trong giai đoạn nghỉ ngơi, bạn nên hạn chế các hành vi lạm dụng giọng nói, hát để tránh ảnh hưởng tới dây thanh âm.

Điều trị bằng thuốc men gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm corticoid, thuốc tiêu nhầy, thuốc chống trào ngược, và các thuốc chống viêm non- steroid...giúp người bệnh giảm khàn giọng và nhiều triệu chứng đi kèm do các nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, các loại thuốc này cần sử dụng tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà

Khàn giọng có thể diễn ra trong khoảng thời gian ngắn (cấp tính) hoặc lâu dài (mạn tính). Do đó trong khi điều trị bệnh, người bệnh cần:

Cách xử trí khi bị khàn giọng - Ảnh 2.

Trong khi bị bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế nói to, la hét...

- Nghỉ ngơi và theo thời gian có thể cải thiện khàn giọng. Khóc, la hét, và nói quá nhiều hoặc hát to quá có thể làm cho khàn tiếng nhiều hơn. Bạn nên kiên nhẫn, bởi vì quá trình chữa bệnh có thể mất vài ngày đến vài tuần.

- Không nói chuyện, trừ khi bạn cần thiết phải nói và tránh thì thầm. Thì thầm có thể làm căng các dây thanh âm nhiều hơn là nói.

- Tránh dùng thuốc chống sung huyết như để thông mũi, vì thuốc thông mũi làm khô dây thanh âm và kéo dài tình trạng khan tiếng.

- Nếu bạn hút thuốc, nên giảm bớt hoặc ngừng hút thuốc (thuốc và rượu đều là chất kích thích, rượu còn làm mất nước). Giảm dùng caffeine.

- Làm ẩm không khí với bình phun hơi nước hoặc uống nước đầy đủ và có thể dùng tắc chưng đường phèn… giảm phần nào khan tiếng.

Người bệnh cần chú ý tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để điều chỉnh đơn thuốc chữa bệnh phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục