Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh chấn thương sọ não

P.V, icon
08:09 ngày 04/01/2020

VTV.vn - Dinh dưỡng đúng và đủ giúp người bệnh nhanh chóng bình phục sau chấn thương, giảm tình trạng suy dinh dưỡng bệnh viện và hạn chế các nguy cơ làm bệnh nặng hơn.

Hình minh họa.

Chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị tổn thương hộp sọ và các cấu trúc bên trong hộp sọ do nguyên nhân chấn thương, dẫn đến những rối loạn về tri giác, nhận thức, vận động, cảm giác giác quan và ngôn ngữ.

Dựa trên cơ chế tổn thương mà chấn thương sọ não được chia thành 2 nhóm chính:

- Tổn thương nguyên phát là những tổn thương xảy ra trong lúc chấn thương như chấn động não, nứt sọ, giập não.

- Tổn thương thứ phát là những tổn thương xảy ra sau chấn thương, thường là các loại máu tụ trong hộp sọ cấp, bán cấp và mãn tính. Ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não hoặc phối hợp các loại máu tụ trên cùng một bệnh nhân…

Dinh dưỡng hỗ trợ phục hồi chấn thương sọ não

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người bệnh chấn thương sọ não thường có ý thức lơ mơ, vận động hạn chế, các triệu chứng tiêu hóa như chán ăn, mất cảm giác ngon miệng hay nghiêm trọng hơn là sặc nghẹn, khó nuốt. Vì vậy, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh là vô cùng quan trọng.

Dinh dưỡng đúng và đủ giúp người bệnh nhanh chóng bình phục sau chấn thương, tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm tình trạng suy dinh dưỡng bệnh viện và hạn chế các nguy cơ có thể làm nặng hơn tình trạng của bệnh.

Người bệnh chấn thương sọ não có tình trạng tăng chuyển hóa, tăng tiêu hủy protein (hao mòn cơ, giảm miễn dịch,…); tăng đường huyết, tăng tỷ lệ nhiễm trùng và rối loạn chức năng đường tiêu hóa. Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy bệnh nhân chấn thương sọ não cần phải được cung cấp dinh dưỡng sớm hơn, nhờ đó mà não và cơ thể sẽ được phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, việc lựa chọn đường nuôi dưỡng, công thức nuôi dưỡng và cách đưa dinh dưỡng vào cơ thể phụ thuộc vào mức độ chấn thương và giai đoạn của bệnh.

Dinh dưỡng cho người bệnh được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn cấp tính (2-5 ngày đầu sau phẫu thuật)

Người bị chấn thương sọ não thời gian đầu thường nằm liệt một chỗ hoặc chỉ có thể di chuyển, cử động nhẹ. Chính vì vậy, hỗ trợ dinh dưỡng đường tiêu hóa chỉ nên bắt đầu khi áp lực nội sọ và huyết động của người bệnh ổn định. Dinh dưỡng tĩnh mạch sẽ được hỗ trợ khi dinh dưỡng tiêu hóa không đáp ứng đủ 60% nhu cầu năng lượng của người bệnh. Đồng thời, dinh dưỡng cần hợp lý và đủ, tránh dinh dưỡng thừa tạo gánh nặng thêm cho bệnh.

Nhu cầu năng lượng ở giai đoạn này được khuyến nghị ở mức 20 - 25 kcal/kg cân nặng/ngày - ước tính chỉ bằng khoảng 2/3 so với nhu cầu bình thường và tăng dần trong giai đoạn hồi phục.

Người bệnh nên ăn thành nhiều bữa trong ngày (5 - 6 bữa) và sử dụng các thực phẩm dạng mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và giàu năng lượng như các loại cháo, súp, các sản phẩm từ sữa hay các loại sinh tố…

Các trường hợp bị khó ăn uống do liệt cơ hầu họng hoặc ý thức lơ mơ, việc nuôi dưỡng đường miệng có thể dẫn đến nguy cơ bị hít sặc, vì vậy dinh dưỡng qua đường sonde sẽ được chỉ định.

Khi sử dụng ống sonde để đưa thức ăn cần lưu ý tới lưu lượng, nhiệt độ và tần suất để bệnh nhân không bị khó chịu. Các thực phẩm có thể sử dụng cho người bệnh ăn qua sonde bao gồm: súp nghiền, cháo xay, sữa, sinh tố hoa quả…

Nếu người bệnh có tình trạng rối loạn tiêu hóa, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung các loại men hỗ trợ tiêu hóa phù hợp.

Giai đoạn hồi phục

Nhu cầu năng lượng ở giai đoạn này được khuyến nghị ở mức 25 - 30 kcal/kg cân nặng/ngày. Các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp người bệnh nhanh bình phục bao gồm:

- Chất đạm (Protein):

Protein tham gia vào quá trình hình thành, duy trì và thay thế các tế bào trong cơ thể; tham gia vào thành phần cơ bắp, máu, bạch huyết, hormone, men, kháng thể, các tuyến bài tiết và nội tiết. Vì vậy, protein có liên quan đến mọi chức năng sống của cơ thể, trong đó có việc duy trì ở mức bình thường những chất dẫn truyền thần kinh.

Do đó, nhu cầu đạm của người bệnh bị chấn thương sọ não tăng 1,5 - 2 lần so với người bình thường. Một số sản phẩm giàu protein như các loại thịt, cá, trứng, sữa hay nguồn đạm thực vật từ đậu đỗ cần được tích cực bổ sung một cách đa dạng trong thời kì này.

- Omega 3:

Omega 3 là một acid béo không no thiết yếu của cơ thể, tham gia vào cấu trúc màng tế bào, là thành phần quan trọng của mô thần kinh, cấu trúc màng nơ-ron và tham gia vào cơ chế cầm máu, phản ứng viêm, có ảnh hưởng tới các phản ứng miễn dịch.

Do vậy, việc bổ sung Omega 3 rất hữu ích cho người bệnh ngay sau chấn thương và trong khoảng thời gian dài chờ hồi phục; đặc biệt là giúp bảo vệ dây thần kinh và tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ suy mòn cơ. Omega 3 có nhiều trong các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu, cá bơn, dầu cá; quả bơ; các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt chia, bơ đậu phộng; các loại rau họ cải, đậu hà lan...

- Các Vitamin:

Các loại vitamin và khoáng chất cũng được khuyến khích sử dụng trong thời gian này.

Vitamin A - kích thích tổng hợp quá trình viêm, tăng sức đề kháng (có nhiều trong các loại quả màu vàng đỏ như đu đủ, gấc, cà rốt, bí ngô... hay các loại rau màu xanh đậm như rau ngót, rau giền, rau muống, rau diếp…).

Vitamin C - chức năng vận chuyển oxy đến tế bào, tái tạo tế bào và hạn chế hình thành sẹo (thường được bổ sung từ các loại quả như ổi, cam, bưởi, xoài, dứa… hay các loại rau như rau mùi, cần tây…). Tuy nhiên, thực phẩm chứa vitamin C nên hạn chế chế biến nhiệt độ cao.

Ngoài ra, vitamin K cũng là yếu tố cần thiết tham gia vào quá trình đông máu, giúp người bệnh cầm máu nhanh, ngăn ngừa mất máu quá nhiều khi có tổn thương. Vitamin K thường gặp trong các loại rau họ cải như cải xanh, bắp cải, súp lơ, hay đậu nành, dâu tây, bơ...

- Các chất khoáng:

Bên cạnh các loại vitamin, một số khoáng chất như sắt, kẽm cũng đóng vai trò không nhỏ trong quá trình phục hồi của người bệnh. Chúng hỗ trợ và là nguyên liệu cho quá trình tạo máu đồng thời cải thiện vị giác cho người bệnh. Thực phẩm giàu sắt, kẽm rất dễ gặp trong cuộc sống hàng ngày như các loại thịt đỏ, thủy hải sản, các loại hạt như đậu, đỗ…

Canxi cũng là yếu tố được khuyến khích bổ sung giúp hỗ trợ trong quá trình hồi phục và tái tạo xương, có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa (như phô mai, sữa chua…), trứng, cải xoăn, cá biển…

Ngoài ra, nên loại bỏ những thức ăn có chứa chất béo bão hòa (nội tạng, mỡ động vật, da động vật, bơ động vật, các loại dầu cọ, dầu dừa…) và thức ăn có chứa nhiều muối vì những loại thực phẩm này sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro bị đột quỵ não.

Việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh chấn thương sọ não là vô cùng quan trọng. Chăm sóc dinh dưỡng tích cực, đúng và đủ là bước hỗ trợ hiệu quả giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục