Hà Nội: quyết liệt triển khai phòng chống dịch bệnh lây nhiễm

Minh Đức, icon
05:30 ngày 22/07/2018

VTV.vn - Trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát tốt, hầu hết các dịch bệnh lưu hành khác đều được kiểm soát và có số mắc giảm so với năm 2017.

Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối do Sở Y tế Hà Nội tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản đã được kiểm soát tốt, chưa ghi nhận các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H7N9, A/H5N1, Mers - CoV, Ebola. Hầu hết các dịch bệnh lưu hành khác đều được kiểm soát và có số mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ năm 2017.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: từ đầu năm 2018 đến hết ngày 3/6, toàn thành phố đã ghi nhận 128 ca mắc bệnh sởi, không có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 25 quận/huyện, 89 xã/phường; đáng chú ý là nhóm bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi có 46 trường hợp, chiếm 35,9%. Tay chân miệng ghi nhận 658 ca mắc, không có trường hợp tử vong tại 272 xã, phường, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017 (60 trường hợp). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như Đống Đa 65 ca, Nam Từ Liêm 47 ca, Hoàng Mai 44 ca, Tây Hồ 41 ca bệnh, Hà Đông 40 ca bệnh. Số mắc sốt xuất huyết là 126 trường hợp, không có tử vong, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài ra, thành phố ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ; 473 ca mắc thủy đậu; 2 trường hợp mắc não mô cầu, không có tử vong; 26 ca mắc ho gà; 5 ca mắc liên cầu lợn; 12 ca mắc uốn ván...

Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai hướng dẫn các đơn vị chủ động phòng chống dịch bệnh. Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng trên 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 61 bệnh viện từ tuyến Trung ương, Bộ, ngành đến các bệnh viện tuyến cơ sở và một số bệnh viện tư nhân để phát hiện sớm ca bệnh. Các đơn vị thực hiện điều tra giám sát các trường hợp mắc bệnh ghi nhận trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến theo Thông tư 54/2015/TT-BYT do các bệnh viện, cơ sở y tế khai báo. Ngoài ra, toàn ngành củng cố, tăng cường hệ thống giám sát dịch, giám sát vec-tơ, duy trì và kiện toàn hoạt động của đội chống dịch cơ động. Đồng thời, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch để có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Đối với hoạt động phòng chống HIV/AIDS, tính đến ngày 31/5, toàn thành phố có 19.986 trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống, bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS là 5.983 trường hợp. Các trường hợp nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Long Biên, Hoàng Mai. Trong 5 tháng đầu năm đã phát hiện mới và cập nhật thêm 394 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó chiếm 75,6% là nam giới, nhóm tuổi từ 25 - 49 chiếm tỷ lệ cao nhất và đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, chiếm tới 63,9%. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS; chương trình Methadone; công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Hoạt động kiểm soát bệnh không lây nhiễm và cải thiện dinh dưỡng cộng đồng được duy trì, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân tại 584 xã, phường, thị trấn tại 30 quận, huyện, thị xã. Hoạt động sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học; hoạt động kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm; xét nghiệm; kiểm dịch y tế; hoạt động quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm đều hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra của quý II/2018.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai công tác y tế dự phòng, Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn. Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, tình hình thời tiết hết sức phức tạp, các dịch bệnh mới nổi, tái nổi trên thế giới, các dịch bệnh mang tính chất lưu hành trong nước còn diễn biến khó lường. Một số nguyên nhân chủ quan như công tác phối hợp giám sát phát hiện ca bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp thực hiện còn chưa tốt, còn để sót bệnh nhân do tần suất giám sát chưa đảm bảo, quy trình giám sát chưa phù hợp. Công tác thống kê, rà soát, hướng dẫn hoạt động, trình độ chuyên môn của cán bộ dịch tễ, việc triển khai các phần mềm tiêm chủng, phần mềm khai báo, báo cáo dịch,... phải được các đơn vị khẩn trương xem xét, rút kinh nghiệm những mặt làm chưa tốt, đồng thời phát huy hơn nữa những mặt làm tốt, có như vậy mới thực sự nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động y tế dự phòng.

Khẳng định quan điểm ngành Y tế tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho công tác y tế dự phòng, từ nay đến cuối năm 2018, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các đơn vị cần quyết liệt hơn nữa cho công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch sởi và sốt xuất huyết, đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng mở rộng để đảm bảo các đối tượng trong diện tiêm chủng được phòng bệnh bằng vacine. Tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Trong quá trình triển khai cần có kế hoạch chi tiết, cách làm cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và đúng quy trình. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra trong công tác phòng chống HIV/AIDS, nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt, hoạt động kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm, hoạt động xét nghiệm. Thực hiện tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, phát huy vai trò của cộng đồng cùng chung tay phòng chống dịch bệnh và phòng chống bệnh không lây nhiễm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục