Hiểm hoạ không ngờ từ việc nhỏ thuốc tai vô tội vạ

Văn Thành, icon
08:43 ngày 13/07/2020

VTV.vn - Khi có triệu chứng về tai (ù tai, đau tai, chảy mủ tai…), đa phần người bệnh thường có xu hướng tự mua thuốc nhỏ tai về điều trị vì rất dễ mua được các loại thuốc này.

Bệnh nhân được khám tai tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM.

Theo các bác sĩ Khoa Tai - Tai thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, khi tự ý mua thuốc nhỏ vào tai, những ảnh hưởng có thể chỉ ở mức nhẹ gây đau rát trong tai, ngứa, nổi mẩn, chóng mặt, nhức đầu. Thế nhưng, đôi khi việc làm này có thể ảnh hưởng đến thính giác, dẫn đến tình trạng nghe kém không hồi phục.

Đa số các thuốc nhỏ tai hiện nay đều chứa kháng sinh. Trong đó, kháng sinh nhóm aminoglycoside (bao gồm streptomycin, gentamycin, kanamycin, tobramycin và neomycin) là một trong những loại kháng sinh nhỏ tai thường gặp. Đây đều là những loại thuốc gây độc tai dẫn đến nghe kém nếu sử dụng không đúng chỉ định, đặc biệt trên những bệnh nhân có thủng màng nhĩ.

Theo khuyến cáo của Hội Tai Mũi Họng - Phẫu thuật Đầu Cổ Hoa Kỳ, các thuốc nhỏ tai có thể được sử dụng để điều trị viêm tai ngoài là các kháng sinh nhóm aminoglycoside, polymycin B, nhóm quinolone; các kháng viêm như hydrocortisol, dexamethasone. Tuy nhiên, với những trường hợp bị thủng màng nhĩ, kháng sinh nhỏ tai duy nhất được FDA cho phép sử dụng đó là nhóm quinolone (ciprofloxacin).

Vì vậy, khi có triệu chứng về tai, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị thích hợp; không nên tự ý điều trị thuốc nhỏ tai mà không có ý kiến của bác sĩ. Việc tự ý nhỏ thuốc vào tai này có thể sẽ để lại những hậu quả không thể cứu vãn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục