Liên tiếp các ca tai nạn giao thông ở trẻ em

P.V, icon
07:59 ngày 14/12/2024

VTV.vn - Trong thời gian vừa qua, số lượng ca bệnh trẻ em nhập Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị do tai nạn giao thông có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt trong thời điểm cuối năm.

Theo thống kê, từ đầu tháng 12 đến nay, có khoảng hơn 20 ca tai nạn giao thông trong độ tuổi từ 6-15 tuổi phải nhập viện điều trị tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình và Răng hàm mặt. Đa phần trẻ nhập viện trong tình trạng gãy tay, chân, vết thương hở ở đầu, đặc biệt có một số ca bệnh có tổn thương nặng và phức tạp như biến dạng xương hàm, vỡ xương sọ và xương mặt, tổn thương nội sọ. Trong đó, có khoảng 4-5 ca tai nạn do trẻ đi xe điện tự ngã, đây cũng là các ca bệnh có tỷ lệ thương tích cao nhất trên tổng số ca tai nạn giao thông.

Bệnh nhi L.C.Y.H. (15 tuổi, trú tại Quảng Xương, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng bất tỉnh mạch yếu, tim đập nhanh, sưng nề vùng mặt má phải, mang tai, hàm dưới phải, hai mắt sưng nề, tụ máu hốc mắt, xây xước toàn thân do tự đâm vào ô tô trong khi đi xe máy điện. Sau khi khám lâm sàng và chỉ định cận lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán vỡ xương sọ và xương mặt, chấn thương cột sống cổ với tiên lượng nặng.

Liên tiếp các ca tai nạn giao thông ở trẻ em - Ảnh 1.

Bệnh nhi L.Đ.A. (15 tuổi, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng chảy máu vùng miệng, đau biến dạng xương hàm dưới, khớp cắn lệch. Vùng cung lợi răng hàm dưới biến dạng qua kẽ R44 - R45 ấn đau nhói. Vị trí R36-37 gãy hở hàm dưới, 2 đầu xương di lệch nhiều, lợi rách, chảy máu sau tự ngã khi đang di chuyển bằng xe máy điện. Bệnh nhi được chẩn đoán vỡ xương hàm hai bên - Chấn thương hàm mặt và được chỉ định thực hiện phẫu thuật cấp cứu.

Bệnh nhi L.T.G. (15 tuổi, trú tại Mường Lát, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng lơ mơ sau tai nạn xe máy thăm khám thấy tổn thương sưng nề, bầm tím mắt phải, mắt phải có vết thương kích thước 1,5cm rỉ máu, đau vùng vai phải. Sau khi có kết quả chụp X-quang xương đòn, CT sọ não, bệnh nhi được chẩn đoán chấn thương sọ não, dập não thùy trán phải, gãy xương đòn.

Liên tiếp các ca tai nạn giao thông ở trẻ em - Ảnh 2.

Rất may mắn, hầu hết các ca tai nạn đều được can thiệp điều trị kịp thời, chưa để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh báo đến các gia đình có con nhỏ, đặc biệt là các gia đình có con trong độ tuổi đi học, tự đi xe đến trường, sử dụng xe máy điện, xe đạp điện. Cần nâng cao ý thức, hiểu biết trong việc tham gia giao thông cho trẻ, bắt đầu bằng việc phụ huynh nêu gương chấp hành nghiêm túc mọi quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là trong khi chở con em mình trên xe dẫn tới làm ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức và hành vi của các em.

Để hạn chế tai nạn giao thông, gia đình, nhà trường, xã hội cần chủ động tuyên truyền Luật An toàn giao thông nâng cao thức tham gia giao thông cho học sinh. Các ngành, các cấp, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến sự an toàn của trẻ em trong khi tham gia giao thông, cố gắng tạo dựng một môi trường an toàn của trẻ em và cộng đồng, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn giao thông cho trẻ.

Khi trẻ gặp tai nạn giao thông, người lớn cần có kỹ năng sơ cứu, đánh giá tình trạng trẻ, gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, thăm khám kịp thời, hạn chế tối đa hậu quả để lại cho sức khỏe của trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục