Lời giải cho bài toán y tế cơ sở nhìn từ Hà Tĩnh

Nguyễn Liên, icon
04:00 ngày 05/10/2018

VTV.vn - Những thành quả tích cực từ phong trào y tế cơ sở tại Hà Tĩnh giống như một điểm sáng gợi lên hi vọng trong điều kiện y tế cơ sở đang dần thiếu đi niềm tin từ người dân.

Nhân viên trạm y tế xã Tượng Sơn, Hà Tĩnh trò chuyện với người dân.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 11.400 trạm y tế xã, bao gồm cả hệ thống y tế thôn bản. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều trạm y tế trong số đó đang "bất đắc dĩ" không thể thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. 

Sự "bất đắc dĩ" này đến từ chính tâm lý không mấy mặn mà của nhiều người dân đối với các trạm y tế xã. Theo một cuộc khảo sát của viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện năm 2012, nhiều trạm y tế được khảo sát còn hầu như không có người bệnh đến, trung bình chỉ có từ 1 đến 3 người một ngày.

Bà Nguyễn Thị Đáng (58 tuổi, quê Tiên Lãng, Hải Phòng) cho biết: bản thân bà hầu như không bao giờ tới khám tại trạm y tế xã: "Tôi thường không đến đó bao giờ cả, nếu ốm nhẹ thì gọi một bác sĩ đã nghỉ hưu là người quen tới khám tại gia, thấy bệnh nặng hơn thì tôi đi tuyến huyện, tuyến tỉnh khám. Nhân viên trạm y tế xã thì họ cũng thân thiện nhưng mà tôi nghĩ họ không có chuyên môn đâu, trang thiết bị cũng không thấy có nhiều".

Anh Đặng Đăng Hữu (23 tuổi, quê Gia Lâm, Hà Nội) thì chia sẻ, khi bị các bệnh thông thường, anh thường tìm đến các hiệu thuốc hơn là trạm y tế: "Mình hầu như không bao giờ đến trạm y tế xã để khám. Thứ nhất vì mình thấy thái độ của họ khá hời hợt, thứ hai là mình nghĩ là họ chuyên môn không cao, cơ sở vật chất kĩ thuật cũng không thấy có gì cả, đâu thể đảm bảo chất lượng được. Mình toàn ra hiệu thuốc mua thuốc nếu cảm sốt hay đau bụng thông thường, thấy nặng hơn một chút thì lên tuyến trên".

Với sự hời hợt và lãnh đạm của rất nhiều người dân đối với hệ thống y tế cơ sở, một bài toán rất lớn đặt ra là làm thế nào để "kéo" lại niềm tin của dân và đặt các trạm y tế xã về đúng vị trí, vai trò của mình?

Lời giải của bài toán này có lẽ cần đến từ chính những người trực tiếp tham gia vào công tác quản lý các cơ sở y tế địa phương. Hãy tham khảo từ Hà Tĩnh, một trong những địa phương thực hiện khá tốt vấn đề phát triển y tế cơ sở. Theo chia sẻ của ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 262 trạm y tế xã, trong đó đã có 92% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Tới Trạm y tế xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, có lẽ nhiều người sẽ rất ngạc nhiên bởi khuôn viên của một cơ sở y tế địa phương lại đẹp không khác gì một công viên hay khu nghỉ dưỡng với kiến trúc khang trang, quang cảnh thoáng đãng cùng những tán cây xanh mướt. Đi sâu hơn nữa vào phía trong khu khám và điều trị, có rất nhiều lượt bệnh nhân đang chờ được thăm khám và phát thuốc. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn Đoài Phú, Tượng Sơn), một bệnh nhân chia sẻ: "Tôi rất thường xuyên vào trạm y tế này để khám chữa bệnh. Khám ở đây thì ngay gần nhà tôi nên rất tiện, nhưng quan trọng nhất là tôi cũng rất tin tưởng ở họ nữa. Thường thường cứ cảm thấy đau đầu hay chóng mặt là tôi lại đến khám".

Lời giải cho bài toán y tế cơ sở nhìn từ Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Tượng Sơn thường xuyên có rất đông bà con địa phương chờ đợi tới lượt thăm khám.

Theo thống kê của Trạm trưởng Hoàng Trọng Hiếu, trong 9 tháng đầu năm, trạm y tế này ghi nhận 2.316 lượt dân tới thăm khám và điều trị, trong khi dân số của Tượng Sơn là khoảng 4.000 người. Cũng theo ông Hiếu, để tạo niềm tin với người dân, tiêu chí lớn nhất của Trạm y tế Tượng Sơn chính là yếu tố con người: "Tôi nghĩ con người là yếu tố quan trong nhất. Là cán bộ y tế, nếu phục vụ bệnh nhân tận tình, trong quá trình điều trị mà bệnh thuyên giảm thì bệnh nhân họ sẽ đến thường xuyên thôi. Tôi luôn đặt chữ tận tình với người bệnh lên hàng đầu".

Bên cạnh sự nhiệt thành của đội ngũ y bác sĩ, một yếu tố nữa khiến trạm y tế này có thể thu hút bệnh nhân là cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. 

"Để có được một khuôn viên xanh -  sạch - đẹp thì trước hết phải huy động nguồn nhân lực. Vào ngày thứ bảy hàng tuần, chúng tôi huy động toàn bộ nhân viên y tế đến hỗ trợ chăm sóc cây, trong đó có cả các anh em y tế thôn cùng chung sức tìm các loại cây về. Riêng tôi là làm trạm trưởng, tôi nhận lo từ tường lên trần nhà, không để có một cái mạng nhện nào còn sót trên tường cả, rồi cũng tranh thủ cắt tỉa cây ngoài giờ làm việc nữa. Đó là những cái đơn giản nhất, cả địa phương cùng phấn đấu mới được như ngày hôm nay" – Ông Hiếu chia sẻ thêm.

Lời giải cho bài toán y tế cơ sở nhìn từ Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Một góc khuôn viên của trạm y tế xã Tượng Sơn.

Một trạm y tế "điểm" khác của Hà Tĩnh cũng thành công trong việc gây dựng niềm tin với người dân là Trạm y tế xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà. Theo chia sẻ của Trưởng trạm Nguyễn Hồng Khoa, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, trạm y tế đã ghi nhận gần 5.000 lượt người tới khám và điều trị trong tổng số gần 8.000 dân, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm. Ông Khoa cũng cho biết thêm: ngay từ khi chưa có chính sách bảo hiểm y tế về địa phương, lượt người tới khám tại trạm đã rất đông. Từ năm 1997 tới nay, trên địa bàn xã không có một cơ sở y tế tư nhân nào hoạt động, tất cả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân đều đổ dồn về trạm.

"Tôi nghĩ bản thân trạm y tế có rất nhiều lợi thế trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Một vết thương nhỏ thôi, nếu người dân đi khám tại bệnh viện sẽ mất tới cả triệu bạc, nhưng tới trạm y tế có khi chỉ một vài trăm nghìn đồng. Điều này phù hợp với tất cả người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi rất may mắn được nhân dân trao niềm tin nên luôn cố gắng giữ vững niềm tin ấy" – Ông Khoa chia sẻ.

Hiện nay Trạm y tế Hộ Độ đã có đủ các trang thiết bị sơ cấp cứu ban đầu, đặc biệt là luôn có bác sĩ trực để xử lí các trường hợp cấp thiết: "Tất cả anh em trạm đều ở cách đây chưa đầy 3km nên nếu có tình huống cấp bách đều có thể có mặt rất nhanh để xử lý"  - Ông Khoa chia sẻ thêm.

Lời giải cho bài toán y tế cơ sở nhìn từ Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Trạm trưởng trạm y tế xã Hộ Độ Nguyễn Hồng Khoa thăm khám cho người dân.

Để tạo thêm niềm tin cho người dân, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã phát động 100% trạm y tế xây dựng mô hình "Xanh- sạch – đẹp – an toàn"; đồng thời tổ chức nhiều cuộc thi nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ y tế cơ sở như "trưởng trạm y tế giỏi", "tiêm chủng giỏi"…

Thời gian tới, hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những Tượng Sơn hay Hộ Độ trên bản đồ y tế cả nước, để các trạm y tế cơ sở thực sự khẳng định được vị trí và vai trò vốn có của mình trong lòng dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục