
Để kiểm soát được bệnh lao trong cộng đồng, Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội do Bệnh viện Phổi Hà Nội thường trực đã phối hợp với các đơn vị triển khai sàng lọc chủ động trong cộng đồng và phát hiện tích cực bệnh lao tại cơ sở y tế.
Tình hình dịch tễ lao tại Hà Nội chưa giảm rõ rệt qua các năm. Tỉ lệ hiện mắc trên 100.000 dân thấp hơn tỉ lệ chung toàn quốc (khoảng 176/100.000). Tuy nhiên, theo ước tính của Chương trình Chống lao Quốc gia, còn khoảng 40% người bệnh lao ở cộng đồng chưa được phát hiện. Số người mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn lớn, nên việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng.
Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội duy trì mạng lưới phòng chống lao từ tuyến thành phố đến quận/huyện/thị xã và 100% xã/phường/thị trấn. Các đơn vị đã thành lập và duy trì ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh lao. Cơ sở chăm sóc bệnh lao tuyến quận là Tổ chống lao, Phòng khám lao tại 30 quận/huyện/thị xã. Mỗi trạm y tế xã/phường/thị trấn có 1 cán bộ chuyên trách công tác phòng chống lao, thực hiện nhiệm vụ tại tuyến y tế cơ sở. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn thành phố, cơ sở y dược trong và ngoài công lập, các đơn vị mô hình đặc biệt tham gia phối hợp trong khám phát hiện, chẩn đoán, chuyển gửi và quản lý điều trị người bệnh lao...
Là đơn vị tuyến đầu chống lao của thành phố, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức tăng cường sàng lọc chủ động người bệnh lao, sử dụng chiến lược 2X (X-quang + Xpert) để phát hiện và điều trị kịp thời nhiều người bệnh lao, góp phần hạn chế nguồn lây mới trong cộng đồng. Đồng thời, ứng dụng xét nghiệm tìm bằng chứng vi khuẩn lao được triển khai và chuyển giao công nghệ tới các tuyến quận, huyện. 100% đơn vị thực hiện kỹ thuật nhuộm soi trực tiếp tại tuyến trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa, bên cạnh đó kỹ thuật sinh học phân tử GeneXpert được trang bị tại nhiều điểm máy trên địa bàn, giúp người dân được tiếp cận xét nghiệm chuyên sâu một cách thuận tiện, dễ dàng hơn.
Hàng năm, Bệnh viện Phổi Hà Nội phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện tổ chức khám sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho người dân. Những người có nguy cơ được khám sàng lọc miễn phí như: người tiếp xúc với bệnh nhân lao, người có ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, người già, trẻ em tuổi sống cùng nhà với bệnh nhân lao phổi, người cao tuổi, người tàn tật, người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch… Sau khi có kết quả, nếu phát hiện mắc bệnh lao sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến các cơ sở y tế để được quản lý điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Chương trình Chống lao Quốc gia. Bên cạnh việc khám sàng lọc, các y, bác sĩ còn tư vấn cho người dân các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao tại cộng đồng. Việc phát hiện bệnh chủ động nhằm tăng tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao, phát hiện sớm và đưa vào điều trị để khống chế sự lây nhiễm bệnh lao ở cộng đồng, đồng thời tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao cho người dân.
Từ khi bắt đầu triển khai chiến lược 2X, trong giai đoạn 2022-2024, đã có hơn 100.000 người được khám sàng lọc tại các điểm khám cộng đồng, các trung tâm bảo trợ xã hội, trại giam, tạm giam qua đó phát hiện, thu nhận và quản lý điều trị khoảng 500 người bệnh lao các thể.
Gần đây, để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao năm 2025, Bệnh viện Phổi Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Hà Đông triển khai hoạt động khám phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng tại 30 phường. Người dân được tầm soát triệu chứng bệnh lao và khai thác tiền sử sức khỏe, đo huyết áp, đường máu. Sau đó, người tham gia được chụp phổi bằng hệ thống xe X-quang lưu động hoặc máy X-quang cầm tay. Hoạt động lần này có sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo AI kết hợp với máy X-quang để tăng độ chính xác trong việc phát hiện các phim phổi bất thường. Hoạt động khám sàng lọc lao cộng đồng được triển khai nhằm đánh giá hiệu quả của các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi được lựa chọn và tìm ra các tổ hợp xét nghiệm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Đồng thời, phát hiện và quản lý điều trị sớm bệnh lao, bệnh phổi và một số bệnh trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Hà Nội cũng mở rộng sàng lọc, phát hiện chủ động cho những người tại các cơ sở tập trung đông người như trung tâm bảo trợ hội, trung tâm cai nghiện, trại giam, trại tạm giam, trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần.
Tổng số người khám nghi lao năm 2024 là 113.316 người, tăng so với năm 2023; đảm bảo 1,1% người dân thành phố được khám phát hiện lao trong năm. Số người bệnh lao các thể được thu nhận điều trị, dự phòng trong năm là 4.205 người. Việc quản lý điều trị bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở được triển khai đều đặn, thường xuyên. Đảm bảo 100% bệnh nhân lao phát hiện được thu nhận, quản lý điều trị. Thực hiện công tác quản lý người bệnh tại các xã, phường theo đúng hướng dẫn. Các phác đồ mới được cập nhật và sử dụng hiệu quả trong quản lý lao nhạy cảm, lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn (BPaL, 3HP, 1HP, 6L...). Kịp thời có các điều chỉnh phù hợp, tiến bộ, đáp ứng điều trị của người bệnh, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp bỏ trị. Tỉ lệ điều trị thành công trong nhóm lao nhạy cảm và lao tiềm ẩn > 93%, ở nhóm lao kháng thuốc khoảng 77,9%, đạt chỉ tiêu do Chương trình Chống lao Quốc gia quy định.
Không chỉ vậy, hoạt động phối hợp y tế công tư được mở rộng mạng lưới, thu hút các cơ sở y tế tư nhân, cơ sở y tế công ngoài mạng lưới chương trình chống lao tham gia chuyển gửi người nghi lao đến các cơ sở chụp X-quang phổi, bao gồm các bệnh viện, phòng khám công - tư ngoài Chương trình Chống lao.
Nhằm nâng cao các hoạt động phòng chống lao tại cộng đồng, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã phối hợp với các trung tâm y tế tổ chức tập huấn phòng chống bệnh lao, lao tiềm ẩn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở và nhân viên y tế thôn bản; phối hợp với các đoàn thể, doanh nghiệp, trường học tổ chức truyền thông phòng chống bệnh lao, lao tiềm ẩn cho cán bộ, hội phụ nữ, hội nông dân và trường học đóng trên địa bàn; tổ chức giám sát chủ động tại cộng đồng cũng như tăng cường phát hiện bệnh lao và điều trị dự phòng lao cho người nhiễm HIV.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống lao trong thời gian tới, Hà Nội tăng cường phát hiện bệnh lao tại cơ sở y tế và trong cộng đồng thông qua các chiến dịch khám sàng lọc; tăng cường công tác truyền thông về bệnh lao; áp dụng những công nghệ mới, thuốc mới, phác đồ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn...
Để hoạt động phòng chống lao tại cộng đồng và cơ sở y tế phát huy hiệu quả tích cực, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cần sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể để nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động phòng chống bệnh lao. Điều quan trọng nhất là cần nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức của người dân về bệnh lao để bản thân mỗi người chủ động hơn trong việc tham gia sàng lọc, phát hiện, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng tiến tới thanh toán bệnh lao trên địa bàn thành phố Hà Nội...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện thành công ca ghép thận thứ 10 liên tiếp chỉ sau một năm triển khai, mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân suy thận tại miền Tây.
VTV.vn - Nhờ được can thiệp đặt stent kịp thời, nam bệnh nhân 70 tuổi bị tắc động mạch chậu đã được cứu khỏi nguy cơ cắt cụt chi, phục hồi tuần hoàn chi dưới.
VTV.vn - Bệnh nhi 12 tuổi, bị tai nạn giao thông, được đưa vào viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn kèm theo vết sưng nề vùng trán, xây xước da ở tay chân.
VTV.vn - Thiếu sắt không chỉ gây thiếu máu, mà ảnh hưởng đến não bộ và việc học tập của trẻ về sau. Vì thế, tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra cảnh báo quan trọng về hậu quả này.
VTV.vn - Một bé trai 5 tuổi, quốc tịch Campuchia, vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cứu sống sau tai nạn nghiêm trọng do súng đồ chơi.
VTV.vn - Để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, mỗi người khi tham gia lễ hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
VTV.vn - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh huy động 20 xe cấp cứu hai bánh, 64 xe cứu thương và 146 điểm sơ cứu, sẵn sàng ứng trực phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam.
VTV.vn - Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp trẻ mắc sởi có biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, ho nhiều.
VTV.vn - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa có cập nhật về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong tuần qua (18 - 25/4).
VTV.vn - Khoa Hồi sức Nội - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân nam, 78 tuổi, nguy kịch do dị vật đường thở.
VTV.vn - Ba sản phụ gặp biến chứng nặng như sốc mất máu, tắc mạch ối, rau cài răng lược đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nỗ lực cứu sống kỳ diệu.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai vừa cứu chữa thành công ca bệnh mắc hội chứng Guillain-Barré cấp, giúp bệnh nhân vượt qua nguy cơ liệt toàn thân.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa cấp cứu thành công một ca tràn máu - khí màng phổi hiếm gặp, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.
VTV.vn - Ngày 28/4, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Phú Thọ về việc tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
VTV.vn - Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống dịch trong giai đoạn giao mùa, triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.