Phát hiện và điều trị quặm bẩm sinh ở trẻ

Nguyệt Ánh, icon
08:00 ngày 09/07/2013

 Quặm bẩm sinh là bệnh về mắt có tỷ lệ điều trị tại khoa Mắt trẻ em của bệnh viện Mắt trung ương là 2%. Khi bị quặm, trẻ sẽ thấy khó chịu, hay dụi mắt, chảy nước mắt gây viêm kết mạc, để nặng hơn có thể gây giảm thị lực.

Quặm bẩm sinh là hiện tượng bờ mi bị lộn vào trong, đẩy hàng lông mi cọ sát vào giác mạc. Hiện tượng này gặp ở trẻ từ mới sinh và có thể tiến triển ngày càng nặng thêm nếu không được điều trị, thậm chí có thể gây viêm loét giác mạc để lại sẹo, ảnh hưởng đến thị lực.

Theo các bác sĩ nhãn khoa, bệnh hay gặp ở trẻ có khuôn mặt bụ bẫm, gốc mũi thấp, tẹt. Hiện tượng bị quặm cũng thường gây chảy nước mắt kéo dài giống trẻ bị tắc lệ đạo nên cần được thăm khám kỹ kết hợp bơm rửa lệ đạo.

Bác sĩ Phạm Xuân Tịnh, Khoa Mắt trẻ em, bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: “Với những trường hợp quặm bẩm sinh có thể được cải thiện trong quá trình phát triển của trẻ. Do vậy, khi mới sinh ra, trẻ bị quặm bẩm sinh không cần phải điều trị ngay, thông thường chỉ cần theo dõi bệnh. Khi quặm gây ra các biến chứng chảy nước mắt, lông mi cọ vào giác mạc gây tổn thương giác mạc, trẻ bị chói, chảy nước mắt, ra ngoài nắng thấy khó chịu... mới cần phải can thiệp sớm. Can thiệp về bệnh quặm ở trẻ chủ yếu bằng phẫu thuật”.

Ở những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, lông mi chưa đủ cứng để gây tổn thương giác mạc nên gia đình sẽ được bác sĩ tư vấn tra thuốc cho trẻ và hướng dẫn cách vuốt bờ mi để lông mi không cọ vào giác mạc. Nếu không cải thiện được thì cần phẫu thuật khi trẻ lớn hơn.

Bác sĩ Phạm Xuân Tịnh cho biết thêm: “Các thuốc sử dụng cho mắt chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết, đặc biệt cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các bậc cha mẹ không nên sử dụng thuốc tùy tiện để nhỏ mắt cho trẻ. Có rất nhiều bệnh nhân tới bệnh viện đã bị mù do không sử dụng thuốc đúng quy cách. Một số phụ huynh khi thấy mắt của trẻ đỏ đã tự tiện ra ngoài mua thuốc để nhỏ cho trẻ. Khi thấy nhỏ thuốc mắt hết đỏ, các bậc cha mẹ thường sẽ sử dụng thuốc đó nhỏ dài ngày và liên tục cho trẻ, do đó nhiều trẻ tới đã bị các bệnh về mắt rất nặng dẫn tới mù mắt”.

Tại các cơ sở chuyên về nhãn khoa, phẫu thuật điều trị quặm bẩm sinh tương đối đơn giản, thời gian ngắn. Vì vậy, điều quan trọng là khi thấy con có bất cứ biểu hiện bất thường gì ở mắt, các bậc cha mẹ cần đưa đến cơ sở nhãn khoa để khám và điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Để tìm hiểu hơn về bệnh quặm bẩm sinh ở trẻ, mời quý vị và các bạn theo dõi Video chương trình "Cuộc sống thường ngày", chuyên mục "Sống khỏe: Phát hiện và điều trị quặm bẩm sinh".




Cùng chuyên mục