Số ca mắc bệnh cúm gia tăng vào thời điểm đông - xuân

Minh Đức, icon
02:30 ngày 27/12/2018

VTV.vn - Thời điểm đông - xuân là lúc bệnh cúm thường có xu hướng gia tăng số ca mặc hàng năm, bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và nhanh và có thể gây ra nhiều biến chứng ở trẻ.

Cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông - xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, bệnh cảm cúm hay bị nhầm với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Theo thống kê, tại Bệnh viện Xanh Pôn đã tiếp nhận rất nhiều trẻ mắc cúm, trong đó có nhiều ca dương tính với cúm A. Trung bình mỗi ngày, có từ 4-5 ca phải nhập viện vì bệnh diễn biến nặng. Điều đáng lưu ý là đa phần các bệnh nhi nhập viện đều chưa được tiêm phòng. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Sau khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng ban đầu có thể là: sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, cảm giác yếu ớt không sức lực, chóng mặt, ăn không ngon, ho, đau họng,… Một số người còn bị đau tai hay tiêu chảy. Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài.

Các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe của con mình khi thấy trẻ thường xuyên có các triệu chứng của bệnh cúm. Bởi với trẻ nhỏ, khi bệnh xuất hiện đều có diễn biến khá nhanh do hệ miễn dịch chưa đầy đủ.

Để phòng, chống bệnh cúm, đặc biệt là cúm A và cúm mùa ở trẻ nhất là khi thời tiết thay đổi đột ngột, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động phòng chống rét, bảo vệ sức khỏe cho trẻ khi thời tiết thay đổi; vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên. Sau khi phát hiện trẻ mắc bệnh thì phải đi khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Đặc biệt, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh có khả năng lây nhiễm cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục