Suy dinh dưỡng ở bệnh nhân xơ gan

Tuấn Bảo, icon
10:03 ngày 08/08/2020

VTV.vn - Suy dinh dưỡng là biến chứng thường gặp của xơ gan. Suy dinh dưỡng là do liên quan đến tình trạng thiếu đạm dinh dưỡng và thiếu các yếu tố vi chất.

Hình minh họa.

Theo bác sĩ Tiêu Trọng Nhân - Khoa Nội tiêu hóa - Huyết học, Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ, chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng như một liệu pháp dinh dưỡng trong bệnh gan. Xơ gan là giai đoạn cuối của các bệnh về gan mật mạn tính. Bệnh nhân xơ gan thường có các triệu chứng mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, táo bón đau bụng, phù chân, cổ chướng, xuất huyết tiêu hóa...

Nguyên nhân

Chán ăn, buồn nôn, bệnh não gan, bệnh lý dạ dày do xơ gan, báng bụng (do chèn ép đường tiêu hóa làm no sớm), chế độ ăn giảm muối (giảm độ ngon của món ăn).

Tiêu hóa và hấp thu đều suy giảm: thiếu muối mật, tăng sinh vi khuẩn, thay đổi nhu động ruột từ đó gây ra tổn thương và tăng tính thấm niêm mạc ruột.

Liên quan chuyển hóa: gia tăng đề kháng insulin, giảm tân sinh glucose và giảm dự trữ glycogen ở gan dẫn đến tăng ly giải đạm.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan

Hạn chế đạm dẫn đến mất cân bằng cán cân năng lượng và chuyển hóa dẫn đến tăng tỷ lệ biến chứng bệnh não gan và teo cơ. Do đó, lượng đạm cung cấp tương đương người khỏe mạnh: 1.2 -1.5 g/kg/ ngày, ưu tiên đạm thực vật. Chia 5 - 6 bữa ăn nhỏ để tránh quá tải đạm và giảm buồn nôn và nôn. Ít nhất là 3 bữa chính và 1 bữa tối trước khi ngủ.

Số bữa ăn quan trọng hơn khối lượng thức ăn do hạn chế sự thoái biến đạm và sau mỗi bữa ăn có hiện tượng kích thích sự tổng hợp đạm. Bữa ăn nhẹ vào buổi tối trước khi ngủ giúp tăng khối lượng cơ sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tần suất và mức độ bệnh não gan. Tránh nhịn ăn dài hơn 6 tiếng

Thực phẩm tốt cho bệnh nhân xơ gan

- Trứng, sữa và sản phẩm từ sữa, trứng.

- Đạm thực vật trong đó các loại hạt, các loại đậu đặc biệt sản phẩm từ đậu nành (có hàm lượng đạm và các acid amin thiết yếu cao).

- Các loại cá, thịt, tôm.

- Các chế phẩm BCAA (chuỗi acid amin thiết yếu) đường uống hiện có bán tại các nhà thuốc giúp cải thiện được biến cố kết cục trên bệnh nhân xơ gan tiến triển, giảm biến chứng, kéo dài tỉ lệ sống còn. Một gói BCAA vào buổi tối được dùng để tăng tổng hợp protein cho bệnh nhân xơ gan.

- Không hạn chế muối. Ngoại trừ khi bệnh nhân có báng bụng hoặc phù chân cần phải hạn chế lượng muối nhập vào. Thực phẩm chứa nhiều muối (thịt đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, xúc xích,…)

- Uống nước như người bình thường, không hạn chế dịch. Chỉ hạn chế dịch khi trong những trường hợp có giảm Natri máu (< 120mmol/L) hoặc báng bụng.

- Ở bệnh nhân xơ gan có sự mất cân bằng trong hệ vi khuẩn đường ruột góp phần quan trọng trong sản xuất amoniac, dẫn đến bệnh não gan. Kết hợp men vi sinh và chất xơ mang đến lợi ích.

- Cung cấp vitamin B1 (trứng,sữa, thịt bò,...) có thể xem xét cho tất cả bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có bệnh gan do rượu.

- Bệnh nhân có ứ mật biểu hiện là vàng da nên cung cấp vitamin tan trong mỡ (bông cải xanh, bắp cải, cải xanh, dâu tây, bơ).

- Cung cấp kẽm (sản phẩm từ sữa, trứng, hải sản, thịt bò...) và magie (bơ, ngũ cốc, cá…) để tăng cảm giác thèm ăn, cải thiện rối loạn vị giác.

- Cung cấp calcium (1-1,2 g/ngày) và vitamin D (400-800UI/ngày) ở bệnh nhân ứ mật và thiếu xương.

Suy dinh dưỡng là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân xơ gan. Do đó, nên có chế độ ăn giàu đạm và giàu vi chất để giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục