Thiếu vi chất dinh dưỡng - Những thiệt hại to lớn về sức khỏe, kinh tế

Lê Thạch, icon
07:44 ngày 28/05/2018

VTV.vn - Thiếu vi chất dinh dưỡng được coi là nạn đói tiềm ẩn do khó phát hiện, khi các triệu chứng biểu hiện thành bệnh thì khi phát hiện sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Bổ sung vitamin A cho trẻ.

Thiếu vi chất dinh dưỡng tạo gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế. Trên thế giới có 2 tỷ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng, 136.000 phụ nữ và trẻ em tử vong hàng năm do thiếu máu, sắt; 190 triệu trẻ em trước tuổi học đường bị thiếu vitamin A; 1,1 triệu người tử vong hàng năm do thiếu vitamin A và kẽm và 300.000 trẻ đẻ ra bị dị tật bẩm sinh do mẹ thiếu folate. Thiệt hại do thiếu vi chất dinh dưỡng chiếm từ 2-3% tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia và thiếu dinh dưỡng làm giảm tới 11% tổng sản phẩm quốc nội ở các nước châu Á và châu Phi.

Các vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thiếu i-ốt, vitamin A, sắt và kẽm gây tổn thất nhiều chi phí cho xã hội. Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi là 30/1.000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ trẻ em chết dưới 5 tuổi là 39/1.000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ trẻ sơ sinh chết là 7,5/1.000 trẻ sinh sống và tỷ lệ chết mẹ là 95/100.000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ rủi ro tương đối của các trường hợp tử vong do thiếu vitamin A nhẹ ở trẻ trên 6 tháng tuổi là 1,75.

Trong số 1.600 trường hợp tử vong mẹ hàng năm có 192 trường hợp liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu không chỉ gây tác hại đối với sức khỏe, năng lực trí tuệ mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của đất nước do năng suất lao động kém và những chi phí do bệnh tật - hậu quả của tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.

Theo tính toán của các nhà kinh tế, khắc phục tình trạng thiếu i-ốt, vitamin A và sắt có thể nâng cao được chỉ số thông minh của cộng đồng tới 10-15 điểm. Giảm tử vong bà mẹ khoảng 1/3, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống 40% và tăng khả năng lao động khoảng gấp rưỡi.

Các nhà kinh tế học đã dự tính, nếu tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng không được cải thiện thì trong 10 năm tới, nền kinh tế thế giới sẽ phải tiêu tốn từ 180-250 tỷ đô la Mỹ. Số tiền đó để giải quyết các hậu quả do sự sa sút trí tuệ, suy giảm hệ thống miễn dịch, tử vong bà mẹ và trẻ em cũng như sự thiệt hại do suy giảm năng suất lao động. Nhưng nếu muốn đối phó với những thiếu hụt này thì xã hội chỉ cần đầu tư khoảng 4 đến 5 tỷ đô la Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục