Từ bỏ việc đắp lá chữa ung thư, người bệnh dân tộc thiểu số tìm đến các bác sĩ ở bệnh viện chuyên khoa

P.V, icon
05:04 ngày 21/07/2022

VTV.vn - Đây là câu chuyện ghi nhận được tại Bệnh viện K Trung ương, cho thấy nhiều người bệnh dân tộc thiểu số đã thay đổi nhận thức trong việc điều trị bệnh.

Chăm sóc người bệnh dân tộc thiểu số điều trị tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC

Theo thông tin từ Bệnh viện K, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp là người dân tộc thiểu số, chủ động tới khám và điều trị. Điều này cho thấy người dân đã dễ dàng tiếp cận với những thông tin chính thống, khoa học về tuyên truyền phòng chống ung thư. Nếu như trước đây họ thường sử dụng thuốc nam, đắp lá để điều trị các khối u thì hiện nay, ngay cả những người dân sinh sống ở vùng sâu vùng xa cũng đã đến bệnh viện chuyên khoa uy tín để thăm khám khi có dấu hiệu bất thường. Việc này sẽ giúp bệnh nhân được chẩn đó "trúng bệnh" và "đúng phác đồ" y học hiện đại ngày nay.

Tháng 7/2022, Khoa Ngoại bụng I, bệnh viện K đã tiếp nhận 3 trường hợp đều là bệnh nhân người dân tộc. Bệnh nhân Lò Văn L. là người dân tộc Thái, trú tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Anh L. đi khám vì thấy có dấu hiệu đau bụng vùng thượng vị, cơn đau kéo dài không thuyên giảm. Sau khi làm các xét nghiệm chụp chiếu, người bệnh có khối u kích thước khá lớn khoảng 3cm và được chẩn đoán u cơ trơn thực quản 1/2 dưới.

Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và đưa ra phương án điều trị phẫu thuật nội soi 3D đường bụng bóc u cơ trơn thực quản 1/2 dưới. PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện K, Trưởng khoa ngoại bụng I bệnh viện K cùng các bác sĩ trong khoa đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật ,người bệnh có kết quả giải phẫu u cơ trơn thực quản lành tính, do vậy anh L. chỉ cần theo dõi và tái khám sau 3 - 6 tháng.

Cũng tại Khoa Ngoại bụng I, các bác sĩ đã ghi nhận thêm một trường hợp người bệnh dân tộc Thái tới khám và điều trị với chẩn đoán ban đầu là u hang vị dạ dày. Chị Lèo Thị Th. 42 tuổi không có chồng con, đươc người nhà đưa tới khám trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị kéo dài. Trước đó chị đã tới khám tại bệnh viện tỉnh Sơn La, kết quả nội soi cho thấy có ổ loét ở bờ cong nhỏ dạ dày 2cm, nghi ung thư nên chuyển bệnh viện K.

Sau khi vào viện 3 ngày, các bác sĩ đánh giá hội chẩn kỹ phác đồ điều trị của bệnh nhân, trước hoàn cảnh khó khăn và nhận thấy bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa không có người nhà chăm sóc, chị Th. đã được phẫu thuật sớm vào ngày 18/7.

Với sự chuẩn bị kỹ càng cũng như kinh nghiệm của các bác sĩ ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, thành công. Sau mổ cả người bệnh và người nhà chăm bệnh đều được khoa phòng hỗ trợ về ăn uống, sinh hoạt miễn phí. Các bác sĩ cũng đã kêu gọi hỗ trợ bệnh nhân để gia đình có thêm kinh phí, động lực điều trị cho quá trình sau này.

Từ bỏ việc đắp lá chữa ung thư, người bệnh dân tộc thiểu số tìm đến các bác sĩ ở bệnh viện chuyên khoa - Ảnh 1.

Một trường hợp khác, bệnh nhân Chu Thái T. 88 tuổi, dân tộc Tày cũng vừa được ra viện sau mổ u đại tràng Sigma. Bệnh nhân T. thể trạng già yếu, tiền sử tăng huyết áp 8 năm, duy trì điều trị thường xuyên, đã mổ cấp cứu ở Bệnh viện Hà Giang cách đây 2 tháng vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng Sigma. Bệnh nhân vào viện từ đầu tháng 7 và được thăm khám, thực hiện các chỉ định rất cẩn thận để đánh giá trước mổ. Ngày 8/7, ekip bác sĩ khoa Ngoại bụng I đã phẫu thuật lấy trọn tổn thương là u đại tràng Sigma kiểu vòng nhẫn. Kíp mổ quyết định cắt đoạn đại tràng Sigma trực tràng và nạo vét hạch, miệng nối đại tràng trái - trực tràng cho bệnh nhân T. Sau mổ, bệnh nhân tiến triển và hồi phục rất tốt. Dẫn lưu ổ bụng ra dịch trong. Bệnh nhân trung tiện và bắt đầu tập ăn từ ngày thứ 4 sau mổ. Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng ổn định và được ra viện.

Qua 3 trường hợp người bệnh là người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở vùng sâu vùng xa đến khám và điều trị tại Bệnh viện K, có thể thấy việc người bệnh là đồng bào dân tộc thiểu số chủ động đi khám, tầm soát ung thư, điều trị tại các cơ sở ý tế chuyên khoa uy tín chắc chắn sẽ giúp quá trình điều trị có kết quả khả quan hơn so với các phương pháp truyền miệng trước đây. Người dân đã được tiếp cận với các thông tin chính thống để chủ động theo dõi sức khỏe của mình và người thân. Bên cạnh đó, với những đối tượng người bệnh là người dân tộc thiểu số, các bác sĩ luôn luôn hỗ trợ, ưu tiên hướng dẫn trong quá trình khám chữa bệnh để những cản trở về ngôn ngữ giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày không còn là khó khăn hay trở ngại tâm lý trong quá trình điều trị căn bệnh hiểm nghèo này.

Hy vọng thời gian tới, việc tiếp cận các cơ sở y tế uy tín, chính thống sẽ giúp bà con có cơ hội được điều trị một cách tốt nhất những căn bệnh hiểm nghèo mà mình không may mắc phải.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục