TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: Chuyên gia giải đáp thắc mắc về sử dụng vắc xin và an toàn tiêm chủng

P.V, icon
08:59 ngày 03/05/2019

VTV.vn - Hai chuyên gia - bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ giải đáp những thắc mắc về vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản thế hệ mới và vấn đề tiêm chủng an toàn.

20h tối nay, ngày 3/5/2019, hai chuyên gia - bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ giải đáp những thắc mắc của độc giả về vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản thế hệ mới và vấn đề tiêm chủng an toàn.

Chương trình tư vấn trực tuyến "TIÊM CHỦNG AN TOÀN, GIỚI THIỆU VẮC XIN PHÒNG VIÊM NÃO NHẬT BẢN THẾ HỆ MỚI" do Trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Báo điện tử VTV News tổ chức với sự đồng hành của Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM và ThS.BS. Bùi Ngọc An Pha, Giám đốc Y Khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Tất cả thắc mắc về vắc xin và tiêm chủng như cơ chế hoạt động của vắc xin, vắc xin mới được kiểm nghiệm như thế nào, tại sao trẻ em cần phải tiêm vắc xin cũng như những rủi ro nếu không tiêm chủng cho trẻ em kịp thời… sẽ được các chuyên gia giải đáp.

Chương trình tư vấn trực tuyến diễn ra trên Báo điện tử VTV News và phát trực tiếp trên các fanpage: Thời sự VTV, Trung tâm Tin tức VTV24, Báo điện tử VTV News và VNVC.

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: Chuyên gia giải đáp thắc mắc về sử dụng vắc xin và an toàn tiêm chủng - Ảnh 1.

Trước khi vắc xin ra đời vào năm 1796, các bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn thế giới, ngay cả ở các nước phát triển nhất.

Trong những năm cuối thế kỷ 18, bệnh đậu mùa khiến khoảng 400.000 người dân châu Âu tử vong mỗi năm. Đến thế kỷ 20, khoảng 300-500 triệu người đã chết vì căn bệnh đáng sợ này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính riêng năm 1967 có khoảng 15 triệu người nhiễm bệnh và 2 triệu người tử vong. Ngày nay, bệnh đậu mùa đã được kiểm soát nhờ vắc xin và công tác tiêm chủng.

Nhờ tiêm chủng, thế giới cũng đã tiến gần tới việc đẩy lùi bệnh bại liệt; khoảng 21,1 triệu người được cứu sống khỏi bệnh sởi từ năm 2000 đến 2017; giảm tới 60% các biến chứng nghiêm trọng và 80% tỉ lệ tử vong do cúm...

Cứ mỗi 60 giây, sẽ có 5 sinh mạng trên toàn cầu được cứu sống nhờ vắc xin. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhờ việc chủng ngừa trên toàn cầu, ước tính tuổi thọ của nhân loại đã được kéo dài thêm 15-25 năm, mỗi năm có đến 3 triệu người được cứu sống và hàng triệu trẻ em được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong cao như sởi, viêm phổi, tả, bạch hầu…

Tại Việt Nam, nhiều bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin đã được loại trừ như: bệnh đậu mùa (những năm 1980), bại liệt (năm 2000), bệnh uốn ván sơ sinh (năm 2005) và nhiều dịch bệnh đã được khống chế như: Sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván...

Nhờ vào hệ thống tiêm chủng được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, người dân hiểu rất rõ về lợi ích của tiêm chủng và chủ động nhiều hơn trong việc tiêm chủng tại cơ sở.

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: Chuyên gia giải đáp thắc mắc về sử dụng vắc xin và an toàn tiêm chủng - Ảnh 2.

Khách hàng được tư vấn, tiêm chủng tại Trung tâm tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn VNVC

Tuy nhiên, chiến dịch toàn cầu mới vào ngày 24/4 do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khởi xướng, bắt đầu bằng Tuần lễ Tiêm chủng thế giới từ ngày 24-30/4/2019 cũng cho thấy, dù vắc xin mang lại những lợi ích to lớn nhưng ước tính khoảng 1,5 triệu trẻ đã tử vong do các bệnh có thể phòng tránh bằng vắc xin trong năm 2017.

Tại một số quốc gia - trong đó có Việt Nam, nhiều gia đình đã tự ý trì hoãn hoặc từ chối không đưa trẻ đi tiêm vắc xin, do chưa nhận thấy tầm quan trọng của vắc xin, điều kiện tiếp cận với vắc xin còn hạn chế, hoặc chủ quan với sức khỏe của trẻ... Bên cạnh đó, còn không ít người nghĩ rằng vắc xin có thể gây biến chứng ở trẻ làm dấy lên phong trào "tẩy chay" vắc xin trên mạng xã hội. Chính những nguyên nhân này đã dẫn tới nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, trong đó có sởi, đặc biệt tại các nước phát triển. Mới đây, Mỹ ghi nhận ít nhất 314 trường hợp mắc bệnh sởi ở nước này trong 3 tháng đầu năm 2019 dù bệnh sởi được xem là đã được loại trừ ở Mỹ vào năm 2000.

Làm sao để người dân hoàn toàn an tâm vào công tác tiêm chủng? Có những loại vắc xin nào cần phải chủng ngừa để bảo vệ sức khỏe? Cách nào bảo đảm an toàn khi tiêm chủng cho trẻ, tránh phản ứng sau tiêm? Như thế nào là quy trình chủng ngừa đúng chuẩn? Vì sao trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm và cách xử trí tại chỗ? Quản lý lịch chủng ngừa thế nào để trẻ được tiêm đầy đủ, đúng lịch, đúng phác đồ?... Rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp.

Hãy gửi ngay những thắc mắc của bạn ngay tại các trang fanpage Thời sự VTV, Trung tâm Tin tức VTV24, Báo điện tử VTV News và VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn hoặc gửi qua hộp thư điện tử suckhoe@vtv.vn để được các chuyên gia giải đáp trong chương trình tư vấn trực tuyến.

Cùng chuyên mục