Vi phẫu tạo hình gót chân Achille cứu bệnh nhân viêm mô bào nặng

P.V, icon
04:44 ngày 13/03/2025

VTV.vn - Nam bệnh nhân 41 tuổi, bị viêm mô bào nặng do nhiễm trùng vibrio vulnificus.

Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhân.

Bệnh nhân làm nghề lái tàu biển ở Thanh Hóa, vốn là một thanh niên khỏe mạnh, không mắc bệnh lý nền. Tuy nhiên, bốn ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bị ngã. Sau khi ngã, bệnh nhân đã dán cao và xoa dầu vào vùng cẳng chân trái.

Ngày hôm sau, tình trạng của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng khi anh sốt cao 38 độ C, chân bị sưng nề, đỏ, đau và xuất hiện phỏng nước rải rác ở cẳng chân và bàn chân trái. Mặc dù đã được thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế, nhưng tình trạng của anh không cải thiện, buộc gia đình phải chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.

Tại Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô bào do vibrio vulnificus, nhiễm trùng huyết và sốt liên tục. Toàn bộ vùng cẳng và bàn chân trái của bệnh nhân bị sưng nề, thâm tím, có phỏng nước trợt vỡ và hoại tử đen lan rộng từ cẳng chân đến vùng đùi. Sau 5 ngày điều trị viêm mô bào, tình trạng vẫn không cải thiện và dịch mủ vẫn tiếp tục chảy ra từ vùng đùi. Vì vậy, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn ngoại khoa để cắt lọc các vùng hoại tử.

Bác sĩ Phạm Văn Tỉnh, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống cho biết: Toàn bộ vùng cẳng chân trái phải cắt lọc hoại tử hai lần. Sau khi cắt lọc, toàn bộ vùng cẳng chân và phần da mềm bị khuyết hổng, lộ rõ phần cơ, gân, thậm chí một phần xương chày lộ ra ngoài. Gân gót chân Achille của bệnh nhân bị hoại tử phá hủy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng di chuyển. Vì vùng tổn thương và hoại tử lan rộng và sâu nên việc tự hồi phục và liền da rất khó khăn. Trước đây, bệnh nhân sẽ buộc phải cắt cụt chân để được cứu sống, thì giờ đây với sự tiến bộ của y học, chúng tôi đã có giải pháp thay thế.

"Để giữ được chân trái cho bệnh nhân, chúng tôi đã hội chẩn với các chuyên gia phẫu thuật tạo hình của khoa và đưa ra quyết định tiến hành cuộc phẫu thuật vá da che phủ hết phần mềm, tái tạo lại gân gót và che phủ gân gót chân bằng vạt da vi phẫu. Gân gót chân Achille là gân lớn nhất trong cơ thể giúp cơ thể kết nối cơ bắp chân với xương gót chân, giúp người đứng vững trên các ngón chân và đẩy cơ thể về phía trước khi đi bộ, chạy nhảy" - BSCKII. Hoàng Mạnh Hà, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống chia sẻ thêm.

TS.BS Dương Mạnh Chiến, chuyên gia về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết: "Chúng tôi tiến hành phẫu thuật vi phẫu lấy vạt đùi trước ngoài (vạt ALT) bên chân phải của bệnh nhân được cuộn lại tạo hình gân gót và che phủ vùng gân gót chân Achille. Vùng da vạt đùi trước ngoài có phần gân bên dưới da có thể thay thế chức năng vùng gân gót chân Achille giúp lấy lại phần lớn chức năng của gân gót chân hỗ trợ đi lại cho người bệnh sau khi vá da. Còn những vùng tổn thương khác của bệnh nhân được ghép da mỏng từ các vùng da đùi hai bên, cẳng chân bên phải và da vùng bụng để che phủ những vùng da khuyết".

"Kỹ thuật vi phẫu trong phẫu thuật vá da là một kỹ thuật rất khó, các bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi chuyên dụng và các dụng cụ với mức độ chính xác tinh vi để nối các mạch máu có đường kính chỉ từ 1-2 milimet ở vùng da vạt đùi trước ngoài vào với mạch chày trước ở vùng dưới chân trái để nuôi sống vùng da gân gót chân. Việc nối động mạch máu cần dùng chỉ khâu rất bé và phải đeo kính hiển vi phẫu thuật mới thấy được. Đây là ca phẫu thuật vi phẫu đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương" - TS Chiến nhấn mạnh.

Sau 2 ngày phẫu thuật, vùng da được vá bằng kỹ thuật vi phẫu đã sống lại, hồng hào trở lại và tình trạng bệnh của bệnh nhân đã dần ổn định. Sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân bắt đầu cảm nhận được vùng da cẳng chân trái. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập phục hồi chức năng để có thể đi lại bình thường trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục