Xả tress sau kỳ thi

Kỳ Anh, icon
05:10 ngày 03/08/2013

 Theo các chuyên gia tâm lý: Đi biển hoặc tìm đến một không gian mới là cách xả stress tốt nhất sau kỳ thi đại học. Bên cạnh đó, cách tránh sốc thi trượt tốt nhất là ngay từ đầu cha mẹ nên tập trượt cho con cách ứng xử tốt với thất bại trong cuộc sống.


‘ Biết nghỉ ngơi, thư giãn cũng là cách chăm sóc bản thân, giải tỏa căng thẳng. Ảnh minh họa.

Bỏ lại lo lắng sau lưng

Hiện đang mùa du lịch nên các bậc phụ huynh có nhiều cơ hội để đưa con đi chơi. Nên cho các em đi du lịch biển để xua tan cảm giác lo lắng, hồi hộp vì chờ kết quả thi.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Quyên, Trung tâm tư vấn Thanh Tâm, Hà Nội khuyên rằng, biển là nơi thư giãn, xả stress tốt nhất. Sau 1-2 ngày cho các sỹ tử ngủ bù thỏa thuê, hãy đưa con ra biển. Không gian thoáng đãng, lạ lẫm của biển sẽ nhanh chóng giúp con lấy lại cân bằng tinh thần và gột bỏ hết những lo lắng, buồn bã.

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có rất nhiều trò tiêu khiển thú vị, các bậc cha mẹ nếu không thể đưa con đi xa cũng có thể cho con đi trượt cỏ với cảm giác mạnh giúp trút bỏ mệt nhọc, lo toan. Hoặc đơn giản hơn là ngồi thuyền dạo quanh hồ nước, thi chèo thuyền thúng, trổ tài câu cá tại các điểm vui chơi. Hiện các khu du lịch như: Đầm Sen, Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) hay khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) đang triển khai nhiều mô hình trò chơi thú vị kèm theo chương trình khuyến mại, giảm giá đặc biệt cho học sinh, sinh viên. Hoặc cho con tham gia các khóa học khiêu vũ, tập aerobic...

TS. Cao Văn Tuân, Bệnh viện Tâm thần Trung Ương I cũng cho rằng: Thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sẽ giúp các sĩ tử lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý. Không nên để con chìm đắm một mình trong nỗi lo lắng thi trượt. Kì thi đã qua đi, thời gian này đang đợi kết quả, bố mẹ nên tạo cho con tâm lý thoải mái, để các em lấy lại cân bằng sinh lý, tránh các bệnh về thần kinh".
"Nếu có điều kiện, cha mẹ nên cho con giải tỏa căng thẳng bằng những chuyến du lịch, nghỉ ngơi, để đưa con đến với thế giới hoàn toàn giải trí, thư giãn đầu óc lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý. Không nên để con chìm đắm một mình trong nỗi chờ đợi kết quả và lo lắng thi trượt", TS. Cao Văn Tuân khuyên.

Trong trường hợp không có điều kiện đi chơi xa các bậc cha mẹ nên khuyến kích con tham gia các hoạt động thể thao, giải trí mang lại cảm giác thư thái dễ chịu. Đồng thời, không khí trong gia đình phải thật thoải mái để các em có thể tránh được cú sốc tâm lý dù đỗ hay trượt.

Chống sốc cho con

Theo con số thống kê từ Bộ GD&ĐT thì trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ khoảng 1/3 số thí sinh tham dự kỳ thi đại học sẽ có cơ hội bước chân vào giảng đường đại học. Còn lại 2/3 số lượng thí sinh dự thi sẽ kiếm tìm cơ hội tại các trường cao đẳng, các trường nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm... Vì vậy, việc chuẩn bị tâm lý chống sốc thi trượt cho con là điều các bậc cha cần phải làm.

TS Nguyễn Minh Thức, Giảng viên Trường ĐH Sĩ quan Lục quân 2 cho rằng, để con có kỹ năng ứng xử tốt với những thất bại, tốt nhất trong cuộc sống các bậc cha mẹ cần chú ý tới việc giáo dục bản lĩnh tự tin để trẻ vững vàng đối mặt với sóng gió cuộc đời. Trang bị cho con kỹ năng sống để nâng cao "sức đề kháng", giúp con thích ứng với stress. Tránh áp đặt, yêu cầu quá cao cho con, bởi không ít những học sinh khá và giỏi vẫn thiếu may mắn và có thể sẽ trượt đại học. Hơn nữa, cha mẹ cũng cần chuẩn bị ý chí sẵn sàng "thua keo này, bày keo khác".

‘ Xả stress sau kỳ thi ĐH. Ảnh minh họa.


Cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn ở con vô tình tạo áp lực cho con. Vì khi đạt kết quả không như ý muốn sẽ khiến các em có những mặc cảm tội lỗi. Khi thấy con em mình có những biểu hiện lạ thì cần đưa đi khám ngay, không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì điều này rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần có một chế độ ăn uống ngủ nghỉ hợp lý để bảo vệ sức khỏe cho con. Đặc biệt, phải ở bên con nhiều nhất khi con thi trượt.

Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện Sức khoẻ tâm thần Bạch Mai, cho rằng: Trượt đại học là một cú sốc quá lớn đối với các thí sinh. Sau kỳ thi, không ít học sinh phải nhập viện do rối loạn, suy sụp hoặc khủng hoảng tinh thần trầm trọng... Trong lúc đang có sẵn tâm lý buồn chán, thiếu ăn mất ngủ vì phấp phỏng chờ kết quả cộng với những câu nói thiếu sự thông cảm của cha mẹ sẽ khiến các em hụt hẫng nghĩ quẩn, hành động dại dột.

"Ngay cả khi kết quả thi của con không được như ý, các bậc cha mẹ càng cần phải có trách nhiệm san sẻ nỗi buồn cùng con cái, hướng con có cái nhìn lạc quan, tin tưởng hơn vào tương lai, tuyệt đối không có những hành động, lời nói vô tình đẩy con tới bước đường cùng", BS Tuấn khuyên.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT chia sẻ: "Vào đại học không phải là con đường duy nhất cho các thí sinh. Còn rất nhiều cơ hội khác vẫn đang mở rộng cửa cho các em như việc theo học tại các trường TCCN, các cơ sở đào tạo nghề. Khi có tay nghề vững, các em còn tìm được việc làm dễ dàng hơn sau khi tốt nghiệp đại học. Sau khi đi làm, kiếm tiền các em có thể học cao hơn nữa".Trên thực tế, có nhiều tấm gương những người thành đạt dù không có bằng đại học. Việc biết rõ khả năng của mình để tìm hướng rẽ nhẹ nhàng nhưng dễ đi đến thành công là tốt nhất cho các em. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy cùng con hoạch định những phương án khác nhau để khi đối mặt với thất bại các em đỡ bỡ ngỡ, hẫng hụt.

Cùng chuyên mục