Hai vợ chồng 10 năm nhận chăm sóc người điên

Theo tuthien.vn-Thứ tư, ngày 23/01/2013 07:00 GMT+7

Vợ chồng anh Hà Tư Phước làm rất nhiều việc nghĩa.

 Hơn 10 năm qua, vợ chồng anh Hà Tư Phước ở TP.Pleiku, Gia Lai đã đến nhiều địa phương đón những người mắc bệnh tâm thần lang thang về nuôi dưỡng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Vân (P.Thắng Lợi, TP.Pleiku) có 1 con trai (tên Phong) và 6 con gái. Nhưng bất hạnh xảy ra, khi người con trai lúc 20 tuổi thì phát bệnh điên, bỏ nhà đi lang thang khắp nơi. Khi về nhà thì đánh chửi bố mẹ, chị em rồi đập phá tài sản. Quá hoảng sợ, gia đình đã dùng dây xích để xích con lại rồi tìm thầy tìm thuốc chữa trị, nhưng càng chữa chạy, bệnh của Phong càng thêm nặng.

Năm 2009 nghe có anh Hà Tư Phước ở thôn Ia Rok, xã Chư H’Drông tự nguyện nhận nuôi dưỡng và chăm sóc người tâm thần, gia đình bà đã đem con trai đến nhờ giúp đỡ. Bà Vân cho biết: “Thằng Phong vào ở với gia đình chú Phước đã được hơn 2 năm rồi. Mỗi lần đến thăm con tôi rất vui vì nó biết nghe lời chú Phước, tự tắm rửa, lau dọn phòng ở sạch sẽ. Hồi xưa ở nhà, tôi sợ nó lắm, hễ thấy mặt là nó đánh, mình chạy trốn thì nó đập đồ”.

Bất hạnh hơn là gia đình bà Nguyễn Thị Si, ông Trương Văn Sơn ở làng Pleiku Dó, P.Yên Đổ, TP.Pleiku, chuyên buôn bán rau ở chợ. Gia đình có 4 người con thì 7 năm trước, sau một trận ốm, 2 người con trai lớn bị đổ bệnh, cứ chửi mắng bố mẹ, đập phá tài sản, cởi quần áo đi lang thang ngoài đường.

Nhà tuy nghèo, nhưng vì thương con nên gia đình tìm thầy thuốc khắp nơi chạy chữa, nhưng tài sản thì ngày càng cạn kiệt còn bệnh tình của con thì càng nặng hơn. Hai đứa con của bà Si thường xuyên đánh chửi, cắn xé nhau. Quá sợ hãi, gia đình phải dùng xích để xích mỗi đứa một bên hông nhà. Đầu năm 2011, bà Si đã mang đứa con lớn là Trương Xuân Đông đến nhờ anh Phước nuôi giúp. Sau 7 tháng được anh Phước chăm sóc, giờ Đông đã biết tự tắm rửa, tự ăn cơm và biết ra vườn cà phê nhặt cỏ giúp cho anh chị Phước.

Còn Re, dân tộc J’rai ở làng K’Be, xã H’Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum được gia đình đem đến nhờ anh Phước nuôi từ 2009. Hiện Re đã đỡ được phần nào và dần dần nhớ về quá khứ của mình. Re kể: “Mình lấy vợ từ năm 2003. Vợ mình là người dân tộc Chăm quê ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, chúng mình đã có hai đứa con gái sinh đôi, năm nay cũng được 7 tuổi rồi. Năm 2008 trong một lần uống rượu ngà ngà say, mình tham gia đua xe với bạn bè trong làng, rồi bị ngã, đầu đập xuống đường. Từ đó mình không còn nhớ gì nữa, bạn bè chẳng có đứa nào rủ mình đi uống rượu nữa. Hàng ngày mình đòi vợ mua thuốc lá cho mình hút. Nhưng mỗi lần hút, mình thấy người ngứa ngáy khó chịu nên cứ dúi điếu thuốc đang cháy vào da thịt”. Nói rồi Re phanh trần chiếc áo sơ mi ra, nhiều vết sẹo lồi lõm trông rất đáng sợ. Vậy nhưng khi đến với gia đình anh Phước, Re trở nên hiền lành, chăm chỉ và biết nghe lời. Re bảo, mình giờ khỏe nhiều rồi, gần hết điên rồi, muốn về với vợ để cùng với nó chăm sóc các con.

Tại đại gia đình anh Phước còn có Phạm Chí Nghĩa. Anh Phước bảo, Nghĩa là người rất đặc biệt, chơi ghi-ta và hát rất hay. Từ ngày về ở với anh, Nghĩa sáng tác được 6 bài hát ca ngợi về vẻ đẹp của sông Đà, ca ngợi mảnh đất Pleiku hiền hòa, đặc biệt có bài nói về công ơn cha, mẹ rất xúc động.

Tôi hỏi quê Nghĩa ở đâu, khi thì Nghĩa bảo quê ở Thái Bình có đồng lúa mượt mà cò bay thẳng cánh; khi bảo quê ở tận Kiên Giang xa lắm; lúc lại bảo ở TP.Quy Nhơn rồi ở Q.5, TP.HCM xa hoa tráng lệ… Anh Phước đỡ lời: “Nó không biết quê quán đâu. Hồi đầu năm, tôi gặp nó lang thang ở khu vực Biển Hồ, thấy tội quá nên mang về nuôi”.

Rồi anh Phước cho biết trước đây Nghĩa lang thang xin ăn ở TP.Nha Trang nhưng không ai cho vì họ không biết Nghĩa điên do bề ngoài khỏe mạnh. “Bí” quá Nghĩa xin khách du lịch nước ngoài bằng… tiếng Anh. Có người cho 20 đô la. Tôi hỏi sao Nghĩa biết tiếng Anh? Nghĩa bảo, mình là sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn khóa 1988 - 1990, học được hơn một năm thì thấy đầu đau như búa bổ, các con chữ, con số cứ ẩn hiện trong đầu. Mỗi lần như thế lại đi lang thang. Đi miết rồi đến với anh Phước đây. Giờ mình không muốn đi đâu nữa, muốn ở với anh Phước, chị Hạc thôi.

Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của vợ chồng anh Tư Phước nằm lọt thỏm trong một con hẻm gồ ghề bụi đất. Dưới bếp, bày la liệt xoong, nồi mà đa phần là loại lớn. Đó là một phần không thể thiếu trong việc chăm sóc những bệnh nhân tâm thần mà anh chị đang nuôi dưỡng. Bên ngoài, chiếc ô-tô tải nhỏ và 5 sào cà phê là nguồn kinh tế nuôi nấng cả gia đình. Trồng cà phê lúc được lúc mất, trang trải nuôi cả nhà đã khó khăn, lại còn phải san sẻ cho gần 20 miệng ăn là người dưng nước lã, lại thêm khó bội phần. Có lẽ vì thế, nhiều người gọi anh là Phước “khùng”.

Ban đầu tất cả những người xung quanh xa lánh anh, một phần vì thấy anh khác người, phần khác họ sợ những người điên gây rối, thậm chí có thể bị đâm chết. Nhưng sau một thời gian, những người tâm thần vốn bẩn thỉu, hung dữ cũng trở nên sạch sẽ, hiền lành, biết nghe lời khi ở với anh mọi người mới có cái nhìn khác.

Chị Huỳnh Thị Hạc, là vợ anh Phước, cũng chia sẻ: “Lúc đầu mình cũng rất sợ khi chồng tự dung dắt người điên về nhà ở. Nhưng dần dần thấy họ hiền mình cũng có tình cảm rồi lao vào phụ giúp chồng. Hàng ngày mình nấu cơn nước cho họ ăn. Lúc mình có tiền thì cho họ ăn nhiều lên một chút, còn lúc khó khăn thì bớt lại một ít. Mình muốn đen lại cái tinh thần để họ bớt bệnh rồi về hòa nhập với cộng đồng, gia đình của họ”.

Để dễ chăm sóc 18 bệnh nhân, gia đình anh đã vạy mượn, mua trả chậm vật liệu để xây ngôi nhà 100m2 trên vườn cà phê. Hàng ngày anh trực tiếp chăm sóc và giặt dũ quần áo cho họ, còn vợ lo cơm nước. Chị Hạc cho biết thêm: "Hơn 10 năm qua đã có 5 người khỏi bệnh được gia đình đón về, trong đó có 2 trường hợp được người nhà nhận ra sau nhiều năm lưu lạc”.

Biết gia đình anh Phước làm phước nên ngày càng có nhiều gia đình đem con đến gửi. Để đáp ứng “nhu cầu” chỗ ăn, chỗ ở, gia đình anh lại phải chạy vạy, mua chịu vật liệu để làm thêm nhà vệ sinh, nhà ăn, lát lại nền nhà cho sạch sẽ. Ngoài những lúc đàn, ca hát cho nhau nghe, 18 người ở đây chưa có thêm “món” gì để giải trí, anh Phước đã mua một chiếc ti vi 17 inch để họ xem.

Càng ở với anh Phước, những người tâm thần càng trở nên hiền lành và dần dần hồi phục. Điển hình như Siu Sơ, dân tộc J’rai, làng Lúc Riêng, xã Al Bá, huyện Chư Sê. Trước đây Sơ bị bệnh điên nặng, thường bắt trộm gà, lợn ăn sống. Xã huy động nhiều thanh niên đuổi đi khỏi làng. Sau 2 ngày chạy trốn trong rừng, đói quá Sơ mò về và bị bắt. 5 năm bị xích trong rừng nên chân tay của Sơ chằng chịt vết sẹo. Nghe tin, anh Phước mang xe đến chở Sơ về. Khi anh đến nơi, Sơ gầm lên như con thú, đòi cắn xé anh. Dân làng giúp đưa Sơ lên xe bằng 4 sợi xích. Sau hơn 3 năm ở với anh Phước, Sơ đã hiền hơn.

Anh Phước cho biết để nuôi 18 người điên, mỗi ngày cần 10 kg gạo, 18 gói mì tôm, chưa kể thức ăn, chất đốt và nhu yếu phẩm khác như thuốc men, áo quần, điện sinh hoạt... Mỗi tháng anh Phước chi tiêu ít nhất 12 triệu đồng, trong khi cả gia đình với 5 nhân khẩu cũng chỉ trông chờ vào chiếc xe tải hơn 3 tấn mà anh vẫn chở thuê hàng cho người ta và cay cuốc trên 5 sào cà phê.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Gia Lai, cho biết: “Tôi nghĩ trong xã hội không nhiều người làm được việc như anh Phước. Bởi vì làm việc này phải có tấm lòng, có cái tâm đối với người bệnh thì mới có thể làm được”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước