'Mong có cầu mới cho tụi nhỏ đi học an toàn hơn'

Theo Dân trí-Thứ ba, ngày 27/10/2015 06:47 GMT+7

VTV.vn - Đó là mong mỏi và là niềm mơ ước của lãnh đạo chính quyền địa phương, người dân và các em học sinh ở xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành, Sóc Trăng).

Xã Hồ Đắc Kiện có hệ thống kênh rạch chằng chịt nên số lượng cầu tạm trên địa bàn xã đến nay vẫn còn khá nhiều. Điều đáng nói là vẫn còn không ít các cây cầu đang xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn cho việc đi lại của bà con nhân dân địa phương, đặc biệt là các em học sinh. Trong số các cây cầu đang “kêu cứu” thì cây cầu Kênh Gòn bắc qua kênh Gòn nối 2 ấp Đắc Thắng và Đắc Lực do người dân đóng góp xây dựng cách đây cả chục năm, nay đã xuống cấp trầm trọng.

Có mặt ghi nhận tại cầu Kênh Gòn, chiếc cầu cũ kỹ dài khoảng 25m, rộng 1,5m, dù cầu được làm bằng xi măng nhưng đã nhiều lần sửa chữa một cách tạm bợ nên chẳng được chắc chắn cho lắm. Trong đó, nhịp giữa hầu như bị hư hại, chỉ được lót tạm bằng mấy tấm đan nhỏ với chỗ hụt, chỗ gãy, chỗ thấp, chỗ cao nên mỗi khi có người đi hoặc xe chạy qua thì cầu lại “kêu” lên rầm rập, cả một đoạn rung lắc khiến ai cũng lo sợ. Chiếc cầu lại khá cao nhưng chẳng có lan can nên trông càng “mỏng manh” hơn.

Ông Nguyễn Việt Khởi (người dân ở ấp Đắc Lực) cho biết: “Cây cầu này ban đầu làm bằng cây do người dân đóng góp. Về sau cầu bị hư hỏng, bà con chúng tôi đóng góp kẻ ít người nhiều để xây bằng xi măng cho kiên cố nhưng do người dân không am hiểu về kỹ thuật xây dựng nên việc thi công cầu không bài bản, không thiết kế gì nên chỉ sau một thời gian cầu bị xuống cấp thì chúng tôi lại tu sửa theo kiểu chắp vá  nhưng bây giờ cầu hư quá nhiều, không thể chắp vá được nữa nên đành để vậy đi tạm”. Theo ông Khởi, cầu có độ dốc cao, chiều ngang hẹp, mặt cầu xuất hiện nhiều lỗ thủng, không có lan can nên nhiều người và phương tiện giao thông khi qua cầu đã bị rơi cả người và phương tiện xuống sông.

Bà Hứa Thị Tư (ngụ ấp Đắc Thắng) kể: “Nhà tui ở gần cầu nên hàng ngày luôn chứng kiến nhiều người chạy xe qua cầu rất nguy hiểm khi dốc cầu cao, lòng cầu nhỏ lại không có lan can bảo vệ. Có lần có hai người chạy xe từ hai đầu cầu cùng lên cầu một lúc nhưng cầu nhỏ không thể chạy qua, cũng không thể lùi lại nên xuống xe lách để đi, ai ngờ cầu chật nên cả hai lúng túng, người và xe cùng rơi xuống sông, may mà có người phát hiện chạy xuống kéo lên kịp”.

Bà Tư nói, người dân địa phương lo nhất là các em học sinh mỗi khi đi qua cầu. Do trường học cách nhà 1, 2 km nên nhiều em đến trường bằng xe đạp và phải dắt bộ qua cầu chứ chẳng em nào dám đạp qua vì sợ té. “Có bữa trời mưa, cầu trơn có em dắt xe đến giữa cầu, lóng ngóng thế nào rồi cả người và xe ùm xuống sông. Bà con phát hiện kịp nên cứu được em lên bờ chứ nếu không thì không biết hậu quả xấu thế nào rồi” - bà Tư chia sẻ.

Không riêng gì bà Tư mà nhiều người dân sống trên tuyến đường đi qua cầu Kênh Gòn đều mong mỏi có một cây cầu mới bê tông chắc chắn hơn, có lan can, để các em học sinh qua lại một cách thuận lợi, an toàn để không ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Có cây cầu mới, bà con, cha mẹ các em học sinh cũng an tâm đi lại làm ăn, không phải lo lắng đến “sinh mạng” của con em mình mỗi khi đi qua cây cầu cũ nữa.

Em học sinh tên Nguyễn Văn Thành nói: “Hàng ngày đi học, mỗi khi đến cầu tụi em phải xuống xe dẫn bộ qua cầu nhưng sợ tái mặt vì cầu hư nhiều quá lại không có lan can nên càng sợ hơn. Tụi em mong sao cây cầu này sớm được xây dựng để tụi em đến trường yên tâm hơn”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện - cho biết, tuyến đường có cầu Kênh Gòn bắc qua là một tuyến đường huyết mạch nối xã với các địa phương khác như huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang)…nên lưu lượng người xe đi qua thường rất đông. Cây cầu Kênh Gòn nối giữa ấp Đắc Lực và Đắc Thắng của xã hiện là cây cầu xuống cấp nghiêm trọng nhất từ nhiều năm qua, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm nhất. Bởi dọc hai bên cầu có hàng trăm hộ dân sinh sống và số lượng học sinh cũng không ít, hàng ngày phải đi qua cây cầu cũ trong tâm trạng rất lo lắng.

“Chính quyền địa phương hiểu được nỗi lo lắng của bà con và các em học sinh địa phương. Tuy nhiên, để xây cầu mới thay cầu cũ thì cần phải có một khoản kinh phí khá lớn. Trong khi đó, xã lại khó khăn, kinh phí vì thế cũng hạn hẹp nên việc xây cầu mới là ngoài khả năng của xã. Hiện chính quyền địa phương và người dân rất cần có cây cầu mới để đi lại an toàn nên chúng tôi rất mong các mạnh thường quân chia sẻ, hỗ trợ để chúng tôi có điều kiện xây cầu mới đáp ứng nguyện vọng đi lại của bà con nơi đây” - ông Mỹ bày tỏ.

Ông Sơn Pô - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, mong mỏi: “Xã Hồ Đắc Kiện là xã vùng căn cứ kháng chiến, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, chưa đồng bộ, cầu Kênh Gòn đã xuống cấp nhưng vẫn phải sử dụng đã gây không ít lo lắng cho người dân địa phương. Chúng tôi rất mong có nhà hảo tâm tài trợ cho bà con có cây cầu mới, chính quyền và bà con địa phương sẽ mừng lắm”.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước