Nghề dệt Zèng truyền thống: Niềm hi vọng thoát nghèo

Phan Hương (Ảnh khai thác)-Thứ năm, ngày 09/05/2013 07:16 GMT+7

 Nghề dệt Zèng, dân tộc Tà Ôi, A Lưới được khôi phục không chỉ giúp nhiều người dân thoát nghèo mà còn làm sống lại một nét văn hóa rất riêng của vùng núi Thừa Thiên Huế.

Chị Hồ Thị Hoa, A Roàng, A Lưới, Thừa Thiên Huế đã có thâm niên hơn 15 năm làm nghề. Từ 5 tuổi đã quen với hình ảnh mẹ ngồi dệt vải nên chỉ 14 tuổi, chị Hoa đã khá thuần thục với công việc dệt Zèng.

Chị Hoa chia sẻ: “Tôi mong nghề mãi mãi được lưu truyền, được nhiều người biết đến, lúc đó có thể bán được sản phẩm truyền thống của mình”.

Dệt Zèng là nghề thủ công truyền thống lâu đời của người dân Tà Ôi cư ngụ ở vùng cao A Lưới. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài không đẩy mạnh phát triển và duy trì nghề dệt Zèng đã dần bị mai một. Một bộ phận người dân A Lưới vẫn giữ phong tục sử dụng sản phẩm dệt Zèng như áo, khố, khăn, tấm treo, gùi…nhưng chỉ phục vụ cho bản thân và gia đình.

Để khôi phục một nét văn hóa vùng cao và đưa dệt Zèng thành một sinh kế giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc, Dự án phát triển du lịch Mê Kông Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Công ty Ella Viet, tiến hành các hoạt động tư vấn thiết kế mẫu theo nhu cầu thị trường, hướng dẫn thợ dệt tiếp cận với các chất liệu, kỹ thuật để nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm.

Với các mẫu mã đa dạng như: Túi xách, ví, gối, khăn đến trang phục cùng cách phối màu hài hòa khiến các sản phẩm từ dệt Zèng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Thị trường của sản phẩm ngày càng được mở rộng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Tư vấn thiết kế cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng giữ lại màu sắc, hoa văn để các sản phẩm giữ được bản sắc truyền thống. Các sản phẩm được dùng sợi làm bằng tre và nhuộm gần như thủ công để tạo màu sắc đỏ chu, đen chàm ngày xưa và hoàn toàn không dùng màu công nghiệp. Các sản phẩm mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ lại bản sắc dân tộc”.

Nét độc đáo và riêng biệt của dệt Zèng là người dệt sẽ đưa cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt chứ không đính kết lên, cách tạo hoa văn duy nhất bằng cườm, không tạo hoa văn bằng chỉ màu như các nơi khác người ta dệt thổ cẩm.

‘Sản phẩm trên chất liệu truyền thống đã được hiện đại hóa.

Không chỉ tạo nên một nét văn hóa riêng của vùng núi và nằm trong chuỗi sản phẩm độc đáo cho du lịch A Lưới... dệt Zèng còn là một phương thức giúp bà con dân tộc thoát nghèo hiệu quả, với thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng /tháng.

Hiện ở A Lưới đã có 3 tổ hợp dệt Zèng được thành lập ở các xã Phú Vinh, A Đớt và thị trấn A Lưới, với gần 100 phụ nữ tham gia; ngoài ra nhiều gia đình khác cũng đã trở lại với việc dệt vải và từ là nghề truyền thống của dân tộc Tà Ôi. Đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy trên địa bàn A Lưới cũng đang học hỏi, phát triển nghề Dệt Zèng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước