Nghị lực phi thường của đôi vợ chồng tật nguyền cao chưa tới 70 cm

Văn Quân-Thứ bảy, ngày 30/11/2013 06:42 GMT+7

 Cao 70cm với đôi chân gần như bị liệt hoàn toàn, cứ tưởng, cuộc đời của Trần Văn Tưởng (thôn Gia Khánh, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) sẽ hoàn toàn chìm vào nỗi bi quan và tuyệt vọng.

Nhưng rồi cũng từ chính đôi bàn chân tật nguyền ấy, em đã vươn lên, xây dựng cuộc đời với nghị lực của một con người luôn cháy bỏng khát khao: “phải sống”

‘ Gia đình hạnh phúc của đôi vợ chồng tật nguyền

Khát vọng sống

Chúng tôi đến thăm gia đình Trần Văn Tưởng và An Thị Kim Tiền khi mùa đang chớm lạnh. Vừa cà nhắc trải lại chiếc chiếu mời khách ngồi, Tưởng vừa tâm sự, sáng nay em cùng vợ dậy từ lúc 5h, cố gắng hoàn thành công việc đan thêu để kịp giao hàng những ngày cuối năm. Cả hai vợ chồng nếu chịu khó đan thêu thì một ngày cũng được khoảng 40.000 đồng tiền công, Tưởng cho biết.

Theo như tâm sự của chàng trai sinh năm 1987 này, em đã bị tàn tật ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Bố mẹ Tưởng được coi là “bần cố nông” của làng Gia Khánh. “Bố mẹ em sinh được ba người con, hai trai một gái. Em là con út. Hai anh chị đầu bình thường như bao người khác. Chỉ có em sinh ra, theo như mẹ em kể lại thì lúc đi tắm cho em lần đầu tiên, mẹ em đã thấy đôi chân em có cái gì khác thường. Đến lần thứ hai, thấy đôi chân của con từ gầy tong teo, mềm nhũn, hoảng quá bố mẹ em đưa đi khám thì được các bác sĩ chẩn đoán bị vôi xương và đôi chân đã bị gãy từ trong bào thai”. Cũng theo như hồi ức của em, khi biết con mình mang bệnh tật, căn nhà nghèo nàn của gia đình Tưởng, vốn không có gì lại càng trống trơn bởi những gì có thể quy thành tiền, đều được bố mẹ bán đi để lấy tiền chữa bệnh cho em.

“Nhưng cũng không có kết quả anh ạ. Chạy chữa bao năm thì em vẫn như một người bị liệt, cơ thể cũng chẳng phát triển được. Các bác sĩ cũng bảo thẳng, tiền chữa bệnh, thà về mua những thức ăn bổ dưỡng, giàu canxi có khi còn có tác dụng hay hơn là đi chữa bệnh như thế này”. Tưởng cũng bảo, tuy tàn tật nhưng ngay từ nhỏ, em đã là một người ham học và học giỏi. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, em chỉ học được đến lớp 6 nhưng đó là 6 năm của cậu học trò xuất sắc trường cấp 1 Nguyễn Trãi. Ngày nào, bố mẹ em cũng thay nhau cõng em đi học. Ròng rã sáu năm trời, mùa hè nóng nực cũng như những ngày đông lạnh giá của xứ Bắc, đôi khi, nhìn đôi chân đỏ sưng lên trong giá lạnh của mẹ, em đã bất lực nằm khóc trên lưng mẹ mà không có cách gì có thể sẻ chia được.

“Năm em học lớp 6, đợt ấy lụt, đê sông Nhuệ nước tràn vào, mẹ cõng em đi học chẳng may đường trơn, cả hai mẹ con cùng ngã xuống ruộng. Mẹ em bị gãy chân và tự nhiên, lúc ấy em cũng không muốn đi học nữa bởi quả thực, mình đã làm khổ mọi người trong gia đình quá nhiều”. Tưởng bảo, quyết định nghỉ học nhưng khát vọng vươn lên, tự đi bằng đôi chân của mình luôn hiện hữu trong em. “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” là câu nói cho đến bây giờ, chàng trai Trần Văn Tưởng luôn nhắc nhớ như một kim chỉ nam trong mọi hành động và việc làm. Ở nhà với bố mẹ một thời gian thì Tưởng được một người bạn “mách” cho, trên Thanh Trì vừa xây dựng một trung tâm dành cho người khuyết tật. Trung tâm là mái nhà cho những mảnh đời bất hạnh do một người phụ nữ giàu từ tâm gây dựng và làm chủ. Đó, có thể cảnh cửa mở ra một hướng đi mới cho những người có số phận không may mắn.

Nghe bạn nói vậy, sau một đêm suy nghĩ, ngay ngày hôm sau em đã xin phép được ngồi thưa chuyện với bố mẹ. Ban đầu bố mẹ Tưởng không cho em đi. Người phụ nữ ấy đã ôm lấy đứa con trai mà bảo rằng, đói no kiểu gì, còn sống mẹ vẫn còn cưu mang con, đây vẫn là gia đình của con. Nghe mẹ bảo vậy, Tưởng đã cười rất tươi mà bảo: “Con ở nhà cũng chỉ là gánh nặng cho bố mẹ thôi. Mẹ cứ để con lên đấy con tự tìm hướng đi cho cuộc đời mình, nếu không thành công còn lại về “ăn bám” mẹ. Từ đây lên đó cũng chỉ hơn 20km thôi, mẹ không phải lo lắng gì cho con cả”. Lúc ấy, mẹ mới đồng ý để em lên trung tâm từ thiện Quỳnh Hoa. Ngày ấy, Tưởng hai mươi tuổi và hôm em lũn cũn xách ba lô tạm biệt quê nhà, nhiều người dân đã cảm động, không cầm được nước mắt.

‘ Lạc quan xây dựng tương lai mới

Hạnh phúc nảy mầm

Trần Văn Tưởng cao khoảng 70cm, hai mươi năm trời hầu như chỉ di chuyển bằng cách “bò” bằng cả tay cả chân, khả năng lao động còn khoảng 30%.. Nhưng ngay từ khi tiếp xúc, tôi đọc được một khát vọng sống và nghị lực hiếm có của “chú lùn” này. Hiếm khi thấy em nói những điều tuyệt vọng. “Thực ra hồi nhỏ, khi bắt đầu biết nhận thức, em đã rất tuyệt vọng. Nhìn cái hoàn cảnh cơ cực của mình như thế này, nhiều khi cũng chẳng muốn sống nữa cơ. Nhưng nghĩ cho cùng, ở đời, sống được mới khó chứ chết thì dễ vô cùng anh ạ. Chỉ có điều, mình phải lựa chọn một cuộc sống làm sao, phù hợp vớ hoàn cảnh rất đặc thù như mình mà thôi”.

Và cũng chính bởi suy nghĩ ấy mà ở trung tâm từ thiện Quỳnh Hoa, Tưởng đã tự rèn luyện đôi chân hàng ngày và một thời gian sau, em đã nhúc nhắc những bước chân đầu tiên. Dù rằng chỉ đi được khoảng 10m nhưng đó là cả một sự thay đổi lớn đối với cuộc đời em. Ngồi nói chuyện, “chàng trai tí hon” này ngoài nghị lực vươn lên còn là một người thông minh và… ưa hài hước. Tưởng bảo, khi quyết định lên trung tâm Quỳnh Hoa, em biết mình sẽ được sống trong một tổ chức, có điều kiện sống một cuộc sống tập thể, được tiếp xúc và giao lưu để mở rộng hiểu biết, được học nghề… nhưng có một cái “được” mà em không ngờ có là có… vợ. Nhìn sang người vợ đang cặm cụi ngồi thêu, cũng chung một số phận tàn tật như mình, Tưởng nhiệt tình nói về mái ấm gia đình. An Thị Kim Tiền, cô gái sinh năm 1990 vốn quê gốc Thanh Trì. Cũng giống Tưởng, Tiền bị tàn tật từ khi còn ở trong bụng mẹ. Tiền bảo em bị tật nguyền từ khi lọt lòng mà các bác sỹ cũng không tìm được nguyên nhân chính.

“Các bác sỹ chỉ chẩn đoán em bị bệnh chân cong lưỡi liềm gắn với cột sống. Chữa trị cũng không khỏi anh ạ”. Tiền lên trung tâm từ thiện Quỳnh Hoa từ năm 2005, trước Tưởng một năm và nổi tiếng là cô gái giàu nghị lực cũng như chăm chỉ học thêu thùa may vá. “Khi gặp cô ấy lần đầu em đã bị “sét đánh” anh ạ” – Tưởng dí dỏm nhớ lại.

Và rồi em cũng phân bua thêm rằng, đã được sống trên đời, thì tình yêu là một món quà vô giá mà thượng đế đã ban tặng cho con người. Dù người tàn tật hay người bình thường, có trái tim thì sẽ biết rung động. “Hỡi cô em gái áo hồng/Có về Gia Khánh quê anh thì về/Quê anh có gốc bồ đề/Có sông tắm mát có nghề thêu hoa…”. 5 năm trôi qua nhưng Tưởng vẫn nhớ như in bài thơ mình sáng tác và ngỏ lời cầu hôn. Gia đình hai bên cũng ái ngại cho hai em nhưng Tưởng bảo, công lao vun vén và xây dựng không thể không nhắc tới bà Quỳnh Hoa (phụ trách trung tâm từ thiện Quỳnh Hoa). Người đã tác thành cho hai đứa và cũng là người về tận gia đình của hai em để “làm công tác tư tưởng” cho gia đình.

Và rồi năm 2008, Tưởng – Tiền xây dựng gia đình. Đám cưới của “chú rể tí hon” chỉ đến thắt lưng vợ lôi cuốn nhiều người đến dự. Người ta tò mò cũng có nhưng cơ bản, nhiều người đến sẻ chia và động viên số phận hai con người không may mắn nhưng đã biết tự vươn lên. Hạnh phúc đã mỉm cười với đôi vợ chồng tật nguyền khi năm sau, Tiền sinh đứa con trai đầu lòng xinh xắn khỏe mạnh. “Trước bọn em thường xuyên ở trung tâm để đan thêu kiếm thêm thu nhập nhưng giờ có con cái, em chuyển về quê ở cho tiện anh ạ. Có thời gian chăm sóc con và cháu cũng đã phải đi học mẫu giáo rồi”. Hai vợ chồng xin ở tạm ngôi nhà bỏ không của ông chú, bé như một cái tổ chim. Ngày ngày, Tiền nhận hàng về thêu gia công và Tưởng phụ giúp vợ. Cố gắng, cũng có 50.000 đồng một ngày trang trải. “Ông bà nội ngoại đều khó khăn, mình phải tự lập thôi anh. Có nhiều dùng nhiều, có ít dùng ít, quan trọng là mình biết đủ, anh ạ”.

Suốt buổi nói chuyện, Tưởng luôn thể hiện cho khách biết mình là người lạc quan và không đầu hàng số phận. Nhưng khi chia tay, khi tôi hỏi về chế độ dành cho người tàn tật vợ chồng có được hưởng không thì Tưởng thoáng buồn. Em bảo, em cũng đã đi giám định, cũng đã làm đơn gửi lên xã lên huyện, nhưng lâu lắm rồi, chẳng có một tín hiệu gì hồi âm lại.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước