Người chắp cánh ước mơ cho trẻ khuyết tật.

Theo asvho.org.vn-Thứ bảy, ngày 05/01/2013 12:00 GMT+7

Chị Thủy là 1 trong 4 nhà giáo của tỉnh Quảng Ngãi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (chị Thủy đứng thứ 2 nhìn từ phải sang)

 Đã 32 năm công tác trong ngành giáo dục, bước ngoặt lớn trong sự nghiệp “trồng người” của chị Trần Thị Thu Thủy (Quảng Ngãi) chính là chuyển từ giáo viên dạy Toán, Lý sang dạy học cho trẻ khuyết tật.

Hết lòng vì học trò khuyết tật

Nhìn cơ ngơi khang trang của Trường dạy trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi hôm nay, chị Thủy bồi hồi nhớ lại: “Trước đây tôi từng là giáo viên dạy môn Toán, Lý, sau đó tham gia làm Tổng phụ trách công tác Đội, rồi đảm nhận cương vị Phó Hiệu trưởng của một trường công lập. Năm 2006, tôi quyết định chuyển công tác về Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi. Những tưởng qua bao thăng trầm, kỷ niệm của một quãng thời gian hơn 20 năm làm cô giáo của một trường THCS, tôi sẽ không thể “dứt” ra để rồi chuyển sang một đơn vị mới. Gia đình và đồng nghiệp tôi khi ấy ai cũng tiếc khi tôi đến công tác ở ngôi trường học sinh vẫn phải học nhờ trong trường THPT Dân tộc nội trú Quảng Ngãi, nhưng tôi vẫn không thay đổi ý định của mình”.

Bắt đầu làm quen với môi trường mới, lắm lúc chị Thủy tưởng mình sẽ không thể vượt qua. Nhưng hình ảnh đáng thương của những học trò khuyết tật luôn hiển hiện trong tâm trí, để rồi chị xốc lại tinh thần, tiếp tục gắn bó cùng những đứa trẻ thiệt thòi. Để hiểu hơn về cuộc sống của học trò, chị Thủy luôn tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh của từng em, rồi ghi lại cẩn thận, chi tiết, với mục đích đưa ra những phương pháp dạy học, hỗ trợ phù hợp nhất. Ngoài ra, chị và các cộng sự còn tạo điều kiện thuận lợi nhất, giúp các em được tiếp cận với văn hóa, giáo dục, được học ngôn ngữ ký hiệu, kỹ năng sống, tập đọc và viết chữ Braille…

Dần tháo gỡ khó khăn trong những ngày đầu công tác ở ngôi trường mới, chị Thủy cố gắng cho duy trì hai lớp dạy trẻ khuyết tật. Sau một năm, số học sinh khuyết tật đến xin học đông hơn, chị Thủy đã cho thành lập thêm 2 lớp. Cho đến nay, sau 6 năm đảm nhận cương vị Phó Hiệu trưởng, chị Thủy và những học trò đặc biệt đã có “ngôi nhà” mới, không còn phải đi dạy, học nhờ, số lớp cũng tăng lên 9 lớp học, với hơn 100 học trò khuyết tật.

Hầu hết học trò của chị Thủy đều sinh ra trong gia cảnh nghèo khó. Cảm thấy không thể khoanh tay đứng nhìn các em phải thiếu thốn, đói khổ; chị Thủy quyết định “vực” đời sống các em dậy bằng chính đồng lương giáo viên ít ỏi của mình, rồi lặn lội đến gõ cửa các cơ quan, doanh nghiệp, vận động bạn bè, các mạnh thường quân xin hỗ trợ gạo, đường, sữa, thực phẩm, may đồng phục cho các em. Không ít lần chị phải ngậm ngùi, gạt ước mắt ra về khi không nhận được sự giúp đỡ của mọi người, thậm chí có lần còn bị từ chối một cách thô lỗ, thậm chí xua đuổi... Thế nhưng bỏ qua tất cả, với tình yêu thương, nhiệt huyết chăm lo cho học trò, chị Thủy vẫn nhẫn nại, quyết tâm đi trên con đường lắm chông gai này.

Chắp cánh ước mơ

Không chỉ tận tâm, tận lực với học trò khuyết tật, chị Thủy còn sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu để trực tiếp tập huấn cho các giáo viên tiểu học, mầm non, các Trung tâm dạy trẻ khuyết tật, nhằm nâng cao nhận thức ở cộng đồng, hỗ trợ trẻ khuyết tật có điều kiện phục hồi chức năng, hòa nhập cùng xã hội.

Ngoài công tác chăm sóc, quản lý tại Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi, chị Thủy luôn trăn trở làm sao giúp cho trẻ khuyết tật có cơ hội thực hiện những ước mơ, nguyện vọng của các em. Chính điều đó đã khích lệ chị Thủy viết thành công hai đề tài “Chắp cánh ước mơ” và “Nâng cao trong cộng đồng hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập tại địa phương”. Đây là hai đề tài thuộc dự án “Giáo dục Tiểu học cho trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn” đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo đánh giá rất cao trong hai năm 2007 - 2008. Khao khát đưa tất cả những mong muốn, suy nghĩ viết ra trong hai đề tài được hiện thực hóa, chị Thủy đã lên kế hoạch triển khai để sớm áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Để động viên học trò khuyết tật mạnh dạn tham gia sinh hoạt tập thể, chị Thủy đã thành lập các đội chơi bóng bàn, cờ vua, cầu lông, bóng chuyền, vừa giúp các em rèn luyện sức khỏe, vừa để các em có thêm tự tin. Chị nở nụ cười viên mãn khi kể về bộ sưu tập hàng trăm bộ Huy chương mà học trò của chị đã giành được trong các cuộc thi thể thao dành cho học sinh khuyết tật, và thành tích gần đây nhất là Giải Ba toàn đoàn, với 6 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, Đồng ở các bộ môn cờ vua, bóng bàn và cầu lông tại Hội thao học sinh khuyết tật toàn quốc.

Hơn ba chục năm dạy dỗ cho hàng nghìn học sinh, trong đó quãng thời gian 6 năm gắn bó với học trò khuyết tật, nhiều em đã có cơ hội hòa nhập cộng đồng, tự lập cuộc sống và trở thành chỗ dựa cho gia đình, với chị Thủy đó là niềm vui lớn lao nhất. Chị Thủy bộc bạch: “Bằng tình thương yêu những số phận thiệt thòi ấy, tôi luôn cố gắng dành tất cả những điều tốt đẹp nhất bù đắp cho các em. Tôi sẽ nỗ lực hết mình để chắp cánh cho ước mơ, hoài bão của các em trở thành hiện thực, cho dù để làm được điều đó, tôi biết mình sẽ phải vượt qua không ít rào cản để “trụ” với một nghề lắm nhọc nhằn”.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước