Người đàn bà mơ ước được... cắt bỏ chân

-Thứ năm, ngày 16/01/2014 17:00 GMT+7

Bà con chòm xóm đang tất bật chuẩn bị mua sắm mọi thứ,…ăn tết, chỉ có bà Trưởng là không “ngó ngàng” đến tết. Bà chỉ mong có ít tiền, đi cắt cái chân để đi bán vé số nuôi đứa con trai mù và 4 đứa cháu ngoại “không cha, không mẹ” đáng thương.

Tình cảnh ngặt nghèo nêu trên là gia cảnh khốn khó của bà Hồ Thị Trưởng (1958) ngụ ấp Ngã Năm, xã Ngọc Thành, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Ngày chúng tôi đến thăm, bà Trưởng và đứa con trai 38 tuổi bị mù từ nhỏ là anh Hồ Văn Sĩ khóc ròng. Bà Trưởng nắm tay chúng tôi mong ước có ít tiền để đi cắt cái chân, chứ không nói gì đến chuyện mua bánh kẹo, cân thịt,…chuẩn bị cho cả nhà ăn tết.

5 năm rồi bà cháu tôi không ăn tết

Từ khi chồng bà mất cách đây hơn 30 năm, một mình bà Trưởng tần tảo nuôi hai đứa con “không giống ai”: đứa con trai lớn là anh Hồ Văn Sĩ bị mù ngay từ nhỏ và đến nay đã 38 tuổi đầu nhưng ngọng nghịu như đứa trẻ lên 3. Con gái út Hồ Thị Minh (36 tuổi) thì tâm trí không bình thường ngay từ nhỏ. Khi chị Minh trưởng thành, chị hay bỏ nhà đi hoang rồi lần lượt bị kẻ xấu lợi dụng, quan hệ sinh ra 4 đứa con mà đến nay tụi nhỏ chẳng biết mặt cha chúng nó là ai.

Bà Trưởng nhấc cái chân trái đang bị sưng phù qua một bên để móm cháo cho bé Hồ Quốc Thịnh – đứa con nhỏ nhất mà chị Minh mới giao cho bà Trưởng được 12 tháng nay, bà Trưởng kể: “Chẳng biết nó đi đâu và làm gì, khoảng 2 -3 năm con Minh nó bế về cho tôi đứa con đỏ hỏn rồi tiếp tục bỏ đi. Tôi đi làm thuê, làm đủ thứ nghề để nuôi con, nuôi cháu; đứa lớn vừa cứng cáp, con Minh tiếp tục mang về cho tôi đứa con đỏ hỏn nữa,…Cứ thế nó giao cho tôi 4 đứa con, thằng Thịnh này là đứa thứ 4, và nó cũng như các anh chị lớn đều không biết cha chúng nó là ai cả!"

‘ Bà Trưởng là chỗ dựa duy nhất cho 4 đứa trẻ thơ dại này

Thương con, thương cháu, dù vất vả thế nào, bà Trưởng làm ngày làm đêm đủ mọi việc để kiếm tiền đong gạo, lo cho cháu no bụng và học hành. Tuy nhiên với hoàn cảnh “một con bới, 5 con mổ” thì không có cách nào no đủ. Bà con, chính quyền địa phương không thể giúp “trường kỳ”, vì thế có khi, bà cháu luộc khoai lang ăn thay cơm hoặc có ít tiền thì mua mì, ăn độn với rau cho qua ngày. Nhưng khổ nhất là những lúc các cháu nhỏ đổ bệnh, bà Trưởng không đi làm được, gia cảnh càng khó khăn hơn.

Bà Hồ Thị Lành – chị ruột bà Trưởng cho biết: “Gia đình bà cháu nó đã quá khổ, vậy mà cách đây 5 năm, em Trưởng còn bị một thanh niên tông vào người phải đưa tới bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Các bác sĩ cho biết, chân trái bị gãy xương, dập mất xương nên cần phẫu thuật, ghép xương,… Số tiền lớn quá mà em Trưởng không có tiền, còn tôi cũng hộ nghèo, không tiếp giúp được gì nên Trưởng đã trốn viện về nhà, để vậy cho đến nay.”

Bà Trưởng cho biết, khoảng 6 tháng nay, ở phần bắp thịt khuỷu chân xuất hiện một mục bướu to bằng trái chanh, sau đó cứ to dần và đến nay khối bướu to bằng cái gáo múc nước, sưng bóng, bên trong lợn cợn như mủ và đau nhức dữ dội về đêm. Đặc biệt là hơn 2 tháng nay, số lần đau nhức tăng dần, suốt đêm bà Trưởng không thể chợp mắt được.

“Còn 2 tuần nữa là đến tết rồi, mỗi lần tết đến nhìn sắp nhỏ khao khát được mặc áo mới, ăn bánh mứt,…như các cháu trong xóm mà tôi đứt từng đoạn ruột. Những lúc đó, bà cháu tôi chỉ cắn răng mà chịu, ôm nhau khóc cho qua cái tết. Năm nay là cái tết thứ 5 rồi, tôi chỉ mong có ít tiền, đi cắt cái chân rồi về chống nạng đi bán vé. May ra, cái tết năm sau còn lo cho chúng nó ít bánh mứt mà đón tết. Chứ bệnh tình thế này, tôi không làm gì được, khổ mình và khổ cho chúng nó lắm chú ơi!” Bà Trưởng nước mắt giàn giụa, khiến những người đến thăm gia đình bà cũng bật khóc theo.

Hai cậu cháu mang xiềng xích đi bán vé số

Từ khi cái chân sưng to, buộc bà Trưởng phải ngồi một chỗ, anh Sĩ và cháu Duy Đăng (đứa con thứ 2 của chị Minh) – đang học lớp 4 dắt nhau qua chợ huyện Giồng Riềng bán vé số. Mỗi ngày hai cậu cháu Duy Đăng vượt hơn 13km mới đến chợ huyện Giồng Riêng để bán vé số, nếu đi về gần 30km. Do vậy, hôm nào đi bán buổi chiều, khoảng 22 giờ, hai cậu cháu mới lần mò về đến nhà. Vất vả cả ngày như thế, nhưng chỉ bán được từ 60 – 70 tờ vé số, lời khoảng 70.000 – 80.000 đồng.

Một hình ảnh làm chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa thấy xót xa khi hai cậu cháu Duy Đăng “gắn kết” với nhau bằng một sợi dây xích, khoá ở 2 khuỷu tay. Giải thích về điều này, bà Lành cũng như bà con ở xóm đều cho biết, do cháu Duy Đăng ham chơi nên nhiều lần đã bỏ anh Sĩ; anh Sĩ mù loà, tâm trí anh không được tĩnh táo nên mỗi khi bị cháu Đăng bỏ rơi thì anh không biết đường về nhà. Để cháu Đăng có “nhiệm vụ” dắt anh Sĩ về tới nhà nên bà Trưởng “khoá” hai cậu cháu bằng sợi dây xích, khi nào về đến nhà thì cháu Đăng tự động mở khoá ra. (buộc dây khác thì cháu Đăng cắt được - PV).

Ông Lê Hoàng Khấp – Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thành xác nhận: “Gia đình bà Trưởng là một hộ nghèo và đang rơi và cảnh bế tắc khi bà là lao động chính, không may bị tai nạn và hiện tại vết thương đã biến chứng thành một khối bướu sưng to, khiến bà không thể đi lại được. Đã vậy, quanh bà còn có đứa con trai mù và 4 đứa cháu ngoại (đứa lớn nhất 15 tuổi đi chăn vịt thuê - PV) nheo nhóc, đang trong tuổi ăn, tuổi học. Qua đây, rất mong bạn đọc Dân trí giúp cho bà Trưởng có tiền để chữa khỏi bệnh tình, giúp gia đình bà bước qua giai đoạn ngặt nghèo này".

Chúng tôi ra về, ba anh em cháu Duy Đăng lặng lẽ dẫn nhau ra trước hiên nhà ngồi chơi với mấy viên bi. Nhìn mắt mũi bé Quốc Thịnh tèm lem, trên mặt có nhiều mục ghẻ tróc rất tội nghiệp. Chúng tôi không thể hình dung được tương lai các cháu rồi sẽ ra sau khi “chỗ dựa” duy nhất là bà Trưởng nhưng cũng sắp “đổ ngã” nếu như không có tiền chữa trị kịp thời.





Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước