Người đàn ông không tay vẫn... bốc thuốc, làm thơ

Thu Kiên-Chủ nhật, ngày 24/03/2013 05:47 GMT+7

Đôi tay khuyết tật của ông Mô đã chữa bệnh cho nhiều người dân nghèo. (Ảnh: Internet)

 Mặc dù bị cụt đôi tay, nhưng ông Trần Đức Mô vẫn tích cực lao động sản xuất, bốc thuốc chữa bệnh và giúp đỡ cho nhiều người nghèo. Ngoài ra ông còn thường xuyên sáng tác thơ và viết truyện ngắn.

Hôm nào cũng vậy nhà ông Mô xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam luôn có khách trong và ngoài tỉnh đến để khám bệnh và cắt thuốc. Những người lần đầu tiên gặp ông đều ngỡ ngàng vì ông bị mất đôi tay nhưng vẫn làm việc như người bình thường. Làm nghề bốc thuốc, ông Mô tâm niệm, bốc thuốc là để cứu người chứ không phải là kế sinh nhai, do vậy những bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn đến bốc thuốc ông vừa bán vừa cho.

Hồi trẻ ông Mô thuộc tốp người thông minh, sáng dạ, có nhiều dự định ao ước, tiến thân trên con đường công danh, nhưng khi chiến tranh ông đã quyết định ra nhập quân ngũ bảo vệ Tổ quốc. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông lại tiếp tục đi học và sau này ra công tác tại trường Trung cấp Xây dựng Nam Định, tiếp đến là công ty Công nghệ thực phẩm Hà Nam Ninh. Nhưng rồi không may tai nạn đã ập đến với ông, khi ông đang xây nhà giúp người bạn bị điện giật và buộc ông phải cắt bỏ đi đôi tay của mình.

Người ta thường nói “giàu 2 con mắt khó đôi bàn tay” mất đi 2 canh tay ông Mô tưởng chừng như mất tất cả, nhiều lúc ông đã vô vọng nghĩ đến cái chết, nhưng nhìn người vợ ốm yếu và những đứa con thơ ông đã không khuất phục số phận.

‘ Ông Mô tự mình bốc thuốc chữa bệnh.

Những ngày ở nhà dưỡng bệnh, ông Mô đã tự mình tìm sách về Đông y để tìm hiểu và đi bộ đến những hiệu thuốc ở trong tỉnh để tham khảo những bài thuốc đã đọc từ sách vở. Khi đã nắm được khá nhiều kiến thức về Y học, ông Mô bắt đầu bốc thuốc thử. Những bài thuốc đầu tiên của ông Mô là ông tự bốc cho chính mình. Sau khi thấy kết quả chữa bệnh hiệu quả, mỗi lần những người thân trong nhà bị bệnh, ông lại đều tự tay bốc thuốc chữa trị. Những người hàng xóm láng giềng, khi bị mắc bệnh thông thường cũng tìm đến nhờ ông cắt thuốc. Một thời gian “tiếng lành đồn xa”, người dân trong xã rồi cả các tỉnh lân cận cũng về nhờ ông Mô khám chữa bệnh. Hiện nay, ông Mô đang là hội viên Hội Đông y Lý Nhân.

Bị mất hai bàn tay nhưng không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, hằng ngày ông Mô đều tự chăm sóc cho bản thân và mọi sinh hoạt gia đình ông đều tự lo liệu. Để bổ sung cho nguồn dược liệu của mình, ông còn tự tay trồng và chăm sóc vườn thuốc Nam tại nhà để giảm chi phí cho người bệnh và tặng cho người nghèo.

‘ Dù đôi tay đã bị cưa nhưng ông Mô viết chữ rất đẹp và sáng tác nhiều tập thơ, truyện ngắn được giải.

Đặc biệt, những lúc rãnh rỗi ông Mô vẫn thường xuyên sáng tác thơ và viết truyện ngắn. Không còn hai bàn tay, ông đã cầm bút bằng cách chụm hai khuỷu tay của mình lại để viết. Ban đầu là những nét chữ nguệch ngoạc nhưng ông cố gắng tập luyện để viết thành thạo. Trong suy nghĩ của ông làm thơ phải theo cảm xúc, chẳng thể nhờ ai chép hộ mình được nên phải luyện viết, lúc nào có hứng là ông lại lấy giấy bút ra ghi chép.

Năm 2000, ông Mô đã đoạt giải khuyến khích với truyện ngắn “Bến Lỡ”, do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam trao tặng. Cũng năm đó, với bút danh Từ Thiết Linh tập truyện ký "Tôi là công nhân" của ông đã đoạt giải nhất văn xuôi trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, do Liên đoàn Lao động và Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam tổ chức.

70 tuổi đời, 47 năm tuổi Đảng câu chuyện về cuộc đời không may mắn nhưng giàu ý chí của ông Mô đã giúp cho mọi người thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Với ông Mô, ông luôn nghĩ cuộc sống này không đơn giản cho riêng bản thân mình mà còn cho tất cả mọi người.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước