Người giáo viên hơn 30 năm cắm bản

Minh Thục-Thứ bảy, ngày 23/02/2013 07:00 GMT+7

Có nhiều thầy cô giáo vất vả, vượt qua những con đường đất để mang chữ đến với trẻ em miền núi (Ảnh minh họa)

[]  "Mặc dù đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn nhưng ước nguyện của tôi là ở các vùng bản để dạy trẻ em miền núi biết chữ...", cô giáo Đặng Thị Nhạn - người có hơn 30 năm gắn bó với trẻ em vùng cao chia sẻ.

Điểm trường Cù Bai, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, là điểm trường nằm giáp biên giới Việt Lào và đây cũng là một trong những điểm trường bản xa nhất của tỉnh Quảng Trị. Điểm trường này chỉ có 5 lớp học với hơn 50 học sinh, nhưng nhà trường có cả 5 cấp học từ lớp 1 cho đến lớp 5. Hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, trình độ nhận thức của đồng bào cũng còn thấp, vì vậy vấn đề huy động học sinh đến lớp của các thầy cô giáo luôn gặp rất nhiều khó khăn.

Tại một giờ lên lớp ở điểm trường Cù Bai, không như những lớp học khác, lớp học ở đây chỉ có 7 em. Tuy nhiên, cô giáo của lớp lại rất vất vả, bởi 100% các em trong lớp đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên vốn ngôn ngữ tiếng Việt còn rất hạn chế.

Cô Đặng Thị Nhạn là một trong số 5 giáo viên đang bám trụ tại điểm trường Cù Bai. Trong số 5 giáo viên ở của trường cô Nhạn là người có kinh nghiệm cắm bản lâu nhất với 33 năm. Sinh ra, lớn lên và lập gia đình tại tỉnh Quảng Bình, nhưng ngay từ những năm 80 cô đã gắn bó ở các điểm trường bản ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

“Cô Nhạn là một cô giáo vùng đồng bằng rất nhiệt tình với con em học sinh vùng cao, đặc biệt là các học sinh mồ côi và trẻ em khó khăn bỏ học. Hằng ngày, cô thường xuyên đến nhà vận động các em đến trường, đến lớp học” - anh Hồ Hoàng Thới, Trưởng thôn Cù Bai, cho biết.

Thầy giáo Hồ Quang Vinh, Cụm trưởng điểm trường Cù Bai cũng cho biết thêm: “Cô giáo Đặng Thị Nhạn là một người rất nhiệt tình. Mặc dù cô vào đây công tác gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cô rất yêu trẻ và mến nghề. Cô luôn là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo”.

Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Đối với những giáo viên vùng cao, để làm tốt nghề dạy học của mình các thầy cô giáo đã phải vượt qua rất nhiều gian nan, trở ngại, thậm chí hy sinh cả tuổi xuân và hạnh phúc riêng tư của mình. Mỗi ngày trôi qua, các thầy giáo, cô giáo lại âm thầm cắm bản làm tốt công tác đưa cái chữ đến với các bản làng xa xôi. Điều đó thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước