Nỗi ám ảnh bom mìn ở các làng quê

Hoàng Khoa, Đình Phan-Thứ bảy, ngày 06/04/2013 08:17 GMT+7

Công tác dò, gỡ bom, mìn (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).

 Tại nhiều làng quê, do người dân thiếu kiến thức về sự nguy hiểm của bom, mìn nên đã dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Trước đây, trong khi làm việc ông Lê Văn Lợt xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, đã phát hiện một trái cối và tự ý cất giữ mà không trình báo cơ quan chức năng. Đến tháng 12 năm ngoái, những đứa cháu của ông vô tình phát hiện nên đã đem ra đùa nghịch. Hâu quả là trái cối phát nổ, làm 4 người chết và 4 người khác bị thương, trong đó nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 4 tuổi.

Một trường hợp khác tương tự đó là gia đình ông Lý Thành Chát, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Mặc dù đã 20 năm trôi qua, nhưng ký ức về vụ nổ mìn kinh hoàng ngày nào vẫn khắc sâu trong tâm trí ông Chát, lý do cũng bởi ông hiểu biết về sự nguy hiểm của loại vũ khí này. Vụ nổ không chỉ để lại những vết thương trên cơ thể ông, mà đau đớn hơn khi ông còn bị mất đi 2 người thân yêu trong gia đình.

Có thể nói, bom, mìn là vũ khí sát thương đặc biệt nguy hiểm còn sót lại sau chiến tranh tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Chỉ riêng tại tỉnh Kiên Giang, theo thống kê của các ngành chức năng từ năm 1996 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, có 11 vụ tai nạn do cưa phá bom, mìn, đầu đạn làm chết 8 người.

Trong những năm gần đây, đặc biệt sau chiến tranh, trên địa bàn Quân khu nói riêng và toàn quốc nói chung, những đối tượng bị bom, mìn sát thương nhiều nhất thường là trẻ em và những người nông dân thiếu kiến thức hiểu biết về bom, mìn và vật liệu nổ. Bom, mìn tuy là loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm, nhưng nếu chúng ta được đào tạo, học tập, quán triệt, có lẽ sẽ không xảy ra những hậu quả đau lòng như trên.

Thực hiện “Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh” của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010 đến nay, lực lượng công binh Quân khu 9 đã tổ chức thu gom và hủy nổ được gần 87 tấn bom, mìn.

Nhưng theo tính toán của các ngành chức năng, phải mất khoảng 300 năm nữa nước ta mới dọn sạch gần 800.000 tấn bom nằm rải rác trên khắp đất nước. Tại các làng quê Việt Nam, bom, mìn đã trở thành một hiểm họa khi nhiều người dân còn thiếu hiểu biết, chủ quan đùa giỡn với tử thần.

Để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất và chấp dứt những hậu quả thương tâm do bom, mìn gây ra, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng và ý thức của mỗi người dân.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước