"Vua bãi vàng" và câu chuyện cổ tích đời có hậu… (kỳ 2)

Nguyễn Văn Quân-Thứ bảy, ngày 17/05/2014 07:46 GMT+7

Và rồi trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, Trần Hưu đã tìm ra lối đi, mà ở thời điểm ấy, bản thân anh cũng chưa kịp nhận ra

"Vua bãi vàng" và câu chuyện cổ tích đời có hậu… (kỳ 1)

Ở nơi rừng thẳm

Hưu lên Văn Bàn vào đúng mùa mưa năm 1985, sốt rừng, mưa núi vẫn không cản được bước chân của một thằng con trai đang muốn có thật nhiều tiền từ công việc đào đãi vàng này. Và anh đã có tiền thật. Hơn mọi người bởi một năm được học tại trường Mỏ địa chất, chỉ một thời gian ngắn anh đã bắt nhịp và đi đầu trong việc phát hiện, khai thác những khoảng đất có vàng. Cầm được đồng tiền đầu tiên anh gửi về cho mẹ. Cứ hàng tháng anh đều đặn xuống thị trấn gửi tiền về Nam Định.

‘ Tổ ấm của Trần Hưu

Ban ngày làm việc vậy còn buổi tối làm gì khi thời gian thì nhiều và tiền cũng sẵn. Chao ôi đêm miền núi. Nó hoang vắng, buồn bã và dài như tiếng khèn ai đó hát bên đỉnh núi mà thi thoảng anh đã được gặp. Ban đầu là rượu, vui thôi, vài anh em cùng cảnh. Nhưng rượu mãi cũng chán. Nghĩ ra gì đi chứ. Ừ thì chơi bài. Những sự cám dỗ chết người giữa đại ngàn heo hút ấy đã biến anh thành một kẻ nghiện ngập không mấy. Không phải rượu, thuốc lá nữa mà là thuốc phiện. Ban ngày đào vàng, tối về uống rượu, bài bạc và hút thuốc phiện. Hưu đã không gửi tiền về cho mẹ nữa. Thi thoảng, hình ảnh người mẹ lụi cụi nhặt nhạnh những lá tre khô về làm củi chốn quê nhà cũng xuất hiện trong gã trai mới lớn. Nhưng rồi lại tan ra như sương khói, loãng ra như khói thuốc Hưu hút mỗi ngày. Tiền và thuốc phiện. Đó là hai suy nghĩ thường trực trong anh khi ấy.

Nhiều người muốn theo Hưu. Trở thành đại ca của một trăm con người, Hưu chia ra làm 10 tổ cho mười đàn em thân tín nhất làm tổ trưởng. Một ngày không như mọi ngày. Hưu không chơi bài, hút xong thuốc phiện, bỗng thấy cô đơn vô cùng, anh lững thững đi ra khỏi lán và bước nhầm sang một lán khác. Chỉ toàn đàn bà con gái. “Ở đây tôi gặp em. Em mười bảy tuổi. Em nói em đi đào vàng như bao người khác. Quê em cũng Lào Cai, gần đây thôi. Chao ôi cái thân phận của người đàn bà bỏ nhà để lên chốn rừng xanh núi đỏ làm công việc đi tìm những ước mơ đổi đời mà chưa bao giờ mình nhìn thấy. Lừa lọc, phản trắc, tranh đấu, đĩ điếm, trộm cắp… rồi ai cũng vậy. Bị cuốn vào vòng oan nghiệt ấy lúc nào không hay. Tôi ngồi nói chuyện với em. Tôi coi em như một người cùng cảnh ngộ thôi. Như mọi người ấy, chúng ta lên đây chúng ta không lạ gì nhau, sòng phẳng được với nhau cũng là quá đủ rồi. Chốn này không dành cho sự tử tế.”

Chỉ một chút bâng khuâng trong lòng Hưu là nhìn vào đôi mắt buồn như biết nói, như phân trần, như thách thức, như chịu đựng ấy. Nhưng nó qua rất mau. Anh chốn này vẫn là đại ca, là cờ bạc, là thuốc phiện… “Nhưng tôi có ngờ đâu, rồi lại là duyên nợ với nhau cả một đời. Sau này về làm vợ tôi rồi. Em bảo em đã yêu tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từ cái hôm mưa rừng gió núi ở bản ấy. Rồi những lần tôi ôm đàn hát những lời buồn của Trịnh Công Sơn nơi chốn thâm u cùng cốc. Và nhiều nữa, tôi không biết lý giải chuyện này như thế nào và đó lại là một câu chuyện khác chứ hồi ấy. Tôi không nghĩ nhiều.”

Hưu bảo thật, hồi ấy anh không nghĩ ngợi nhiều. Nỗi lo cơm áo, những trận chiến dành địa phận đất đai đã không cho phép anh được một chút mềm lòng để nghĩ về khái niệm mà người ta gọi là tình yêu ấy. Nó xa xỉ và mơ hồ quá. Ngày đào vàng, tối tối Hưu cùng đàn em đi đánh bạc. Anh bảo bây giờ không biết các đại gia lắm tiền nhiều của đi đánh bạc như nào. Nhưng hồi đó, trong một cái lán nhỏ chưa bằng túp lều nhưng số tiền mà anh đánh trên sới thì chắc chắn phải mua được không ít ngôi nhà ở chốn thị thành. “Tôi đánh điên cuồng vì mình quá nhiều tiền. Dân đào vàng vẫn gọi là đánh “cuốn theo chiều gió”, đánh “áo quần”, tức là không cần nói đánh bao nhiêu tiền. Cứ cởi áo đang mặc ném vào sới, đếm trong áo có bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu. Trong áo có vàng trả bằng vàng, có tiền trả bằng tiền. Ngồi sau tôi luôn có hai đệ tử cầm hai bao tải. Một để đựng tiền một để đựng vàng.” Đánh xong, thua hay thắng cả lũ lại về lán hút thuốc phiện.

Một ngày mùa hè năm 1987 trong lòng gã trai mới lớn bỗng rưng rưng thấy nhớ nhà. Hưu cũng không ngờ một thằng đàn ông bị thuốc phiện, rượu chè, cờ bạc đưa đường dẫn lối mà vẫn có một ngày thấy nhớ nhà và mẹ đến thế. Ngồi một mình trong lán. Bã bời. Mỏi mệt. Hình ảnh người mẹ những ngày đông giá buốt liêu xiêu buổi chợ chiều. Ánh mắt ngỡ ngàng, thảng thốt và câm lặng khi tiễn anh lên chốn rừng xanh núi đỏ này. Thời gian nước chảy qua cầu. Anh xa mẹ, xa vùng quê vậy đã mấy năm rồi. Dặn dò mấy đệ tử trong đêm, Hưu bắt chuyến xe cuối cùng về xuôi về.

Việc đầu tiên xuống đến Hà Nội anh mua một chiếc xe máy đắt tiền nhất phóng về quê. Mẹ đón anh như đón một đứa con xa mới đi đâu đó mới về. Bà bảo anh ở lại thôi, cái nơi rừng thẳm ấy, chẳng có tương lai gì. Ở nhà, mẹ cưới vợ cho anh. Mẹ con rau cháo nuôi nhau, rồi thế nào cũng qua cả. Nhưng cũng chỉ được mấy ngày. Mẹ không giữ nổi, quê hương cũng không giữ được. Sự mời mọc dẫn dụ của khói thuốc và ánh vàng kim loại dắt Hưu trở lại chốn sơn lâm như một sức mạnh ma quỷ vô hình. Chỉ mấy ngày mà cảnh tượng hoang tàn. Đất đai lãnh địa bị đánh chiếm, quân tướng đều hỗn loạn và hoang mang, nhiều người đã bỏ đi hoặc tách ra làm riêng. Anh lang thang ra chỗ cũ, nơi lần đầu gặp người con gái ấy. Không phải để tìm lại vì anh biết sau lần gặp nhau đầu tiên ấy, ngay ngày hôm sau người con gái ấy đã bỏ về quê vì không chịu nổi sự vất vả.

“Nhưng không ngờ, cuộc đời em và tôi dường như đã có một duyên nợ vô hình. Em cũng vừa xuống trở lại đây một tuần, em mở cửa hàng bán quán. Không tin có ngày gặp lại, tôi nói lời yêu em. Yêu em và thương em, khi ấy tôi đã không còn tài sản gì nữa, tôi tay trắng và mất phương hướng. Văn Bàn cũng đã không còn là lãnh địa của tôi.” Chỉ còn mười anh em thân tín, Hưu dắt díu qua Chiêm Hóa, ngược lên Hà Giang, xuống Bắc Quang… mỗi lần đi vào đất mới lại là những trận huyết chiến. Không ai bị thương vong nhưng lòng tin thì đã cạn. Chuyến cuối cùng Hưu đưa anh em vào Đà Nẵng, nhưng sốt rừng, đất lạ, lại trắng tay kéo nhau ra bắc. “Anh em nghĩa nặng tình thâm nhưng đến bây giờ thì anh trắng tay. Không cưu mang được các em nữa.” Nói xong chia tay, mỗi người một ngả cho đến bây giờ, Hưu cũng không biết ai còn ai mất...

Ngày mới bắt đầu…

Anh và Tuyến (bây giờ thì anh bảo anh gọi em bằng tên gọi) dắt díu nhau về Văn Yên. Tuyến bảo: “Vợ chồng mình về đấy. Em còn bố mẹ nuôi, ông bà ít nhiều có thể giúp được.” Hai vợ chồng về Mậu A, một thị trấn hẻo lánh và buồn bã. “Bố mẹ nuôi đã cưu mang chúng tôi, thực ra là cưu mang tôi, khi ấy vẫn là một kẻ nghiện. Ở với bố mẹ vài ngày, trong một lần đi hút xái thuốc tôi bị công an bắt. Anh Hòa, bây giờ là chủ tịch thị trấn Mậu A còn lúc ấy là phó công an thị trấn đưa tôi về đồn và bảo: “Đàn ông sức dài vai rộng, thất bại chưa phải đã mất tất cả. Anh chỉ tha cho chú lần này, nếu còn tái nghiện không bao giờ anh cho chú có thể ở đây nữa.” Rồi anh thả tôi. Nhẹ nhàng như bảo với một thằng em.”

Hưu bảo nghe câu ấy trong một phút, nhưng để thực hiện lời nói đó lại mất đến 3 năm. Anh quyết tâm cai thuốc bằng cách bảo vợ nhốt chặt ở nhà (nói là nhà nhưng chỉ là căn lều ở tạm trong chợ mà anh Hòa thương tình tạo điều kiện cho hai vợ chồng mượn). Ngày ngày Hưu nuôi lợn và trông con giúp vợ, Tuyến chạy hàng vải. Những đêm mùa đông, những sáng mùa hè, vật thuốc cồn cào, Hưu tự cắt tay chảy máu, ngâm mình trong nước lạnh và hàng chục những trò hành xác khác anh tự gây cho mình để có thể dứt cơn nghiện. Một hôm Tuyến bảo: “Anh nên làm một điều gì, chứ ở nhà trông con và nuôi lợn mãi cũng không được.” Đêm Hưu nằm nghĩ. Đúng là không thể mãi như thế này. Cuộc đời dài lắm nhưng cuộc đời đôi khi cũng chỉ như bóng câu qua cửa. Cứ phí hoài tuổi trẻ mãi trong cảnh này không được. Bố mẹ là thợ may, ông bà cũng theo nghiệp may. Anh nhớ ra điều ấy sau một đêm ngủ mê nhiều mộng mị. Sáng dậy anh bảo Tuyến ra chợ mua cho mình một vài cuốn sách dạy cắt may.

Hưu giam mình trong phòng, đọc và thực hành trong một tháng trời. Tuyến cũng phụ giúp trong việc tư vấn, góp ý. Anh bắt đầu may được những chiếc túi, những bộ áo quần và bắt đầu bán ở chợ thị trấn. Trời không phụ lòng người, hàng của hai vợ được đón nhận, anh bắt đầu mở những mối lớn hơn ở các tỉnh: Hà Nội, Nam Định, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… Thời gian thấm thoát thoi đưa, cùng với việc làm ăn phát triển, con cái khôn lớn anh đã đoạn tuyệt được với thuốc phiện. Bây giờ vợ chồng với hai đứa con một trai một gái đã có cuộc sống thuận lợi hơn. Anh nhận về nhà năm công nhân vừa dạy vừa cùng các em làm các sản phẩm may mặc. Bên cạnh đó anh cũng có bốn lăm người khác đã đồng ý nhận vải về may cho vợ chồng.

Anh Hòa, người ân nhân cũ bây giờ là một người bạn tri kỷ của vợ chồng anh mọi lúc vui buồn. Hưu bảo, đôi khi ngẫm lại, soi vào chặng đường đã qua anh cứ thấy cuộc đời mình như một câu chuyện cổ tích, một câu chuyện cổ tích mà ơn trời, lại kết thúc có hậu. Có những đêm, khi các con đã ngủ, vợ đang dọn dẹp, lau chùi dưới bếp, ngồi một mình nghe những thanh âm quen thuộc. Bây giờ anh mới nhận ra hạnh phúc, hạnh phúc là tổ ấm anh đang có, là giúp được cho người khác một điều gì dù rất nhỏ. Cái đơn sơ ấy mà mãi đến bây giờ, vào tuổi tứ thập nhi bất hoặc này anh mới nhận ra.

“Đôi khi thoáng buồn, chỉ thương cho Tuyến, em đã gửi cả cuộc đời con gái vào cuộc đời tôi, rồi khổ cực, rồi lặn rồi từ rừng xanh núi đỏ phiêu bạt theo chồng cho đến ngày hôm nay, ngày mà như người xưa vẫn bảo: hết bĩ cực đến hồi thái lai. Và cũng nghĩ về cuộc đời mình, đến lúc này, tôi lại nhớ đến một câu nói của ai đó khi bảo rằng ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều quan trọng là có đủ sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy.” Hưu nói với tôi như vậy rồi lại tìm một chút củi khô bỏ vào bếp lửa đang riu liu cháy. Đêm dần về khuya.

Câu chuyện này trong một chuyến công tác lên thị trấn Mậu A, tôi được anh Trần Hưu, số nhà 194, khối phố 1, thị Trấn Mậu A, Văn Yên, Yên Bái kể lại.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước