Xót thương 3 anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ

Theo Dân trí-Thứ bảy, ngày 02/02/2013 09:00 GMT+7

Ba anh em Ngọc, Tuấn, Nam bên di ảnh của bố mẹ.

 “Cháu chỉ mong có tiền sửa lại căn nhà để không bị dột nữa. Anh Ngọc khỏi bệnh rồi anh em cháu đi làm thuê kiếm tiền cho bà với em ở nhà", 3 anh em mồ côi cha mẹ buồn xo tâm sự với chúng tôi".

Đó là lời tâm sự trong nước mắt của em Nguyễn Văn Tuấn trong căn nhà dột nát, tồi tàn. Trong căn nhà đó, 3 đứa trẻ mồ côi và người bà nội đã già yếu hàng ngày nương tựa vào nhau sống trong sự khó khăn thiếu thốn đủ đường.

Chúng tôi tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, chị Trần Thị Thủy, thôn Phú Quang, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, trong căn nhà nhỏ giờ chỉ còn lại ba cháu nhỏ và bà cụ già. Trên bàn thờ để hai di ảnh anh Hòa và chị Thủy lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Những ngày qua 4 bà cháu chỉ biết ôm nhau khóc.

Gia đình anh Hòa chị Thủy thuộc diện nghèo nhất xóm, anh chị đến khi chết đi cũng chẳng có gì để lại cho các con. Ba cháu nhỏ phải nằm đất giữa mùa đông lạnh giá, thấy hoàn cảnh éo le, chị em trong Hội phụ nữ đã quyên góp ủng hộ mua chiếc giường cho ba cháu nằm bớt đi lạnh lẽo.

Gia đình đã nghèo, anh Hòa lại gặp phải bệnh hiểm nghèo khó cứu chữa. Hoàn cảnh quá khó khăn không có tiền chữa, bệnh ngày càng nặng thêm. Anh Hòa đã ra đi vào tháng 11/2012 để lại người vợ mới 36 tuổi cùng ba đứa con thơ dại và người mẹ già.

Chồng mất đi, chị Thủy cùng mẹ già và 3 con nhỏ nương tựa vào nhau để tiếp tục sống. Nhưng số phận đã quá trớ trêu với gia đình nghèo này. Anh Hòa mất đi mới hơn một tháng thì chị Thủy không may bị tai nạn cũng qua đời. Trong căn nhà chỉ còn lại 3 người con nhỏ dại sống bơ vơ, cả ba đều đang tuổi ăn học chưa biết làm gì để sống.

Cũng vì cái nghèo, cái khó mà chị Thủy phải dẫn đến cái chết đột ngột. Em Tuấn vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ về cái chết của mẹ: “Hôm đó có người trong xóm kêu mẹ cháu đến cho ngói về lợp lại mái nhà, vì nhà cháu xây đã lâu nhưng không có tiền mua ngói lợp. Hai mẹ con cháu qua lấy ngói, mẹ cháu phải leo lên mái nhà để dỡ ngói. Do tường nhà xây dựng đã quá lâu nên mái nhà sập xuống đè lên người mẹ cháu. Mọi người đưa mẹ đi bệnh viện nhưng mẹ cháu đã mất lúc nào không hay”.

Bố mẹ mất đi giờ chỉ còn lại 3 anh em sống nhờ vào bà nội đã 77 tuổi. Cháu lớn là em Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1997), cháu thứ 2 là Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1999) và cháu thứ 3 là Nguyễn Văn Nam (sinh năm 2009).

Căn nhà dột nát, khi anh Hòa chị Thủy còn sống đã gom góp xin được một số đá dựng tường lên, đến nay cũng chưa có tô hồ. Mái nhà lợp bằng lá kè. Cơn bão số 8 năm 2012 đến làm gió thốc vào nhà mưa dột ướt hết. Đến lúc chết, cả hai vợ chồng nghèo vẫn chưa hoàn thành được ước nguyện có một mái nhà ngói kiên cố cho các con ở tránh mưa, tránh nắng.

Ai cũng thấy thương cho hoàn cảnh của 3 anh em Ngọc, Tuấn, Nam. Cả ba anh em đều khôi ngô tuấn tú. Khi bố còn sống, Ngọc và Tuấn đã phải sớm bỏ học khi mới chỉ học đến lớp 5 để phụ giúp bố mẹ làm thêm kiếm tiền mua thuốc cho bố. Chưa đầy 15 tuổi, Ngọc ra Hà Nội làm thuê bằng nghề thợ nề kiếm tiền gửi về cho mẹ.

Những ngày qua Ngọc bị ốm, bà cùng mấy đứa em không có gì ăn khi nhà hết không còn hạt gạo nào chứ nói gì đến tiền mua thuốc. Được người hàng xóm cho 50 nghìn, bốn bà cháu để dành mua thuốc cho Ngọc uống, với mua ít bò gạo mấy bà cháu ăn cháo qua ngày.

Ngày anh Hòa mất, Ngọc trên đường về quê nhưng cũng không kịp nhìn thấy mặt bố. Sau ngày bố mất, Ngọc phải tiếp tục đi làm tiếp để cùng mẹ nuôi 2 em, nhưng được hơn một tháng thì nghe tin mẹ mất. Ngọc lại phải tức tốc lên đường về nhà hi vọng nhìn được mặt mẹ lần cuối nhưng cũng không kịp.

“Khi bố mẹ cháu còn sống, gia đình tuy nghèo thật nhưng có bố có mẹ gia đình sống quây quần bên nhau vui vẻ. Giờ cả bố và mẹ đều bỏ anh em cháu mà đi mãi. Ba anh em không biết sống sao cho qua ngày được đây. Bố mẹ mất đi mà cháu không được nhìn mặt dù là lần cuối. Ba anh em chẳng biết làm gì, nhớ bố nhớ mẹ mà ngày nào cũng chỉ biết đứng bên bàn thờ bố mẹ mà khóc”, Ngọc oà khóc.

Khi chúng tôi đến thăm, cũng là lúc em Tuấn mới đi bừa ải đất để chuẩn bị gieo mạ. Giữa cái rét như cắt da, cắt thịt của mùa đông mà đôi chân em không có được đôi dép. Mới 14 tuổi mà em đã phải làm công việc đồng áng, đi bừa đất gieo mạ như người lớn. Ba anh em nhưng chỉ có mỗi người được một cái áo ấm, trời lạnh lâu ngày không có áo để thay, nhìn các em co ro thật đáng thương.

“Cháu mong có tiền chữa khỏi bệnh cho em Nam, em Nam bị lâu ngày mà gia đình không có tiền chữa trị. Em cũng đến tuổi đi học rồi mà anh em cháu không có tiền chữa bệnh, lấy tiền đâu mà đi học. Cháu mong được xây dựng lại căn nhà để không bị dột nữa. Anh Ngọc khỏi bệnh rồi anh em cháu đi làm thuê kiếm tiền cho bà với em Nam ở nhà. Cháu không mong đến tết đâu, tết nhà cháu chẳng có gì mà ăn, bố mẹ cháu cũng không còn, anh em cháu không có gì ăn thì tết làm gì hả chú”, em Tuấn nói.

Giờ đây, 3 anh em Ngọc sống với bà nội là bà Hà Thị Quyên. Bà Quyên tuổi đã cao, sức yếu cũng chẳng làm được gì. Sống cùng các cháu để cho các cháu bớt buồn, bà cháu nương vào nhau bằng tình thương. Hàng ngày bà trông bé Nam. Bé Nam đã hơn 4 tuổi nhưng cũng mới biết đi, chân bị bệnh cơ, nên lúc nào cũng phải có người bế và chăm nom.

Gặp chúng tôi, bà Quyên lúc nào cũng nghẹn nào nói không nên lời. Đôi mắt bà đã nhòa đi, những giọt nước mắt ứ ra chảy vào những vết nhăn trên hai gò má in thấy rõ. Con trai và con dâu mất đi khiến bà chẳng thiết sống. Nhưng nghĩ đến 3 cháu thơ dại bà gượng sống cho qua ngày.

“Tôi thân già chẳng biết lấy gì, lấy sức khỏe đâu để nuôi các cháu đến ngày trưởng thành được chú à. Chết được thì thân già này chết thay cho vợ chồng thằng Hòa đi rồi. Giờ bốn bà cháu chẳng biết sống thế nào, lấy gì ăn, lấy gì mà sống”, bà Quyên nức nở.

Chị Hoàng Thị Mai, người hàng xóm tâm sự: “Khổ thật chú à. Bố bệnh mất đi tưởng đâu mẹ con chị Thủy nương tựa vào nhau mà sống. Ai ngờ chị Thủy cũng đi luôn. Ba cháu nhỏ mà đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Giờ sống với bà mà mấy bà cháu vô cùng cực khổ. Đến gạo cũng không có mà ăn. Chiếc giường nằm cũng là có người cho. Thằng cháu Ngọc mấy hôm nay bị ốm không có tiền mà mua thuốc uống nữa. Không có gì ăn khi nào mới khỏi bệnh”.

Chia tay bốn bà cháu mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Hình ảnh về những đôi mắt ngây thơ mà đã phải suy nghĩ lo lắng đến cái ăn, cái mặc, bệnh tật rồi chỗ ở từng ngày. Không biết các em nhỏ rồi sẽ sống như thế nào những ngày sắp tới...

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước