Xúc động trước nghị lực của bé 4 tuổi không tay, không chân

theo Dân trí-Thứ ba, ngày 28/10/2014 06:13 GMT+7

Bà cháu bà Cho bên căn nhà lá ở huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng.

“Mỗi lần nghe ai đó nói với tôi cho cháu Thảo cho người khác nuôi đi thì cháu nó lại nũng nịu: “Ngoại ơi, ngoại đừng đem con cho người ta ngoại nha…”.

Về ấp Sơn Ton, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi nghe nhiều bà con kể cho nghe câu chuyện buồn của một cháu bé bất hạnh khi sinh ra không được trọn vẹn hình hài một con người, hoàn cảnh gia đình lại quá khó khăn. Chúng tôi đã tìm đến gia đình của cháu để tìm hiểu với mong muốn làm một điều gì đó có thể giúp cháu vượt qua khó khăn.

Gặp chúng tôi, bà Lý Thị Cho (59 tuổi, người dân tộc Khmer) kể: Năm 2008, con gái bà là chị Trần Thị Nhàn (28 tuổi) gặp và kết hôn với một người con trai quê ở Nha Trang tên Vũ. Năm 2010 thì sinh cháu Trần Thị Hiếu Thảo. Khi mang thai cháu Thảo được 4 tháng cho đến 7,5 tháng, vợ chồng anh Vũ, chị Nhàn thường xuyên đi lên một cơ sở y tế ở TP Sóc Trăng khám thai, siêu âm. Những lần ấy, họ đều được người khám cho biết thai nhi phát triển bình thường, không có gì đặc biệt.

Thế nhưng, đến khi trở dạ, chị Nhàn được gia đình đưa lên BVĐK huyện Cù Lao Dung sinh thì các bác sĩ phát hiện cháu bé gái sinh ra không có tay, không có chân. Bà Cho nói: “Nhìn thấy cháu mình như vậy, tôi chết đứng, không thể tin được”.

Bà Cho nói thêm: “Lúc đó, có người nói với tôi đem bỏ đi chứ nuôi chi cho tội. Nhưng tôi nghĩ, dù sao cháu tôi cũng là một con người, mặc dù không được trọn hình hài như một con người, bỏ đi thì tội nghiệp lắm. Vậy là tôi quyết định mang cháu về nhà nuôi”.

Mang đứa bé đỏ hỏn không tay không chân về một vùng đất chủ yếu là quanh năm chân lấm tay bùn, lại phần đông là người Khmer nên gia đình bà Cho gặp không ít phiền toái bởi lời dị nghị của một số người. Dù nghèo, phải đi làm thuê làm mướn nhưng bà Cho và chồng bà là ông Trần Văn Nhỏ vẫn kiên trì chăm sóc đứa cháu ngoại bất hạnh của mình.

Cháu Thảo mới được 10 tháng tuổi thì bất hạnh lại giáng xuống gia đình nghèo khó này. Một ngày cách đây gần 4 năm, cha bé Thảo về thăm gia đình ở Nha Trang và bất ngờ bị tai nạn qua đời. Vậy là, mọi khó khăn lại dồn vào đôi vai gầy của mẹ, tấm lưng còng của ông bà ngoại cháu.

Cũng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có đất đai sản xuất nên sau đó không lâu, chị Nhàn buộc lòng phải gửi cháu Thảo cho cha mẹ nuôi, còn chị lặn lội lên Bình Dương làm công nhân cho một cơ sở sản xuất với đồng lương ít ỏi, hi vọng có chút tiền gửi về cho cha mẹ chăm sóc đứa con gái bất hạnh của mình. Hiện tại, bà Cho và ông Nhỏ làm thuê để kiếm sống qua ngày. Bữa cơm của ông bà cháu rất đạm bạc, chủ yếu cơm và rau hái ngoài ruộng, cá thịt thì thỉnh thoảng mới có.

Ở nhà với ông bà ngoại, cháu Thảo rất ngoan, rất nhanh nhẹn. Được 5 tháng tuổi, cháu mọc 8 cái răng nhưng mãi tới 2 tuổi cháu mới biết nói. Bà Cho nói: “Con người ta khoảng hơn 1 năm là biết nói, còn cháu Thảo vẫn chưa cất tiếng được nên có lúc tôi nghĩ chắc cháu không biết nói luôn. Đến khi cháu bước vào tuổi thứ 2, bất ngờ và mừng rơi nước mắt khi nghe cháu nói bi bô, gọi ông bà. Từ đó, cháu nói nhiều lắm. Giờ cháu đã biết chào hỏi mỗi khi nhà có khách, biết chào tạm biệt khi khách ra về”.

Theo bà Nhàn, cháu Thảo hay bị bệnh khiến ông bà khá vất vả. Cách đây không lâu, cháu bị sốt nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện. Khi thăm khám cho cháu, các bác sĩ cho biết cháu quá nóng, nguy cơ tử vong cao nếu không đưa đến bệnh viện kịp thời.

Trò chuyện với cháu Hiếu Thảo, chúng tôi nghe cháu nói những câu rất dễ thương. Chúng tôi hỏi cháu có thích đi học không, cháu nói: “Con cũng đi học rồi”. Cháu còn cho biết: “Con ráng học giỏi để sau này làm cô giáo”.

Bà Lý Thị Cho kể tiếp: “Mỗi lần cháu bị bệnh, đưa đi bệnh viện, có người gợi ý tôi đưa cháu vào trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật nhưng tôi ở xa, không khi nào đi đâu thành ra không biết có trung tâm nào nhận nuôi những người như cháu hay không. Hơn nữa, cháu ở với mình từ nhỏ, bây giờ cho đi ở nơi khác, e là tôi chịu không nổi. Có người gợi ý cho người quen của họ làm con nuôi thì tôi thấy không ổn”.

Rồi bà Cho chia sẻ thêm, hễ mỗi lần nghe người lớn nói như vậy, chờ họ ra về, cháu lại nói với tôi: “Ngoại ơi, ngoại đừng đem con cho người ta ngoại nha. Mai con có tay con sẽ đi làm kiếm tiền nuôi ngoại mà. Đừng cho người ta nha ngoại”. Nghe cháu nói bà Cho chảy cả nước mắt.

Theo ông Nhỏ, mọi sinh hoạt của cháu Thảo đều do ông bà giúp, mặc dù cháu rất thích tự lập, tự mình làm cho mình, không muốn làm phiền người khác. Đặc biệt, mới vào mẫu giáo nhưng cháu Thảo rất thích học, rất thích viết chữ. Chúng tôi hỏi cháu Thảo cháu có viết được không thì cháu liền nhờ bà ngoại lấy cây bút và quyển tập lại cho cháu. Có bút, cháu kẹp vào cổ, dùng phần thịt nhô ra từ vai để giữ bút và vẽ một vòng tròn thật to, khá tròn trịa. Chúng tôi hỏi: “Con viết chữ gì” thì cháu nói liền: “Con viết chữ O, chữ O tròn như quả trứng gà”. Viết hết trang này, Thảo dùng cây bút luồn vào dưới trang giấy để lật sang trang khác rồi viết tiếp. Viết xong, Thảo kẹp vào cổ, dùng “tay” đỡ rồi khoe với chúng tôi: “Chú thấy con viết đẹp không”.

Nhìn hình ảnh cháu Hiếu Thảo nghiêng đầu qua một bên, cây bút để sát vào gần cổ, đưa “cánh tay” giữ bút, viết thành chữ O, mồ hôi chảy thành giọt trên gò má, chúng tôi rất xúc động và khen cho cháu tuy còn nhỏ nhưng đã có ý chí, có nghị lực. Chúng tôi lại hỏi cháu ai đưa con đi học, cháu trả lời thật nhanh: “Bà ngoại đưa con đi học rồi bà ngoại ngồi sau lưng con, khi nào hết giờ học ngoại đưa con về nhà luôn”. Hóa ra, đưa cháu vào lớp, cháu ngồi học, còn bà Cho cũng ngồi ngay sau lưng cháu vì sợ cháu có thể ngã bất cứ lúc nào vì không có tay không có chân mà đỡ như những cháu bé khác.

Bà Cho tâm sự: “Từ nhỏ tới lớn, cháu Thảo không chịu ăn cơm, ít ăn cháo mà chỉ ăn trái cây và uống sữa. Thời gian gần đây, có nhiều bữa nhà hết tiền, tôi nói với Thảo là ăn cơm, đừng uống sữa nữa, ngoại không còn tiền mua sữa thì cháu nói với tôi con không ăn cơm được ngoại ơi, không có sữa con khát lắm. Ngoại ráng mua sữa cho con uống, mai này lớn lên con đi làm có tiền ngoại sẽ hết khổ thôi. Nghe cháu nói mà tôi xót cả lòng, nên phải chạy đầu này đầu nọ mượn tiền mua sữa cho cháu. Cũng may, mấy bữa nay, có lẽ cháu biết hay sao nên bắt đầu ăn cơm rồi”.

Chia tay cháu Thảo, tôi gửi lại bà Cho một ít tiền nhờ bà mua cho cháu mấy cuốn vở và bộ bút màu cho cháu tập viết, tập vẽ. Nhận tiền từ tôi bằng cách nhờ tôi để tiền vào cổ, rồi cháu nghiêng đầu cho tiền không rơi ra ngoài, sau đó quay sang bà ngoại nói: “Ngoại cất tiền cho con, mai ngoại đi mua tập và viết màu cho con vẽ”. Xong, cháu quay sang chúng tôi: “Con cảm ơn chú giúp con, con mong mai mình có tay để đi học thật giỏi để sau này làm cô giáo”.

Hoàn cảnh của gia đình bà Lý Thị Cho hiện rất khó khăn. Không chỉ phải nuôi cháu Hiếu Thảo, ông bà còn phải nuôi thêm một cháu ngoại nữa là cháu Đoàn Hữu Danh (4 tuổi). Cách đây hơn 1 năm, cha của cháu Danh bị đột quỵ tử vong. Sau khi chồng qua đời, vì cuộc sống, mẹ của cháu Danh gửi con lại cho cha mẹ ruột để tiếp tục lên TP.HCM làm thuê kiếm sống.

Hoàn cảnh gia đình bà Lý Thị Cho rất khó khăn. Rất mong sự giúp đỡ của bạn đọc từ khắp mọi miền đất nước để bà tiếp tục nuôi hai cháu ngoại bất hạnh của mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước