Dòng vốn đầu tư R&D - "cánh cửa thần kỳ" đưa Việt Nam ra thế giới với tâm thế mới

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 06/03/2021 10:22 GMT+7

VTV.vn - Các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang xuất hiện ở Việt Nam ngày một nhiều.

Theo những số liệu mới nhất từ Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hai tháng đầu năm, đã có gần 5,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đáng lưu ý đó là không chỉ là sản xuất, hay bất động sản như thường thấy, mà ghi nhận dấu ấn ở các dự án hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ. Lĩnh vực này đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các lĩnh vực thu hút đầu tư được nhiều nhất, tiếp tục xu hướng tích cực được bắt đầu từ năm ngoái.

Foxconn sản xuất máy tính bảng, Radian sản xuất lốp của máy bay Airbus với nguồn nguyên liệu cao su từ chính vùng Tây Ninh của Việt Nam là những cái tên đã "xông đất" Việt Nam đầu năm. Đây đều là kết quả của một quá trình hơn 1 năm từ khi ban hành Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị tập trung cho những dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, công nghệ sạch, còn gọi là FDI thế hệ mới.

Dòng vốn FDI mới sau Nghị quyết 50

Dòng vốn đầu tư R&D - cánh cửa thần kỳ đưa Việt Nam ra thế giới với tâm thế mới - Ảnh 1.

Hai tháng đầu năm 2020, đã có gần 5,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh minh họa - VGP.

Lần đầu tiên sau hơn 33 năm thu hút FDI, vào tháng 8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50 để đưa ra định hướng cho thu hút luồng vốn này.

Luật Đầu tư mới có hiệu lực cũng bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt hay quy định về bảo hộ đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài giúp nhà đầu tư yên tâm hơn vào sự ổn định của chính sách. Những quyết sách tham mưu đang được cụ thể hoá để đón từng cánh đại bàng.

Không chỉ đem đến hàm lượng công nghệ, những dự án này cho phép định vị chuỗi cung ứng giá trị và vị thế mới cho nước tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, từ quan tâm đến chính thức làm tổ vẫn cần nhiều yếu tố cải cách mạnh mẽ, vì dòng dự án này thường khó tính, luôn được các quốc gia trên thế giới chào đón, nhưng không mặc định tự chảy vào bất kỳ nước nào, kể cả nước có nhu cầu và cả lợi thế so sánh cao.

Việt Nam thành cứ điểm mới trong nghiên cứu phát triển

Trong dòng chủ lưu mở rộng, đa dạng hoá đầu tư để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung của các tập đoàn lớn nước ngoài, bên cạnh vai trò cứ điểm sản xuất, Việt Nam nổi lên là cứ điểm chiến lược trong lĩnh vực có thể xem là bộ não của nền kinh tế - đó là lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Những ngày đầu tháng 3, tròn 1 năm Samsung khởi công xây dựng trung tâm R&D mới tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2022. Chỉ một vài năm nữa, đây sẽ là cứ điểm nghiên cứu nhiều công nghệ cao của thế giới, không chỉ phục vụ cho tập đoàn Samsung mà còn là bộ não tăng trưởng cho nền kinh tế của Việt Nam.

Chưa bàn đến hiệu quả của những nghiên cứu, riêng quá trình xây dựng trung tâm này đã tạo ra việc làm cho 180.000 lao động và chi trả cho nhà thầu Việt Nam khoảng 1.600 tỷ đồng - những con số đem lại hiệu quả trực tiếp, tức thì.

Dòng vốn đầu tư R&D - cánh cửa thần kỳ đưa Việt Nam ra thế giới với tâm thế mới - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - VGP.

Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nói: "Nếu như trong thời gian qua, Samsung tập trung đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất thì với việc đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu phát triển mới, Việt Nam sẽ không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung mà còn là trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của tập đoàn. Chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp tích cực, tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

Đây là dự án điển hình, tạo sức lan toả và xây dựng thương hiệu Việt Nam điểm đến nghiên cứu phát triển, bởi liên tục trong thời gian qua, những tên tuổi lớn khác trong làng công nghệ như Qualcomm, Grab, Fujitsu, SAP... cũng đầu tư những trung tâm R&D tại Việt Nam.

Sự xuất hiện liên tục của những trung tâm R&D của khối FDI chính là thành quả của những căn cứ pháp lý quan trọng bậc nhất, giúp định hình Việt Nam như một cứ điểm công nghệ mới. Từ đó, sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ trong vai trò là nhà sản xuất công nghệ cao, thay thế đi vai trò công xưởng giá rẻ, hay gắn liền với cái mác gia công dịch vụ. R&D có thể được xem như là "cánh cửa thần kỳ" đưa Việt Nam bước ra thế giới với một tâm thế hoàn toàn khác.

Vậy tầm nhìn về chính sách cho những dự án này trong thời gian tới sẽ như thế nào, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước