"Tháng ăn chơi" dưới góc nhìn kinh tế

TCKTCT-Thứ bảy, ngày 20/02/2016 17:27 GMT+7

VTV.vn - Các lễ hội và kỳ nghỉ Tết dưới góc nhìn kinh tế là chủ đề được đưa ra bàn luận trong chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần ngày 20/2.

Dù người dân đã trở lại với công việc sau kỳ nghỉ Tết được 1 tuần nhưng nhiều nơi không khí Tết vẫn còn dư âm, đặc biệt ở các địa phương vì thời điểm này nhiều lễ hội bắt đầu được khai hội. Đây là nét văn hóa, phong tục truyền thống từ bao đời nay, là một phần không thể thiếu vào tháng Giêng (âm lịch) – tháng ăn chơi theo cách gọi của dân gian.

Theo thống kê, Việt Nam có gần 8.000 lễ hội (mỗi ngày có 21 lễ hội) ước tính thiệt hại GDP khoảng 2%. Với thiệt hại kinh tế, vật chất có thể đong đếm được thì việc có quá nhiều lễ hội mang lại hệ quả gì trong những ngày đầu năm khi dành quá nhiều thời gian, quá nhiều người đi lễ hội đền chùa?

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: “Chưa có một con số thống kê chính thức thiệt hại về tăng trưởng kinh tế, GDP do quá nhiều lễ hội, thậm chí sử dụng giờ làm việc để dành cho lễ hội. Tuy nhiên, theo tôi quan sát, GDP quý I bao giờ cũng thấp hơn hẳn so với quý II, tăng lên quý III và thường cao nhất vào quý IV. Rõ ràng, đầu năm rong chơi đã phản ánh ở tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP theo quý. Tôi cho rằng, điều này ảnh hưởng đến chu kỳ kinh tế. Nó không phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang chuyển sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi cần tác phong công nghiệp, làm việc nghiêm túc.

Thứ hai, tác động phát triển kinh tế. Trong bối cảnh xã hội có một nhóm người vẫn đang rong chơi trong khi người khác bắt đầu phải làm tạo ra sự thiếu đồng bộ trong phát triển kinh tế, trong hoạt động xã hội. Chưa kể một số bộ phận có trách nhiệm phục vụ cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh và vận hành bộ máy một cách trơn tru ngay từ đầu năm thì dường như khá chệch choạc, cần mất một thời gian. Điều này tạo ra thói quen, tác động hiệu ứng về mặt xã hội, về mặt tâm lý.

Thứ ba, Việt Nam đang tăng cường mở cửa và hội nhập do đó với những tập tục, thói quen truyền thống không còn phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế, hội nhập cần thay đổi. Sự thay đổi này cần phải rõ nét và có động thái mạnh mẽ hơn”.

Trong khi đó, một chuyên gia về quản trị doanh nghiệp đã gọi tình trạng “trốn việc” đầu năm ở một số địa phương là một sự lãng phí về cơ hội. Không chỉ cơ hội của mỗi người lao động, không chỉ là cơ hội kinh doanh của mỗi doanh nghiệp mà là sự lãng phí cơ hội của cả một quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước