Xung quanh luật chỉ đạo trên sân của WTA: Phụ nữ không yếu đuối!

Cập nhật 08:29 ngày 28/04/2015

Từ năm 2008, Hiệp hội quần vợt nữ chuyên nghiệp (WTA) cho phép các tay vợt nữ được phép nhận sự chỉ đạo của HLV của họ ngay trên sân trong các giải đấu thuộc khuôn khổ WTA Tour. Mỗi séc đấu được một lần như vậy.

 


Ở các giải Grand Slam, họ không được phép làm điều đó vì các giải Grand Slam thuộc quản lý của Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF). Các tay vợt nam không được phép làm điều đó vì Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp (ATP) chưa ban hành luật tương tự như WTA. Qua 7 năm áp dụng, luật này gây nhiều tranh cãi rằng có nên như vậy hay không khi mà quần vợt là môn thể thao cá nhân, các tay vợt phải tự tìm cách vượt qua khó khăn; và những chỉ đạo này có hiệu quả hay không. Rồi luật này có cho thấy mặt “yếu đuối” của phụ nữ hay không.

Tại chung kết giải Indian Wells, Simona Halep đã có được sự tự tin sau khi gặp HLV Victor Ionita để thực hiện cuộc lội ngược dòng hạ Jelena Jankovic. HLV Nick Saviano được ca ngợi sau những cuộc nói chuyện ngắn với Sloane Stephens. HLV Lindsay Davenport với kinh nghiệm của một cựu vô địch Grand Slam đã giúp đỡ học trò Madison Keys nhiều trong các thời khắc khó khăn…

Giới truyền thông sẽ ủng hộ luật này, vì qua những cuộc nói chuyện ngắn giữa HLV và tay vợt, họ đoán được quan hệ giữa các HLV và tay vợt ra sao để thực hiện sự thêu dệt, phỏng đoán và bình luận trong các sản phẩm truyền thông của họ.

WTA làm được tiền từ các “cuộc viếng thăm” này. Năm ngoái, WTA ký một hợp đồng tài trợ với hãng điện toán SAP. Từ năm 2015, SAP sẽ cung cấp ứng dụng thống kê và phân tích các trận đấu ở các giải WTA. Các HLV có thể sử dụng ứng dụng này để nói với các tay vợt về điểm mạnh và điểm yếu của họ cũng như đối thủ ngay trong thời gian diễn ra trận đấu, từ đó đưa ra những điều chỉnh thích hợp trong lối chơi.

Phụ nữ chẳng hề “yếu đuối” khi được sử dụng HLV trên sân đấu. Tất cả các VĐV, trong các môn thể thao đều được huấn luyện. Chẳng ai nói Muhammad Ali yếu đuối khi nghe HLV nói ở góc võ đài, chẳng ai nói Michael Jordan yếu đuối khi chơi theo lối chơi được thiết kế bởi Phil Jackson, không ai nghĩ Rory McIlroy yếu đuối khi nghe theo lời khuyên của caddy trên sân golf. Và không ai nói các tay vợt nam yếu đuối khi nghe theo chỉ đạo từ đội trưởng của họ ở các trận thuộc khuôn khổ Davis Cup. Nên những người mang luận điệu “yếu đuối” khi chỉ trích luật này là vô lý.

WTA tạo ra luật này trước hết vì họ không muốn tình trạng chỉ đạo “lậu” từ khán đài. Các tay vợt nam thỉnh thoảng vẫn bị trọng tài nhắc nhở vì HLV của họ đôi lúc ngồi trên khán đài gào thét chỉ đạo họ. Một điều rất phản cảm đối với các khán giả trên sân đấu.

Tay vợt sẽ là người tốt nhất quyết định họ nên dựa quá nhiều vào HLV hay không. Chưa bao giờ người ta thấy HLV Patrick Mouratoglou xuống sân chỉ đạo Serena Williams. “Đó là khoảnh khắc riêng của tôi, tôi không muốn ai ở đó”, Serena nói. Nếu Maria Sharapova cảm thấy rất cần HLV Sven Groeneveld ở các trận đấu thuộc WTA thì cô sẽ thấy tổn thương khi không được quyền sử dụng HLV trên sân đấu ở các giải Grand Slam.

Ngay cả với sự chỉ đạo từ HLV thì trận đấu quần vợt rút cục vẫn được quyết định bởi tay vợt là chính, vì đây là môn thể thao cá nhân. Có những khi sự viếng thăm của HLV mang lại hiệu quả, giúp tay vợt tự tin lội ngược dòng. Nhưng có những khi sự viếng thăm phản tác dụng, quá muộn hoặc không cần thiết.

Chỉ hy vọng, luật cho HLV xuống sân chỉ đạo một tay vợt nữ mỗi séc một lần sẽ không phát triển lên đến mức có một chỗ cho HLV ở dưới sân bên cạnh tay vợt cả trận đấu. Sân đấu chỉ là nơi của các tay vợt và những người của ban tổ chức làm nhiệm vụ trên sân. Ở môn chơi cá nhân, mỗi người phải tự vận động. Đó là vẻ đẹp của thể thao.

Thế Hưng
(Thethao.vtv.vn)