Cuộc chiến "giành giật" ASEAN mới chỉ bắt đầu?

TTXVN-Chủ nhật, ngày 28/11/2021 08:12 GMT+7

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Ảnh: AP)

VTV.vn - Việc ASEAN và Trung Quốc chuyển từ quan hệ đối tác chiến lược sang quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa quan trọng.

Theo thông tin đăng tải trên trang tin tức HK01 ngày 25/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự và chủ trì hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng hình thức trực tuyến ở Bắc Kinh hôm 22/11, chính thức tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, đây là cột mốc mới trong lịch sử quan hệ song phương. So với quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN với Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Kế hoạch đối tác phát triển ASEAN - Ấn Độ (AIDPP) vừa mới khởi động, việc ASEAN và Trung Quốc chuyển từ quan hệ đối tác chiến lược sang quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa quan trọng. Điều này đồng nghĩa với một bước thắng lợi của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để "giành giật" ASEAN. Tuy nhiên, nhìn lại tổng thể tình hình khu vực, nếu quan hệ Trung Quốc - ASEAN muốn duy trì vị thế dẫn đầu, sức ép sẽ hết sức nặng nề.

Cuộc chiến giành giật ASEAN mới chỉ bắt đầu? - Ảnh 1.

Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á diễn ra theo hình thức trực tuyến (Ảnh: AP)

Cùng với việc trọng tâm kinh tế thế giới chuyển dịch về phía Đông, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở thành tiêu điểm quan tâm của thế giới và tầm quan trọng của ASEAN ở khu vực này ngày càng nổi bật. Theo số liệu dự báo năm 2019 của Ngân hàng Standard Chartered (Anh), tổng quy mô kinh tế ASEAN có thể sẽ đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2023 và ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Bên cạnh việc lần lượt công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nước lớn còn phát động "cuộc tấn công ngoại giao" nhằm "quyến rũ" ASEAN.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn tuyên bố sẽ kiên trì lấy ASEAN làm phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Năm 2016, Nga tăng tốc tiến về phía Đông, tuyên bố muốn làm "lực lượng thứ ba" ở khu vực ASEAN. Năm 2018, Nga và ASEAN nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược. Tại hội nghị trực tuyến Ngoại trưởng EU-ASEAN vào tháng 12/2020, hai bên khẳng định giá trị và lợi ích chung dựa trên quan hệ đối thoại song phương 43 năm, nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ đối tác chiến lược.

Từ ngày 26/10/2021, chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN kéo dài trong 3 ngày được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Sau 4 năm, Tổng thống Mỹ lại tham dự hội nghị cấp cao ASEAN, đặt các nước Đông Nam Á vào vị trí trung tâm của vũ đài quốc tế một cách hiếm thấy. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác hợp tác giữa hai bên là chìa khóa để duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đây là nền tảng an ninh và thịnh vượng chung trong nhiều thập kỷ tới của chúng ta. Mỹ kiên trì ủng hộ Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và trật tự khu vực dựa trên quy tắc.

Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề xuất coi ASEAN là trọng tâm của Chính sách Hành động hướng Đông và giấc mơ "Thế kỷ châu Á" của Ấn Độ. Ngày 28/10/2021, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Ấn Độ, Narendra Modi nhấn mạnh vai trò hạt nhân của ASEAN luôn là ưu tiên hàng đầu của New Delhi.

Ngày 27/10, ASEAN và Australia đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tại cuộc họp thượng đỉnh song phương đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo. Một ngày sau đó, nước chủ tịch luân phiên ASEAN là Brunei tuyên bố quan hệ ASEAN - Trung Quốc cũng được nâng cấp lên mức đối tác chiến lược toàn diện tương tự. Xét từ việc dường như quan hệ Trung Quốc - ASEAN và Australia - ASEAN cùng lúc được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, có thể thấy rằng ASEAN có tính toán đến sự cân bằng giữa các bên. Mâu thuẫn Mỹ - Trung hiện đã trở thành mâu thuẫn chủ yếu nhất trên thế giới hiện nay, ASEAN với tư cách là một nền kinh tế tổng thể ngày càng chiếm vị trí quan trọng trên thế giới và rất khó để ASEAN có thể tạo dựng chỗ đứng khi chỉ dựa vào nước láng giềng Trung Quốc. ASEAN phải cân nhắc đến tính bức bách của đọ sức Mỹ - Trung và tính phức tạp của tình hình khu vực, nên hiệp hội này rất khó xích lại quá gần Trung Quốc về mặt chính trị, tâm thế tối thiểu của ASEAN là từ chối đứng về phe Trung Quốc. Việc nâng cấp quan hệ Trung Quốc - ASEAN lần này phần lớn là kết quả từ sự tích cực thúc đẩy của Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê, quy mô thương mại Trung Quốc - ASEAN đã tăng lên 85 lần trong 30 năm qua, vượt qua kim ngạch thương mại của Nhật Bản và Mỹ với ASEAN, hơn nữa khoảng cách này đang liên tục nới rộng. Năm 2020, ASEAN đã vượt qua EU trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc, đây là một sự đột phá nữa của ASEAN sau khi vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN 12 năm liêp tiếp.

Về phương diện kiểm soát dịch COVID-19, Trung Quốc đã cung cấp 300 triệu liều vaccine cho ASEAN. Với thành quả tự kiểm soát dịch bệnh nổi trội của mình, Trung Quốc hiểu được nhu cầu của ASEAN nên đã hành động nhanh hơn Nhật Bản và Mỹ. Với mong muốn nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, ASEAN dường như khó có thể cưỡng lại thiện chí viện trợ và sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc.

Sự thay đổi mang lại từ quá trình hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc - ASEAN đang dần đạt đến bước chuyển hóa về chất, nên cải thiện cấp độ quan hệ song phương là điều hiển nhiên. Trước đây, ASEAN xích lại rất gần Mỹ về mặt quân sự, trong giai đoạn sắp tới, cùng với việc Trung Quốc và ASEAN xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ từng bước bù đắp những thiếu sót về vấn đề quân sự.

Tranh giành quyền thống trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lôi kéo ASEAN - đây là cuộc cạnh tranh mà các nước vừa mới khởi động và chắc chắn sẽ còn quyết liệt hơn trong tương lai. ASEAN theo đuổi chính sách ngoại giao giữ khoảng cách dưới sức ép của nhiều bên, nên không biểu hiện thái độ quá nhiệt tình đối với Trung Quốc. Trung Quốc nắm chắc cơ hội sẽ thúc đẩy quan hệ với ASEAN tiến về phía trước, còn các bên như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc dẫn đầu và tất nhiên sẽ quyết liệt bám sát. Đối với các nước, coi trọng ASEAN không đơn giản là những lời nói suông, bất cứ động thái mở rộng ảnh hưởng nào đều phải dựa trên tiền đề là thực lực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước