Thách thức với ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng cho dù là ai

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 29/11/2020 10:01 GMT+7

VTV.vn - Dù chính thức đến ngày 20/1 năm sau, chúng ta mới biết ai sẽ lãnh đạo Nhà Trắng, nhưng là ai, thì thách thức với ông chủ Nhà Trắng là không dễ dàng.

Hơn 3 tuần sau cuộc bầu cử đầy kịch tính và rắc rối, tuy Tổng thống Trump chưa thừa nhận thất bại. Nhưng điều đó không cản trở quá trình chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng đã chính thức bắt đầu. Sau việc ông Trump bật đèn xanh cho quá trình chuyển giao quyền lực, Nhà Trắng đã chấp thuận để đội ngũ của ông Joe Biden, nhận được bản tóm tắt thông tin tình báo hàng ngày của tổng thống, bắt đầu từ thứ Hai tới.

Như vậy, ông Joe Biden và ê-kíp sẽ sớm tiếp cận được những thông tin tuyệt mật mà chỉ tổng thống mới có để giúp ích cho việc định hình chính sách của mình.

Những gương mặt sẽ tham gia vào đội ngũ lãnh đạo của ông Joe Biden

Ông Joe Biden cũng nhanh chóng công bố những gương mặt sẽ tham gia vào đội ngũ lãnh đạo của mình. Từ những lựa chọn này, có thể dự đoán như thế nào về chính sách của nước Mỹ trong thời gian tới?

"Đội ngũ đứng sau lưng tôi đây là hiện thân của niềm tin cốt lõi của tôi. Nước Mỹ mạnh nhất khi có những con người này. Những thành tựu ngoại giao và an ninh quốc gia sẽ được đảm bảo nhờ những kinh nghiệm mà họ đã có được sau hàng thập kỷ làm việc cùng với các đối tác của chúng ta" - ông Joe Biden - Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ nói.

Thách thức với ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng cho dù là ai - Ảnh 1.

Danh sách nhóm nhân sự cấp cao tại Nhà Trắng mà ông Biden mới công bố. Ảnh: CNBC

Để thực hiện các chính sách đối ngoại, người được ông Biden tin tưởng là ông Antony Blinken, sẽ giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền mới.

Ông Blinken đã sát cánh với ông Biden trong Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện. Dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, ông Blinken đều góp phần vào các quyết định chính sách đối ngoại lớn. Ông Blinken nổi tiếng trong giới làm chính sách đối ngoại trên thế giới và là người đề xướng hợp tác quốc tế. "Chúng ta không thể giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới một mình. Chúng ta cần hợp tác với các quốc gia khác. Chúng ta cần sự hợp tác của họ".

Cố vấn An ninh quốc gia được ông Biden giao cho ông Jake Sullivan. Ông Sullivan từng làm cố vấn cho ông Biden khi ông giữ chức phó tổng thống. Ông Sullivan cũng từng làm việc cho bà Hillary Clinton khi bà giữ chức Ngoại trưởng.

Trong khi đó, bà Linda Thomas-Greenfield, người được ông Joe Biden giới thiệu làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, khẳng định nước Mỹ sẽ trở lại với chủ nghĩa đa phương truyền thống. "Nước Mỹ đã trở lại, chủ nghĩa đa phương đã trở lại, ngoại giao đã trở lại".

Ông Joe Biden giới thiệu cựu Ngoại trưởng John Kerry, làm Cố vấn đặc biệt của Tổng thống phụ trách vấn đề khí hậu. Nền tảng về ngoại giao của ông Kerry sẽ là một tài sản giá trị cho nội các của ông Biden, người đã cam kết tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống.

Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi nếu ông Joe Biden nắm quyền?

Nếu ông Joe Biden nắm quyền thì chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi đáng kể so với cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên" theo phiên bản mang màu sắc chủ nghĩa bảo hộ của đương kim Tổng thống Donald Trump. Nước Mỹ mà ông Biden muốn sẽ phải quay trở lại vị trí dẫn đầu, nhưng bằng cách tăng cường hợp tác và hành động tập thể với các đồng mình và đối tác.

Thách thức với ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng cho dù là ai - Ảnh 2.

Ông Joe Biden và con trai Hunter Biden. Ảnh: Politico

Trong chiến lược tranh cử, ứng viên Joe Biden cam kết tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống, đặc biệt là khối NATO, khẳng định NATO là bức tường thành lý tưởng với các giá trị của Mỹ; củng cố quan hệ với các đồng minh chiến lược châu Á như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel; mở rộng quan hệ với đối tác mới từ Ấn Độ tới Indonesia .

Về quân sự, ông Joe Biden tái chủ trương rút quân đội Mỹ tại Afghanistan, Trung Đông về nước; khẳng định phải kiên trì chống khủng bố nhưng không chìm vào những xung đột không thể giải quyết.

Về kinh tế, ông Joe Biden ủng hộ việc mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản thương mại và chủ nghĩa bảo hộ để khai thác các thị trường tiềm năng ngoài Mỹ. Tuy nhiên chưa chủ trương tham gia các Hiệp định thương mại tự do mới.

Các vấn đề đa phương được xem là điểm khác biệt đáng chú ý. Theo đó, ông Biden tuyên bố sẽ tham gia lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xác định biến đổi khí hậu là thách thức thời đại và Mỹ sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy tiến bộ về vấn đề này.

Ông Biden cũng sẽ cân nhắc việc Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran để giải quyết các mối đe dọa hạt nhân theo con đườngđối thoại, đàm phán.

Với Trung Quốc, ông Biden xác định Trung Quốc là một thách thức đặc biệt; nhấn mạnh Mỹ cần tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, ứng phó với Trung Quốc cần phải thông qua việc xây dựng mặt trận thống nhất với các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Các đối tác và đối thủ nói gì về kỳ vọng chính sách đối ngoại với Mỹ

Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 4 năm qua và các mối quan hệ của Mỹ với các đối tác và đồng minh rất khó trở lại như xưa. Vì vậy, khi lên nắm quyền, chính quyền mới chỉ có thể thực hiện phần nào các hành động mang tính cải thiện và khắc phục, cũng như chỉ có thể tái thiết phần nào các mối quan hệ. Chúng ta sẽ nghe các đối tác và đối thủ của Mỹ nói gì về kỳ vọng chính sách đối ngoại với Mỹ.

Thách thức với ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng cho dù là ai - Ảnh 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Biden - khi đang là Phó Tổng thống Mỹ, hồi năm 2015. Ảnh: AP

Trung Quốc

Khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc được cho sẽ là thách thức chính trong chính sách đối ngoại của ông Biden. Mối quan hệ này sẽ phải cài đặt lại, nhưng giới quan sát cho rằng, quan điểm cốt lõi của Mỹ về việc cần kiềm chế Trung Quốc không thay đổi.

Mỹ sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc thực hiện một số cải cách mang tính cơ cấu, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường, minh bạch hóa các biện pháp quản lý và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Dự đoán chính quyền mới cũng sẽ tiếp tục truyền thống của đảng Dân chủ, tập trung nhiều vào các vấn đề như nhân quyền và giá trị quan.

Ông Wang Wenbin - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Chúng tôi luôn đề cao việc Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường giao tiếp và đối thoại, giảm thiểu sự khác biệt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, mở rộng hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung - Mỹ".

Nga

Ông Biden được cho là sẽ có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Joe Biden sẽ tương tự như chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama.

Ông Sergei Lavrov - Bộ trưởng Ngoại giao Nga nhận định: "Chúng tôi dự đoán về chính sách đối ngoại của Mỹ nếu ông Joe Biden nhậm chức sẽ giống với những gì Tổng thống Obama đã theo đuổi. Đó là chính sách khí hậu, quay trở lại thỏa thuận Paris và chương trình hạt nhân Iran".

Nhưng cả hai nước có thể gặp nhau tại một điểm chung, đó là mong muốn gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược Mỹ - Nga, hiệp ước duy nhất còn lại giữa hai cường quốc.

Thách thức với ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng cho dù là ai - Ảnh 4.

Saudi Arabia là một đồng minh gần gũi của Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters

Trung Đông

Tổng thống Trump đã làm được nhiều việc cho hòa bình ở Trung Đông, nhưng có một thỏa thuận mà ông đã phá bỏ đang được mong chờ nối lại. Đó chính là thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà chính quyền Obama cùng với các đối tác đã ký với Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: "Nếu nước Mỹ có nhà lãnh đạo mới, tôi tin rằng giải pháp rất đơn giản. Iran và Mỹ cùng quay trở lại thời điểm trước ngày 20 tháng 1 năm 2017".

Thương mại

Dù ông Biden mong muốn xây dựng lại các mối quan hệ và khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ, nhưng điều đó thật không dễ dàng. Trong 4 năm qua, Mỹ không còn giữ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực thương mại ở châu Á. Giờ đây, chính châu Á nắm giữ vai trò này. Không có Mỹ, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn có hiệu lực. Tháng 11/2020, 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việc hai hiệp định thương mại đa phương được ký kết mà không có sự lãnh đạo của Mỹ là điều mà những người theo đuổi thương mại tự do ở Nhà Trắng không thể tưởng tượng được. Liệu họ có muốn sửa đổi điều này.

Đông Nam Á trong chính sách của ông Joe Biden

Ngoài chiều hướng của mối quan hệ Mỹ - Trung, giới phân tích khu vực cũng đặt ra nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa khu vực ASEAN và Mỹ nếu ông Biden nắm quyền. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN là trung tâm trong chính sách xoay trục của Tổng thống Obama, cũng là một khu vực quan trọng trong chiến lược Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương tự do và rộng mở của chính quyền Donald Trump. Chính quyền Mỹ sắp tới sẽ có nhiều ưu tiên cấp bách hơn, ở cả trong nước và quốc tế, song khu vực ASEAN vẫn theo sát các diễn biến để tìm kiếm dấu hiệu phản ánh những dự định và cam kết mới từ chính quyền sắp tiếp quản Nhà Trắng.

Thách thức với ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng cho dù là ai - Ảnh 5.

Liệu ông Biden có vượt qua được 'cái bóng' của cựu Tổng thống Barack Obama?. Ảnh: Asia Times

Ông Joe Biden có khả năng sẽ xoay trục sang khu vực chiến lược châu Á - Thái Bình Dương với 1 chính sách nhất quán. Nhận định từ bài viết "Chiến thắng của ông Joe Biden có ý nghĩa như thế nào với Đông Nam Á" trên tờ AsiaTimes. Bài viết nhấn mạnh, với kinh nghiệm chính trị, ông Biden sẽ triển khai một chính sách mang tính vĩ mô, tổng thể với Đông Nam Á, dựa trên tư vấn từ chính đội ngũ nhân viên ngoại giao tại khu vực. Ông Biden được nhận định cũng sẽ xuất hiện, tham gia nhiều hơn với ASEAN về các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế nếu chính thức nắm quyền.

Đồng tình với nhận định trên, tờ The Diplomat cũng cho rằng, nếu ông Biden làm Tổng thống Mỹ, chính sách với Đông Nam Á sẽ mạch lạc và nhất quán để đúng với vị trí, ý nghĩa trọng tâm của Đông Nam Á trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ. Và với chủ trương này, ông Biden sẽ tích cực hơn trong việc tham gia các hội nghị thượng đỉnh với ASEAN. Trong khi đó, chính sách của Mỹ với Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì theo quan điểm cứng rắn, đặc biệt là liên quan đến các điểm nóng khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Giáo sư Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải cũng có nhận định tương tự. Ông Poling cho rằng, khu vực Biển Đông đang ngày càng thu hút sự chú ý của quốc tế, nguy cơ căng thẳng leo thang vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh đó, nếu ông Biden nắm quyền, Mỹ sẽ thực hiện chính sách cứng rắn hơn so với chính quyền Obama trước đây. Mỹ vẫn sẽ tích cực can dự nhưng sẽ dựa trên hợp tác với các đồng minh, đối tác khu vực.

Về Kinh tế, nhận định của Tờ "The Conservation", cho rằng, với cách tiếp cận mềm mỏng, quan hệ thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ có những cải thiện nhất định. Điều này sẽ kéo theo những lợi ích quan trọng đối với các nền kinh tế Đông Nám Á bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều là 2 thị trường quan trọng hàng đầu.

Ông Joe Biden chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Ông Joe Biden chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Ông Joe Biden chính thức thành ứng viên tổng thống Mỹ Ông Joe Biden chính thức thành ứng viên tổng thống Mỹ Liệu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden có cán đích 'cuộc đua đời người'? Liệu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden có cán đích "cuộc đua đời người"?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước