Tố người vi phạm các biện pháp phòng dịch trên mạng xã hội - Lợi hay hại?

An Ngọc (Theo Channel News Asia)-Chủ nhật, ngày 14/06/2020 05:49 GMT+7

Người dân Singapore tuân thủ quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Chúng ta sẽ làm gì nếu nhìn thấy người vi phạm các biện pháp chống COVID-19? Cứ mặc kệ hay nhắc nhở họ hay... chụp ảnh tung lên mạng xã hội?

Với vô số các nền tảng mạng xã hội phổ biến, những bức ảnh tố các vi phạm các biện pháp chống COVID-19 không thiếu điểm đến. Các chuyên gia đã tìm hiểu xem tại sao những "cảnh sát mạng" lại trở nên đông đảo đến vậy trong thời kỳ dịch bệnh.

Theo Tiến sĩ Jiow Hee Jhee, Giám đốc chương trình truyền thông tại Viện công nghệ Singapore, hành động này có thể xuất phát từ trách nhiệm xã hội, từ nỗi lo lắng thực sự đến sức khỏe cộng đồng.

Nhà xã hội học Tan Ern Ser làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) lại cho rằng việc tố cáo người vi phạm các biện pháp phòng dịch trên mạng xã hội có thể là do tâm lý không chịu được việc nhìn người vi phạm cứ thế nhởn nhơ trong khi bản thân mình phải tuân thủ quy định.

Những "cảnh sát mạng" khác có thể chỉ là chạy theo trào lưu hoặc thấy bài đăng của mình có nhiều người xem thì càng hăng hái thêm. Tuy nhiên, hành vi tố giác này lại có thể châm ngòi cho một cuộc tấn công trên mạng xã hội, chĩa mùi dùi dư luận vào những người vi phạm. Thậm chí, họ có thể còn xâm phạm đời tư cá nhân, đăng thông tin người vi phạm lên mạng xã hội khiến người đó phải chịu đựng sự xấu hổ trước đám đông, vượt xa hơn cả hình phạt do nhà chức trách đưa ra.

Tuy nhiên, các "cảnh sát mạng" cho rằng họ hành động như vậy là để cảnh cáo những người có ý định vi phạm khác bởi những sự vi phạm như vậy có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng và làm kéo dài thêm thời gian áp đặt các biện pháp chống COVID-19 vốn đang nghiêm ngặt.

Tố người vi phạm các biện pháp phòng dịch trên mạng xã hội - Lợi hay hại? - Ảnh 1.

Người sử dụng mạng xã hội có đang lạm dụng quyền của mình? (Ảnh: Channel News Asia)

Các "cảnh sát mạng" hoạt động như thế nào?

Tại Singapore, những nhóm Facebook như SG Covidiots và SG Dirty Fella đã và đang khuyến khích người sử dụng báo cáo những hành vi vi phạm các biện pháp chống dịch.

SG Covidiots được tạo ra vào tháng 4 trong những ngày đầu thực hiện quy định giãn cách xã hội tại Singapore, có hơn 30.000 thành viên. Nhóm này gọi trang của mình là "phong trào ngăn chặn dịch COVID-19". Dirty Fella có số thành viên ít hơn nhưng hoạt động cũng không kém phần sôi nổi. Các bài đăng trong những nhóm này thường bao gồm hình ảnh và video ghi lại những trường hợp vi phạm như không đeo khẩu trang, tụ tập đông người hoặc các hành vi không đảm bảo giãn cách xã hội khác. Một số ảnh được chụp từ xa và nhòe mờ nhưng cũng có những bức chụp rõ nét nhân vật chính.

Tố người vi phạm các biện pháp phòng dịch trên mạng xã hội - Lợi hay hại? - Ảnh 2.

Mạng xã hội tại Singapore hoạt động sôi nổi trong dịch COVID-19 (Ảnh: Channel News Asia)

Hành động của "cảnh sát mạng" liệu có gây hậu quả?

Bên cạnh việc có thể làm lộ thông tin của người vi phạm hoặc, dở khóc dở cười hơn, là xác định nhầm người làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng tư của họ thì có một vấn đề khác nghiêm trọng hơn.

Tiến sĩ Jiow cho biết, các cuộc tấn công của các "cảnh sát mạng" có thể dẫn tới tình trạng kỳ thị, ví dụ như trong một xã hội đa sắc tộc như Singapore. Vào ngày 16/4, một video được đăng tải trên trang Facebook Tiagong cho thấy một người đàn ông đuổi theo một cặp đôi đang chạy bộ, những người có vẻ nói giọng Ấn Độ, trong đó một người không đeo khẩu trang. Người đàn ông đuổi theo và cũng chính là người quay video nói: "Tôi muốn thấy các người chạy đi". Đoạn video còn có thêm chú thích: "Tiagong nên tống họ về Ấn Độ nếu họ chọn cách không tuân theo quy định của chúng ta".

Trước tình trạng này, quản trị viên những nhóm như SG Covidiots đã phải siết chắt quy định quản lý nhằm ngăn chặn những phát ngôn thù địch hay bắt nạt. Quy định nêu rõ: "Bắt nạt dưới bất kỳ hình thức nào đều không được phép và những bình luận mang tính xúc phạm liên quan đến các vấn đề như chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, giới tính hoặc danh tính sẽ không được chấp nhận".

Tố người vi phạm các biện pháp phòng dịch trên mạng xã hội - Lợi hay hại? - Ảnh 3.

Quản trị viên các trang Facebook tại Singapore siết chặt quy định về phát ngôn (Ảnh: Reuters)

Báo cáo người vi phạm các quy định thế nào cho hiệu quả?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xử lý vấn đề hiệu quả hơn thì ngay từ đầu những người chứng kiến vi phạm có thể có những lựa chọn. Theo tiến sĩ Tan, nếu bắt gặp người không đeo khẩu trang, có thể nhẹ nhàng nhắc nhở vì bất kỳ ai cũng xứng đáng có cơ hội sửa chữa sai lầm. "Hoặc nếu bạn mang dư một chiếc khẩu trang, có thể tặng luôn cho họ". Tiến sĩ Jiow cũng đồng tình với quan điểm này.

Trong trường hợp người vi phạm tỏ ý bất hợp tác, người chứng kiến có thể quay video làm bằng chứng và báo cáo trực tiếp với nhà chức trách. Hiện tại, Singapore có một ứng dụng mang tên OneService để người sử dụng có thể báo cáo những vi phạm này với cơ quan công quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước