Trung Đông tái thiết lập các biện pháp giới nghiêm, bất chấp kinh tế sa sút

Anh Phương (Phóng viên THVN tại Trung Đông)-Chủ nhật, ngày 23/08/2020 06:00 GMT+7

Người dân cầu nguyện trong lễ Eid al-Adha tại Baghdad, Iraq. Ảnh: AP

VTV.vn - Nhiều nước Trung Đông đang lên kế hoạch tái thiết lập các biện pháp giới nghiêm trên toàn quốc vì COVID-19, bất chấp tình trạng kinh tế bết bát.

Đây được xem là bước đi cực chẳng đã, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian qua. Khả năng nhiều quốc gia buộc phải phong tỏa lần hai là đề tài được truyền thông khu vực rất quan tâm.

Đóng cửa nền kinh tế để chống dịch thì người dân kêu than không biết lấy gì mà sống, nhưng mở cửa thì người dân lại chủ quan, như thể dịch bệnh không phải là câu chuyện của mình. Đây là tình thế bối rối mà nhiều chính phủ Trung Đông đang phải đối mặt. Cuộc chiến chống COVID-19 tại nhiều nơi được cho là đã cạn kiệt giải pháp.

Nhà vua Maroc mới đây đã cảnh báo nước này sẽ có thể trở lại các lệnh phong tỏa, khi số ca nhiễm tăng rõ rệt kể từ thời điểm nối lại các hoạt động xã hội. Thực tế cho thấy một bộ phận lớn người dân đã không hề thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hay rửa tay thường xuyên. Đáng chú ý, trước đó Maroc đã đưa ra các chế tài khá cứng rắn, trong đó phạt tù lên tới 3 tháng cho những ai không đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhưng rồi vẫn không hiệu quả.

Trung Đông tái thiết lập các biện pháp giới nghiêm, bất chấp kinh tế sa sút - Ảnh 1.

Người dân Czech không bắt buộc đeo khẩu trang từ ngày 1/7, ngoại trừ ở một số điểm nóng dịch COVID-19. Nguồn: AP

Không chỉ mình Maroc, Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất mới đây còn tự tin tuyên bố họ đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Vậy nhưng chỉ trong 5 ngày qua số ca nhiễm đã tăng gấp đôi.

Theo Người phát ngôn Cơ quan Điều hành Khủng hoảng khẩn cấp và thảm họa quốc gia nước này, đang có một sự tự mãn lan rộng trong dân chúng sau những kết quả chống dịch ban đầu. Giờ đây, người dân sẽ chỉ có thể tự trách mình trước sự tàn phá từ làn sóng thứ hai của đại dịch.

Cũng giống như Maroc, các quy định phòng dịch tại đây dường như cũng đã không thể phát huy tác dụng, dù không đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách có thể bị phạt tới 3.000 dirham, tức hơn 18 triệu đồng Việt Nam.

Đã từng có nhiều cảnh báo trước đây về một làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, nhưng đa phần đều nghĩ rằng trong làn sóng thứ hai này, các xã hội sẽ có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm hơn để đối phó với dịch bệnh, tác động vì thế không thể như lần đầu. Nhưng sự thực là sau những biến động vừa qua, nhiều người vẫn hầu như không rút ra được điều gì.

Tại Lebanon, một đất nước chỉ có chưa tới 7 triệu dân, nhưng từ đầu tháng 8 tới nay đã có thêm hơn 5.000 ca nhiễm. Một lệnh giới nghiêm trở lại trong 2 tuần đã được ban bố, dù nền kinh tế nước này đã kiệt quệ, nhưng người ta cũng không dám chắc nó liệu sẽ đạt kết quả gì, khi mà hầu như mọi nơi, từ siêu thị, đám cưới, đám tang, địa điểm công cộng người dân đều không có ý thức tự phòng vệ.

Điểm tên các 'nạn nhân' mới của đại dịch COVID-19 Điểm tên các "nạn nhân" mới của đại dịch COVID-19

VTV.vn - Các cửa hàng đóng cửa, dây chuyền sản xuất không hoạt động, máy bay "đắp chiếu" ở các sân bay - đại dịch COVID-19 đã tàn phá một loạt ngành công nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước